Chủ thể xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:34, 18/04/2011
Kinh nghiệm phát triển nông thôn trong những năm qua khẳng định: Sự chủ động sáng tạo của nông dân được định hướng đúng kết hợp với sự chỉ đạo kịp thời sẽ tạo động lực xây dựng nông thôn gàu mạnh.
Nhiều nông dân ở xã Kim Anh (Kim Thành) đã chuyển sang
kinh doanh dịch vụ cho thu nhập khá
Nông dân với vai trò chủ thể được tham gia ý kiến vào đề án và bản đồ án quy hoạch NTM ở xã; tham gia lựa chọn những công việc cần làm trước, làm sau có tác dụng thiết thực với người dân và phù hợp với khả năng của địa phương; quyết định mức độ đóng góp xây dựng công trình công cộng của thôn, xã; cử đại diện để tham gia quản lý, giám sát các công trình xây dựng; tổ chức quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành.
Việc nông dân xây dựng NTM không nên hiểu đơn thuần là tham gia góp tiền, công sức, ý kiến vào các hoạt động xây dựng. Nguồn lực của nông dân phục vụ xây dựng NTM rất phong phú, đa dạng. Từ việc tự đầu tư, tăng thu nhập trong các hoạt động kinh tế gia đình, giữ gìn nếp sống văn hóa, chỉnh trang nhà cửa, giữ ngõ, xóm sạch đẹp đến việc đóng góp, tham gia vào các hoạt động chung của thôn, xã, giữ vững an ninh trật tự… Những hoạt động xây dựng NTM không phải cái gì xa vời mà chính là những hoạt động thiết thực hằng ngày của mỗi người dân để kinh tế - xã hội phát triển, môi trường sạch, đẹp, phát huy bản sắc văn hóa.
Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc có đóng góp to lớn của nông dân. Nhờ thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ ở xã nên nhiều nơi đã khơi dậy được nguồn nội lực mạnh mẽ của nông dân để xây dựng nông thôn phát triển.
Đạt 13/19 tiêu chí NTM
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã Kim Anh (Kim Thành) có 13 tiêu chí đạt chuẩn NTM (xã NTM phải đạt 19 tiêu chí). Trong 5 năm qua (2006-2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 9,48%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, tiểu, thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2010, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp - dịch vụ là: 35,9% - 24,3% - 39,8%. Hằng năm có 81% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Kim Anh trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của nông dân. Nông dân đóng góp hơn 1,1 tỷ đồng để xây dựng một số công trình nhà văn hóa thôn, nhà hiệu bộ trường tiểu học, gần 3,9km đường bê-tông phục vụ sản xuất, nâng cấp đường trong chợ, mua sắm cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động của xã. Không chỉ đóng góp trực tiếp, nông dân Kim Anh đã tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Ông Nguyễn Bá Liệp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Anh cho biết: “Việc huy động nguồn lực của nông dân để xây dựng NTM có khó khăn do nhận thức, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình khác nhau nên mức độ tham gia các công việc cũng khác nhau. Kinh nghiệm quan trọng nhất của đảng bộ, chính quyền xã trong huy động sức dân là thực hiện sâu, rộng công tác tuyên truyền và thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đối với các công việc có liên quan đến đóng góp của nông dân, chính quyền xã công khai cho dân biết, người dân được bàn bạc và quyết định trực tiếp, đồng thời tham gia giám sát thực hiện. Chính vì vậy, người dân hăng hái tham gia xây dựng, tạo điều kiện cho công trình hoàn thành nhanh, gọn”.
Hiện nay, Đảng ủy xã Kim Anh đã có Nghị quyết về xây dựng NTM, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, triển khai chủ trương xây dựng NTM đến hội nghị quân - dân - chính của xã.
Tạo đột phá về trồng rau màu
Nông dân xã Gia Xuyên (Gia Lộc) thâm canh 4 vụ rau màu, lúa/năm, cho giá trị sản xuất 140 triệu
đồng/ha (2010). Trong ảnh: Nông dân thôn Tằng Hạ chăm sóc rau vụ xuân hè
Hiện nay, xã Gia Xuyên có 286,6ha đất canh tác, trung bình mỗi nhân khẩu chỉ có 240m2 đất canh tác. Nếu chỉ trồng 2 vụ lúa thì nông dân Gia Xuyên chỉ đủ lương thực ăn trong năm. Bắt nguồn từ việc một số nông dân mua dưa hấu trồng ở miền Nam về để bán tại địa phương, một số nông dân khác đã quyết định trồng dưa hấu để cung cấp cho thị trường. Nắm bắt được cách làm sáng tạo này, Đảng ủy, chính quyền xã đã quyết định thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng giá trị sản xuất từ đất nông nghiệp. Chính quyền xã phối hợp với các cơ quan khác đã tìm bộ giống rau, lúa ngắn ngày, phù hợp điều kiện canh tác để luân canh nhiều vụ trong năm. Đồng thời tích cực chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, liên hệ tìm thị trường tiêu thụ cho nông dân. Đến nay, Gia Xuyên đã hình thành công thức luân canh 4 vụ/năm mang lại giá trị sản xuất cao. Sau khi trồng lúa xuân bằng các giống lúa ngắn ngày để bảo đảm cái ăn, đến tháng 5, tháng 6 nông dân bắt đầu trồng dưa hấu, rồi tháng 8 trồng bắp cải chịu nhiệt, cuối cùng trồng một vụ rau đông chính vụ (công thức: lúa xuân + dưa hấu hè + bắp cải vụ đông sớm + rau đông chính vụ). Điểm đặc biệt ở công thức luân canh trên là dưa hấu vụ hè và bắp cải chịu nhiệt vụ đông thường trồng sớm nên có khả năng cạnh tranh cao, bán được giá. Riêng với rau vụ đông chính vụ, nông dân Gia Xuyên trồng đa dạng các loại cây để phòng tránh tình trạng ế thừa. Nhờ thâm canh, tăng vụ, giá trị sản xuất đất nông nghiệp của xã năm 2010 đạt 140 triệu đồng/ha/năm, tăng 56 triệu đồng/ha/năm so với năm 2008. Năm 2010, chỉ tính riêng 3 vụ trồng màu trong năm, nông dân Gia Xuyên thu lãi bình quân khoảng 8,5 triệu đồng/sào. Việc trồng rau màu mang lại thu nhập khá đã giúp đời sống nông dân ngày càng cải thiện. Như vậy, sự sáng tạo, chủ động của nông dân nếu được sự định hướng, chỉ đạo kịp thời của chính quyền sẽ có tác dụng mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập.
Đời sống kinh tế khá giả tạo điều kiện để nông dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi công cộng để phục vụ cuộc sống của chính mình. Mới đây, mỗi hộ ở Gia Xuyên đã góp 2,3 triệu đồng để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch đến từng nhà.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên, yếu tố quan trọng nhất để phát huy nguồn lực của nông dân trong xây dựng NTM ở địa phương những năm qua chính là lựa chọn những công việc phục vụ thiết thực đời sống nông dân. Nếu làm tốt việc này, việc triển khai sẽ thành công. Các công việc liên quan đến lợi ích của dân phải được thực thi dân chủ, công khai. Những việc nông dân khó thực hiện phải có sự định hướng, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền. Ở Gia Xuyên, nông dân thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ các loại rau. Chính quyền và HTX dịch vụ nông nghiệp đã liên hệ với các công ty giống để biết thị trường tiêu thụ, từ đó định hướng về diện tích, thời gian trồng để bảo đảm rau tiêu thụ thuận lợi.
NINH TUÂN