Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 15:02, 30/04/2011

"Đường ra trận mùa này đẹp lắm" là câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật (trong bài thơ "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây") mà tôi mượn làm nhan đề cho bài viết ghi những xúc cảm khi đọc lại bài thơ "Đường ra mặt trận" của Chính Hữu.

Bài thơ "Đường ra mặt trận" (in trong tuyển thơ Chống Mỹ cứu nước 1965 - 1967) ra đời năm 1965. Đó là năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Cả nước có chiến tranh. Miền Bắc lúc ấy vừa là hậu phương lớn của miền Nam tiền tuyến, lại vừa là tiền tuyến vì phải trực tiếp đánh Mỹ. Miền Bắc lúc ấy với khẩu hiệu "Tay cày tay súng", "Tay búa tay súng", gian nan vô cùng. Mọi người đều gánh trên vai hai nhiệm vụ: sản xuất ra của cải để tự nuôi mình, để xây dựng CNXH và tiếp viện cho miền Nam cả người và của; lại phải đánh thắng giặc Mỹ. Đây là giai đoạn đất nước sôi động và hào hùng.
Chính cái không khí hào hùng của đất nước đã tạo nên cảm hứng mãnh liệt để Chính Hữu viết "Đường ra mặt trận". Bài thơ ngắn gọn, ý tứ rõ ràng, lời lẽ tự nhiên như hiện thực cuộc sống sản xuất và chiến đấu lúc ấy. Đọc bài thơ ta có cảm giác Chính Hữu làm thơ rất dễ dàng. Câu thơ có chỗ như văn ký sự, có chỗ xen vào miêu tả chút ít nhưng không hoa mĩ, không cầu kỳ, không làm duyên làm dáng, cứ mộc mạc, chân chất, có sao nói vậy. Bài thơ có tầm khái quát lớn. Tác giả xây dựng hình tượng "cả nước lên đường". Nói như Chế Lan Viên "Cả dân tộc không một ai là quân dự bị" thì hôm nay cả dân tộc ấy đang hành quân ra trận. Vì thế mà bài thơ là một bức tranh hoành tráng mang vẻ đẹp tươi tắn, rực rỡ, hào hùng, khoẻ khoắn đầy khí thế của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó cũng là khí thế của cả nước lên đường.

Hai khổ thơ đầu có 10 câu tất cả nhưng không hề có vần mà chỉ có nhịp. Nhịp thơ lại ngắn. Có chỗ hai chữ. Có chỗ 4 chữ hết sức linh hoạt:
"Bộ đội/dân quân/ trùng trùng điệp điệp
Chào nhau/ không kịp nhớ mặt
Dô hò/nón vẫy theo
Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát"

Chính cái nhịp thơ ngắn mà lại liên tục làm cho người đọc không thể chậm hoặc dừng lại được, đã mô tả sự dồn dập vội vã của đoàn quân, gợi được không khí hối hả trên đường ra mặt trận. Không khí thơ cuồn cuộn cuốn hút người đọc. Ngôn ngữ thơ được chắt gạn đến cùng chỉ còn lại tinh chất. Đó là cái đúng, cái thật, cái mộc mạc của đời sống thời chiến qua những chi tiết rất đắt "Trống giục", "Xôi nắm cơm đùm", "Tiếng cười hăm hở" và nhất là "Chào nhau không kịp nhớ mặt".

Cả cái đội ngũ khổng lồ ấy ra trận từ một điểm xuất phát. Điểm ấy là miền Bắc XHCN đang sắp hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) với phong trào thi đua sôi nổi, những điển hình tiên tiến "Trống Bắc Lý" (ngành giáo dục); "Gió Đại Phong" (nông nghiệp), "Cờ Ba nhất" (quân đội), "Sóng Duyên Hải" (ngành công nghiệp) mà tác giả viết thành khổ thơ "Chào những ngôi trường ngói đỏ bình yên/ Lấp lánh cánh đồng đang gặt đang hái/ Xuôi ngược công trường những bánh xe reo/ Ngọn khói con tàu như tay vẫy gọi". Không chỉ chủ nghĩa xã hội tiếp sức cho đội ngũ đang ra trận, mà cả lịch sử cách mạng "Hai mươi năm/ mưa, nắng, đêm, ngày/ Hành quân không mỏi (từ 1945 đến ngày bài thơ ra đời vừa tròn 20 năm) tiếp sức cho đội quân "Dài như tiếng hát" ấy ra trận. Với sức mạnh như vậy, đội quân của cả nước tất yếu sẽ chiến thắng. Đất nước sẽ thống nhất. Và quả nhiên 10 năm sau (1975) niềm tin ấy đã thành hiện thực. Đắm vào không khí hào hùng ấy, tác giả xúc động mãnh liệt phải bật lên một lời tâm huyết "Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội/ của những người đi, vô tận, hôm nay". Tác giả bị cuốn đi trong cảnh sôi động ấy nhưng tai vẫn nghe rõ 2 thứ âm thanh. Một là "Yểm trợ miền Nam/ thình thình đại bác", Hai là "Nhịp những bước chân/ cả nước lên đường "đang rung chuyển cả núi rừng và nói như Tố Hữu là "Làm run sợ cả lầu năm góc".
Gần nửa thế kỷ đi qua, nhưng từng câu, từng chữ vẫn giữ được vẻ đẹp và sự xúc động sâu sắc đối với người yêu thơ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.


ĐƯỜNG RA MẶT TRẬN

                                        Chính Hữu

Những buổi vui sao, cả nước lên đường
Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục
Xóm dưới làng trên, con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau
Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội
Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu.

Bộ đội dân quân trùng trùng điệp điệp
Chào nhau không kịp nhớ mặt
Dô hò nón vẫy theo
Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát.

Chào những ngôi trường ngói đỏ bình yên
Lấp lánh cánh đồng đang gặt đang hái
Xuôi ngược công trường những bánh xe reo
Ngọn khói con tàu như tay vẫy gọi.

Đất nước mình đây
Hai mươi năm mưa, nắng, đêm, ngày
Hành quân không mỏi
Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội
Của những người đi, vô tận, hôm nay.

Yểm hộ miền Nam
Thình thình đại bác
Nhịp những bước chân
Cả nước
lên đường.
   1965

VĂN DUY