Vật lộn với giá cả

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:01, 27/04/2011

Cùng với giá điện, giá xăng dầu, giá cả hàng loạt các mặt hàng tăng cao đã và đang gây áp lực lên đời sống cả người có thu nhập thấp và nhiều người thu nhập khá.



Bữa cơm sinh viên càng thêm đạm bạc

Lao động thu nhập thấp chật vật

Gần 2 tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Lành ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) phải thắt chặt mọi chi tiêu trong gia đình. Chị Lành tâm sự: Cả nhà 5 miệng ăn đều trông chờ vào gánh hoa quả bán rong của chị. Nào là lo tiền cho hai đứa con ăn học, tiền thuê nhà, tiền điện, nước, thi thoảng lại phải lo thuốc thang cho mẹ già gần 80 tuổi. Chồng chị làm nghề tự do, ngày có việc thì làm được 100 - 120 nghìn nhưng cũng có khi không có việc làm phải nghỉ cả tuần. Gánh nặng gia đình đều đè trên vai chị. Vì vậy, để cân đối bữa ăn của gia đình, hằng ngày chị đều phải tính toán từng khoản, từng món. Trước đây, thi thoảng cho các con ra ngoài ăn sáng thì giờ đây chị phải dậy sớm nấu cơm để cả gia đình cùng ăn. Trước đây, hôm nào hoa quả bán ế hàng, chị đều mang về cho các con ăn, nhưng bây giờ chị phải tận dụng bán hết để kiếm thêm tiền. Không chỉ có vậy, chị Lành còn phải thay đổi món ăn cho đỡ tốn kém. Thay vì ăn dầu đậu nành thì nay chị chuyển sang mua mỡ lợn về rán. Trước đây, một tuần cả nhà ăn 2 bữa thịt, 2 bữa cá thì nay chỉ dám ăn một bữa thịt, một bữa cá. Còn lại là ăn rau, đậu phụ và lạc. Tuy không ngon bằng trước nhưng đối với gia đình chị, có ăn như vậy mới "cầm cự" được trong thời buổi giá cả mặt hàng tăng chóng mặt như hiện nay.

Gia đình bác Nguyễn Văn Doanh, nông dân thôn Thúy Lâm, Thanh Sơn (Thanh Hà) thuộc diện nghèo của xã, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào vườn. Mặc dù, hai con của bác đều được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đi học đại học, nhưng mỗi tháng bác vẫn phải gửi cho mỗi con 800 nghìn - 1 triệu đồng nên cuộc sống gia đình hết sức chật vật. Bác Doanh cho biết: "Trước đây tăng giá thì còn có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, nhưng giờ sự chênh lệch đó cũng không còn, ở quê cái gì cũng đều tăng, từ cân muối ăn, đến chai nước mắm, củ hành… Đối với những người có lương hưu, có chế độ của Nhà nước thì còn bớt khó khăn, chứ với nông dân chúng tôi thu nhập thấp, để vượt qua cơn bão giá này thật không dễ dàng gì”. Bác Doanh cũng cho biết thêm: Số tiền công đi làm thợ xây cũng chỉ tạm đủ để gửi cho các con ăn học, mọi chi tiêu khác trong gia đình hầu như không có. Hai vợ chồng phải "thắt lưng buộc bụng" mọi khoản, ăn uống cũng chỉ là những thứ rau do nhà tự trồng, thi thoảng ăn bữa đậu phụ sốt cà chua, lâu lắm thì mới dám mua vài ba lạng thịt.

Quả thực những ngày này, đi đến đâu cũng dễ dàng nghe thấy cụm từ “trước đây - bây giờ”. Nhất là các bà, các chị nội trợ, học sinh, sinh viên, công nhân lao động… Dường như họ lúc nào cũng có sẵn biểu giá các loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày trước đây và bây giờ để đem ra so sánh, cân nhắc. Em Nguyễn Thị Trang, quê Thái Bình, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết: So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá các loại thực phẩm mà em hay mua như lạc, đậu phụ, thịt lợn, rau xanh… đều tăng từ 20 - 50% khiến cho cuộc sống sinh viên xa nhà gặp rất nhiều khó khăn. Tiền điện và tiền thuê nhà trọ sau Tết cũng đã tăng cao, trong khi đó số tiền gia đình cho hằng tháng cũng vẫn như trước đây nên em phải tự cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu. Hiện nay, Trang đang tính ghép ở chung phòng với 2 bạn khác để giảm bớt tiền nhà, còn điện thoại thì gần 1 tháng nay Trang không nạp thêm, khi nào có việc thực sự cần mới ra đại lý để gọi… Trang vừa cười, vừa nói với chúng tôi: Tìm trăm phương ngàn kế để đối phó với cơn "bão giá" rồi mà chưa hết tháng tụi em đã hết tiền!

Đến “nhà giàu” cũng… khóc


Cơn "bão giá" hiện đang là áp lực của không chỉ với những người có thu nhập thấp, nông dân, học sinh, sinh viên… mà ngay cả với nhiều người có thu nhập khá. Chị Nguyễn Thu Nga, nhân viên làm việc tại một phòng khám đa khoa trên địa bàn TP Hải Dương, có chồng làm việc tại một công ty kinh doanh bảo hiểm, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Vậy nhưng gần đây giá cả tăng quá cao khiến hai vợ chồng chị lúc nào cũng phải cân đong, đo đếm mọi khoản trong nhà. Chị Hoa cho biết: Trước đây, giá cả mọi thứ đều bình ổn nên thu nhập của hai vợ chồng có thể bảo  đảm mọi chi tiêu trong gia đình và nuôi một cháu nhỏ. Gần 2 tháng nay, giá mặt hàng nào cũng tăng, hai vợ chồng không biết xoay xở ra sao. Tháng vừa rồi, vợ chồng chị đã tiêu quá so với thu nhập gần 2 triệu đồng và phải tạm ứng từ cơ quan.

Anh Nguyễn Văn Minh, nhân viên một ngân hàng ở TP Hải Dương cho biết, thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng anh tới gần 20 triệu đồng. Đây là mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung, nhưng vợ chồng anh cũng phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu. Trước đây, cuối tuần anh thường tổ chức cho gia đình đi ăn nhà hàng, vợ anh vẫn thường đến các trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Giờ đây thay vì đi ăn nhà hàng, vợ anh mua đồ về nhà tự nấu. Còn việc đi “chỉnh trang” sắc đẹp của chị cũng giảm từ 1 lần/tuần xuống còn 2 tuần/lần. Từ tháng 4, gia đình đã cho người giúp việc nghỉ làm để giảm bớt chi phí hằng tháng. Anh Minh tâm sự: Không có người giúp việc, mình sẽ vất vả hơn, đi làm về phải đón con, nấu nướng, cho con ăn… nhưng nếu không mọi chi tiêu trong nhà sẽ khó khăn hơn trong thời buổi "bão giá" như hiện nay.

Theo nhận định của Sở Tài chính và Sở Công thương, thời gian tới, giá cả các mặt hàng, nhất  là nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày vẫn chưa thể có dấu hiệu giảm. Ngày 1 - 5 tới đây, Nhà nước sẽ tăng lương tối thiểu từ 730 nghìn đồng/ tháng lên 830 nghìn đồng/tháng. Người dân đang rất lo ngại tình trạng lương chưa tăng giá đã tăng như những năm trước. Để chống chọi với cơn "bão giá", không còn cách nào khác, mỗi người dân phải tự thắt chặt mọi chi tiêu, triệt để tiết kiệm...


Tốc độ tăng giá chỉ thua năm 2008


Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Hải Dương tăng 6,18% trong ba tháng đầu năm. Đây là năm có tốc độ tăng CPI cao trong quý 1, chỉ đứng sau ba tháng đầu năm 2008 (tăng 11,19%).

Chỉ số giá tiêu dùng quý 1-2011 tăng 12,29% so với cùng kỳ năm trước (năm 2010 là 8,07%, năm 2009 là 13,66%, năm 2008 là 18,76%). So với cùng kỳ năm trước, một số mặt hàng tăng cao là: lương thực tăng 22,64%; thực phẩm tăng 24,14%; đồ uống, thuốc lá tăng 14,73%; nhà ở, điện, nước tăng 12,23%...



HÀ VY