Nhìn lại Tết trồng cây mùa xuân 2011

Môi trường - Ngày đăng : 09:59, 29/04/2011

Nét mới trong Tết trồng cây mùa xuân năm nay là UBND tỉnh đã cấp 4.000 cây sấu, ổi cho các địa phương trồng trong dịp lễ phát động. Hai loại cây này có hiệu quả kinh tế và tạo bóng mát.


Học sinh Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) tham gia trồng và chăm sóc cây bóng mát
tại đường Trương Mỹ kéo dài


Đến ngày 25-4, toàn tỉnh ước trồng được 866 nghìn cây phân tán các loại, nhiều hơn 40 nghìn cây so với cùng kỳ năm trước. Các nơi đã đạt và vượt kế hoạch trồng cây cả năm trong mùa xuân này là: TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, Nam Sách, Bình Giang, Tứ Kỳ.

Năm nay, tỉnh có kế hoạch trồng 1 triệu cây phân tán (số lượng tương đương năm ngoái), gồm 690 nghìn cây ăn quả và 310 nghìn cây lấy gỗ, phong cảnh, bóng mát. Thị xã Chí Linh, các huyện Kinh Môn, Thanh Hà được tỉnh giao số lượng cây trồng lớn do có nhiều diện tích rừng và cây ăn quả. Phương châm chỉ đạo thống nhất là trồng cây phải kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, trồng loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở các địa phương có đê thì trồng tre chắn sóng để phòng, chống lụt, bão. Ở khu vực thành thị, trồng cây phải theo quy hoạch để tạo bóng mát và cảnh quan môi trường.

Nét mới trong Tết trồng cây mùa xuân năm nay là UBND tỉnh đã cấp 4.000 cây sấu, ổi cho các địa phương trồng trong dịp lễ phát động. Hai loại cây này có hiệu quả kinh tế và tạo bóng mát. Một số công ty, đơn vị đã tích cực tham gia Tết trồng cây bằng việc hỗ trợ miễn phí giống cây cho huyện, thị xã, thành phố. Công ty TNHH May Tinh Lợi đã hỗ trợ một số lượng lớn giống cây keo, bạch đàn cho các địa phương.

Đến nay, huyện Nam Sách đã trồng gần 64 nghìn cây các loại, vượt 40% kế hoạch. Năm 2010, huyện chỉ đạt 98% kế hoạch. Bà Vũ Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Cây phong cảnh trồng nhiều ở khuôn viên cơ quan, công sở; cây lấy gỗ trồng ở các bờ mương, khu chuyển đổi. Nông dân cũng tích cực trồng cây ăn quả ở các trang trại, gia trại. Nhiều vườn tạp trước chỉ để cỏ đã được trồng thay thế bằng cây đu đủ, xoài, na. Toàn huyện có 13 xã, thị trấn đạt và vượt kế hoạch trồng cây cả năm".

Công ty TNHH May Tinh Lợi hỗ trợ huyện Tứ Kỳ 64 nghìn cây keo, bạch đàn. Số cây này phân phối đến các xã có nhu cầu. Đến cuối tháng 4, toàn huyện ước trồng 94 nghìn cây phân tán các loại, vượt 4.000 cây so với kế hoạch tỉnh giao, tương đương với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: "Mặc dù vậy, việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các trang trại, gia đình vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ". Số lượng cây trồng trong mùa xuân khá cao, đạt 86,6% kế hoạch cả năm. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú ý khâu tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, đạt hiệu quả. Nông dân tích cực cải tạo vườn tạp, trồng loại cây dễ bán trên thị trường và có hiệu quả kinh tế. Việc chăm sóc, bảo vệ cây đã trồng được quan tâm.

Tuy nhiên, việc trồng rừng ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn thực hiện chậm do mưa rào xuất hiện muộn. Diện tích cây vải thiều tiếp tục giảm để chuyển sang trồng các loại cây khác. Việc tổ chức lễ phát động trồng cây ở một số nơi còn nặng tính hình thức, phát động xong nhưng không có sự chỉ đạo sát sao, kiểm tra thực tế. Tình trạng trồng cây không theo quy hoạch, không tính toán đến các nhu cầu khác vẫn xảy ra. Chẳng hạn, nhiều địa phương trồng cây ở bờ kênh, mương làm ảnh hưởng đến việc làm thuỷ lợi đông xuân vào cuối năm. Số lượng cây trồng ở một số nơi đạt thấp. Kế hoạch giao trồng cây cho nhiều địa phương chưa sát với tình hình thực tế...

PV