Quản lý dịch vụ xe đưa đón học sinh
Tin tức - Ngày đăng : 14:37, 13/04/2011
Hầu hết các phương tiện đưa đón học sinh đến trường tự phát không kiểm định lượng; nhiều phương tiện chở quá nhiều học sinh... là những hiểm họa tiềm ẩn sự mất an toàn đối với các em học sinh.
Nhiều phụ huynh thuê xích lô đưa đón con đi học
Hình ảnh những chiếc xích lô đỗ trước cổng trường đã trở nên quen thuộc với các em học sinh Trường Tiểu học Hải Tân. Từ 4 giờ chiều, khoảng 3 - 4 chiếc xe đã chờ sẵn ngoài cổng trường. Vài ba bác “tài xế” đang tập trung nói chuyện. Người ít tuổi nhất cũng ngoài 40, còn lại đều đã ngoài 50, thậm chí có người đã 60 tuổi. Trong số đó, có một người bị mất một phần cánh tay do tai nạn lao động. Đó là anh Nguyễn Văn Cường ở khu 13, phường Hải Tân. Đưa bàn tay vẫn còn lấm lem lên trán quệt mồ hôi, anh cho biết: “Tôi đang nhận nhiệm vụ chở 9 em học sinh đi học. Như thế là ít, mấy bác ở đây có người còn nhận chở 11 em”. Trước đây, anh Cường làm nghề đạp xích lô chở thuê cho các cửa hàng. Khoảng 5 năm trước, một số gia đình trong khu là những người buôn bán ngoài chợ nhờ anh đưa đón con em họ tới trường. Vừa giúp đỡ hàng xóm, lại có thêm thu nhập nên anh nhận lời. Hằng ngày, ngoài công việc quen thuộc chở thuê cho các cửa hàng, đầu giờ sáng và cuối buổi chiều, anh chỉ cần lắp bộ khung bao gồm mái che, thành chắn…, chiếc xích lô chở hàng quen thuộc đã trở thành phương tiện đưa, đón các em học sinh. Với công việc này, mỗi tháng, anh có thêm thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng.
Bên cạnh phương tiện xích lô, thời gian gần đây, nhiều chiếc xe điện đưa đón học sinh cũng xuất hiện trên đường phố. Ông Nguyễn Đình Thu ở khu 9, phường Hải Tân làm dịch vụ đưa đón học sinh được hơn 15 năm nay. Ông kể: “Trước tôi cũng đạp xích lô chở hàng và đưa đón học sinh. Gần đây, do sức khỏe yếu nên tôi nghỉ ở nhà chăn nuôi lợn và hai buổi đưa đón các cháu. Gần 3 tháng nay, tôi chuyển sang xe điện để di chuyển cho đỡ vất vả. Hiện giờ, tôi chở 15 cháu từ lớp 1 đến lớp 4. Bố mẹ các cháu hầu hết là công nhân, thường xuyên phải tăng ca nên không đưa đón đúng giờ”. Anh Nguyễn Quốc Khánh ở phố Bạch Đằng cũng đã làm nghề đưa đón học sinh được 5 năm nay. Anh cho biết: “Vài năm trước, con tôi học ở trường Lê Quý Đôn. Do nhà xa, lại không có phương tiện đưa đón nên tôi mua chiếc xe điện này vừa để chở cháu đi học, vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, mỗi ngày 4 lần, tôi chở 5 học sinh lớp 6 - 7 đến trường và về nhà. Các cháu đều là con cán bộ, công nhân viên chức, nhà ở khá xa trường, bố mẹ các cháu vừa không có điều kiện đưa đón, vừa không yên tâm khi để con em mình tự đạp xe tới trường”. Trung bình mỗi tháng một gia đình chi phí 500 nghìn đồng/học sinh cho việc thuê người đưa đón con đi học.
Chị Phùng Thị Huyền ở khu 2, phường Hải Tân hiện có con gái học lớp 1 hằng ngày được đưa đón bằng xích lô. Chị kể: “Khoảng 1 tháng nay, bác xích lô mới nhận lời đón con tôi vào mỗi buổi chiều. Chiếc xích lô cũng đã cũ, lại chở khá đông học sinh. Công việc của chồng tôi giờ giấc thất thường nên không thể đón con. Còn tôi vừa phải bán vé số, lại phải trông đứa út. Hơn nữa, mấy năm nay thấy bác xích lô vẫn qua đây, cũng không có chuyện gì xảy ra nên tôi quyết định gửi con cho bác đưa đón giúp. Mặc dù xe có phần chắn xung quanh, nhưng tôi vẫn dặn cháu phải ngồi ở giữa cho yên tâm”.
Có thể thấy, dịch vụ đưa đón học sinh chỉ là những công việc phụ để tăng thu nhập cho gia đình các “tài xế”. Dịch vụ này xuất hiện đã mang lại nhiều thuận lợi cho những gia đình không có điều kiện đưa đón con tới trường. Tuy nhiên, thực tế các phương tiện đưa đón học sinh chưa được cơ quan chức năng kiểm định về mặt chất lượng. Không ít xe cùng lúc chở nhiều em học sinh tới trường. Các cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm tra, kiểm soát dịch vụ này, đồng thời những người lái xe phải nâng cao ý thức... để bảo đảm an toàn cho các em học sinh khi đến trường.
HỒNG HẠNH