Để phát huy được tài năng trẻ

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 14:06, 08/04/2011

Bác Hồ với tư tưởng dùng người tài đức là hơn nên đã thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng đi theo cách mạng.

Lực lượng lao động trẻ hiện nay chiếm tới hơn phần nửa dân số. Số lao động có học vấn văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ ngày càng cao. Làm thế nào sử dụng tốt nhất, phát huy được tài năng của lực lượng lao động trẻ ấy để đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa?

Không nên phân biệt nguồn gốc xuất xứ

Đã có một thời gian khá dài, do sự đối đầu chính trị trên thế giới, do chiến tranh trong nước kéo dài. Với hoàn cảnh lịnh sử cụ thể, chúng ta đã có sự phân biệt xuất xứ của người lao động: giao việc cho người có nguồn gốc "lý lịch trong sạch" có cha mẹ, ông bà càng nghèo càng tốt. Bởi đó là những người đáng tin cậy về lập trường, tư tưởng. Còn những người gia đình có liên quan tới đế quốc, phong kiến, cho dù thông minh, có năng lực và sẵn sàng đi theo chế độ mới nhưng cũng không được giao việc.

Điều này trái với truyền thống và thực tế. Vào năm 1428 khi cuộc khởi nghĩa chống quân Minh thắng lợi, Lê Thái Tổ đã ra lệnh: "Không cứ là ngụy quan hay sĩ thứ. Cốt lấy tài đức là hơn" và "Nếu có các văn sĩ, hào kiệt còn sót hoặc bị chìm đắm, chưa có chức tước gì, không được ai tiến cử hoặc vì thù hằn mà bị đè nén, nếu xét thực có tài đức thì tâu trình để cất nhắc sử dụng" - (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập II tr 301).

Trong thực tế, bởi chúa Trịnh không trọng dụng người tài xuất thân từ "nhà trò, con hát" mà đã để mất "kiến trúc sư" chính trị, quân sự, văn hóa Đào Duy Từ vào tay chúa Nguyễn. Để rồi chỉ sau 8 năm, chúa Nguyễn nhờ sự góp sức của Đào Duy Từ đã trở nên cường thịnh, hiên ngang đối đầu với chúa Trịnh.

Bác Hồ với tư tưởng dùng người tài đức là hơn nên đã thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng đi theo cách mạng.

Để làm được việc này, công tác tuyển dụng, đề bạt ở các cơ quan, nhất là cơ quan nhà nước cần đoạn tuyệt với tiêu chí "con ông cháu cha", nhận người theo quan hệ "dây mơ rễ má", mà phải dùng người có tài đức thực sự. Thi tuyển phải công bằng.

Không câu nệ vào văn bằng chứng chỉ

Tất nhiên, văn bằng chứng chỉ là điểm nổi để phân biệt người có kiến thức hay không. Song hiện nay, nền giáo dục của ta đã và đang chịu ảnh hưởng của bệnh thành tích, nhất là với thực tế hiện tại, sự tuyển dụng của chúng ta có nhiều "cử tuyển". Tuyển, giao việc rồi mới "vừa học, vừa làm" để có bằng hợp pháp hóa chức danh hoặc làm căn cứ thăng chức lên lương. Do vậy, văn bằng chứng chỉ chỉ là một tiêu chí. Khi giao việc phải căn cứ vào sở trường chuyên sâu của người có văn bằng. Ví dụ: cùng tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán nhưng có người làm kế toán thanh toán thì cẩn thận nhưng lại không có năng khiếu làm kế toán giao dịch, đối chiếu công nợ và ngược lại... Cũng không nhất thiết người có chuyên môn giỏi thì lãnh đạo cũng giỏi. Có người làm công nhân thì nhiều sáng kiến, nhưng làm lãnh đạo thì điều hành thiếu nhịp nhàng. Vấn đề này, Tôn Tử đã từng viết: "Tướng bắn cung giỏi, tướng ấy chỉ huy được 10 người. Tướng biết đến chỗ ăn, nằm của thuộc hạ tướng ấy chỉ huy được trăm, nghìn người. Tướng biết tới đời sống của vợ con, cha mẹ lính, tướng ấy chỉ huy được muôn vạn người".

Vì vậy, khi tuyển vào một vị trí làm việc cụ thể nào thì cần có "đề thi riêng" bằng phỏng vấn hoặc thuyết trình phương án cho công việc ấy. Văn bằng nên chỉ để tham khảo mà thôi.

Cần hết sức tin tưởng vào thế hệ trẻ


Khi đã xác định người tài thực sự thì nên mạnh dạn giao việc. Không nên câu nệ vào luật tục "sống lâu lên lão làng", sợ người trẻ không có kinh nghiệm, không có bề dày cống hiến lại là lãnh đạo của người làm việc lâu năm.

Làm được ba điều trên, lo gì tới vấn đề trẻ hóa lãnh đạo?

LÊ VĂN SƯA
(Thôn Hữu Lộc, xã Văn An, Chí Linh)