Ứng dụng kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh trên cây vải thiều
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:13, 06/05/2011
Huyện Thanh Hà có 4.950 ha trồng vải với sản lượng hằng năm 20 - 25 nghìn tấn quả, đem lại thu nhập cho người trồng vải từ 28 - 30 triệu đồng/ha. Song, một trong những khó khăn lớn nhất của người trồng vải là phòng trừ dịch hại. Việc phòng trừ sâu bệnh hại vải tại các địa phương vẫn chủ yếu phun thuốc định kỳ và theo kinh nghiệm nên hiệu quả khống chế bệnh chưa cao. Sâu đục cuống quả đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm của quả vải. Theo một số người trồng vải thì khi phun thuốc phòng trừ, số vải bị hại chỉ chiếm hơn 10%, nếu không được phun thuốc hơn 90% số quả vải sẽ bị hại. Để phòng trừ sâu đục cuống quả vải, nhiều hộ đã phun thuốc từ 3 đến 4 lần/vụ nhưng tỷ lệ vải bị sâu đục vẫn cao hơn 30%. Nguyên nhân là do các hộ không nhận diện được sâu đục cuống quả vải nên phun thuốc không đúng thời điểm, chủ yếu phun theo kinh nghiệm. Sau 2 năm nghiên cứu thực hiện đề tài: “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để xây dựng mô hình quản lý sâu bệnh hại vải thiều cho một số địa phương ở Hải Dương”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Vân, Phó trưởng bộ môn Miễn dịch thực vật (Viện Bảo vệ thực vật) đã phát hiện được 8 loại dịch hại. Trong đó có 5 loại sâu hại và 3 loại bệnh hại thường xuyên xuất hiện và gây hại trên cây vải. Sâu hại vải thường gây hại nặng nhất ở giai đoạn ra hoa cho tới quả non, sâu non hoạt động mạnh nhất vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong tán lá, cắn chẻ hoa, đục vào quả non, gây tình trạng rụng quả.
Ông Nguyễn Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết: Từ năm 2009 - 2010, Viện Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện dự án ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để xây dựng mô hình quản lý sâu bệnh hại vải thiều. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân ở 2 xã Thanh Sơn và Thanh Thủy (Thanh Hà) về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại. Do vậy, nhiều khả năng vụ vải năm nay chất lượng vải sẽ tăng lên.
Viện Bảo vệ thực vật đã dùng thử một số thuốc hóa học, sinh học như Bassa 50 EC nồng độ 0,03%, sau 3 ngày phun, hiệu lực đạt 84,2%, công thức xử lý thuốc Regent 80 WG nồng độ 0,1%, đạt 68,62%, dùng VBT hiệu lực thuốc đạt cao nhất 64,5%, thuốc Actatac 300 EC và Regent 800 EC đạt hiệu quả 98,12 - 98,46% sau 5 ngày phun trừ sâu đục cuống quả vải. Ngoài ra, viện cũng đã khuyến cáo bà con nông dân trồng vải sau khi thu hoạch cần phải tỉa cành tạo tán, tỉa các cành tăm, cành trong tán để lộc ra vào tháng 10 – 11 hằng năm, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại vải. Từ kết quả nghiên cứu và thử nghiệm thành công, Thạc sỹ Nguyễn Thị Vân khuyến cáo người trồng vải cần vệ sinh vườn, tỉa cành đầu vụ, thu gom tàn dư vụ trước, xây dựng hệ thống thoát nước tốt, phòng trừ bệnh bằng thuốc hóa học chỉ tập trung vào giai đoạn quả chính. Thường xuyên kiểm tra vườn, nhất là khi thời tiết có nhiều mưa và cần quan tâm đến những chùm quả dưới gốc khuất trong tán cây và sát dưới đất, vì bộ phận này thường xuất hiện bệnh trước, rồi mới lây lan lên cao. Sử dụng thuốc Ridomil Gold 68 WP, Ridomil MZ 72WP phun phòng trừ bệnh hiệu quả nhất khi bệnh mới xuất hiện và tiến hành phun nhắc lại sau 7 ngày.
PHẠM NINH HẢI