Hiệu quả triển khai Đề án 1816 của ngành y tế

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:02, 08/05/2011

Ngành y tế tỉnh Hải Dương đã làm tốt đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" của Bộ Y tế.

"Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" là đề án được Bộ Y tế chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 8-2008 đến nay. Trong quá trình triển khai đề án, đã có nhiều cách làm sáng tạo và về cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Ví dụ, ở tỉnh Hải Dương, trong năm 2010, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cử 45 cán bộ luân phiên xuống các cơ sở y tế tuyến huyện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến cơ sở, giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, sau khi nhận được công văn đề nghị giúp đỡ của tỉnh Sơn La, lãnh đạo bệnh viện còn tăng cường các bác sĩ cho Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La). Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, sau một buổi lên lớp giảng về kiến thức cơ bản là một buổi thực hành trên từng ca bệnh. Đối với một số lĩnh vực, thay bằng việc chỉ cử cán bộ xuống để “cầm tay chỉ việc”, thì đề nghị Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên cử cán bộ về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để học tập. Sau đó mới quay về địa phương làm việc dưới sự giám sát của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tai giữa - vá màng nhĩ qua kính hiển vi cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh tư liệu

Đối với số bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên về học tập kinh nghiệm tại bệnh viện, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã bố trí nghỉ tại bệnh viện. Ban đêm nếu có việc, những bác sĩ này có thể tham gia trực cấp cứu, hoạt động chuyên môn, cọ xát với thực tế để nâng cao tay nghề. Nhờ vậy, hiệu quả học tập được nâng cao, anh em vững tin hơn khi áp dụng những kiến thức, kỹ thuật mới vào quá trình khám, chữa bệnh.

Còn Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai Đề án 1816 theo một cách riêng. Cụ thể là “đầu tư” trọng điểm và tập trung vào những địa phương có nhu cầu muốn chuyển giao một số kỹ thuật, ưu tiên một số bệnh viện nhi/sản nhi và các bệnh viện đa khoa có nhu cầu phát triển kỹ thuật. Đặc biệt, trong năm 2011, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tập trung hỗ trợ các tỉnh trọng điểm có các bệnh viện nhi, bệnh viện sản nhi có số lượng bệnh nhân nhi nhiều, mặt bệnh đa dạng. Bệnh viện chỉ “rút quân” khi cán bộ tuyến dưới thực hiện hiệu quả các kỹ thuật đã chuyển giao.

Riêng tại tỉnh Hà Nam, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương, mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật, chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể là, được sự giúp đỡ của cán bộ y tế các bệnh viện: Bạch Mai, Mắt Trung ương, Tai mũi họng Trung ương và Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã có nhiều cải tiến về lề lối làm việc. Trước tiên, bệnh viện đã sắp xếp lại tổ chức, phân công cán bộ y tế có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ các khoa, phòng; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt tới tất cả cán bộ y tế trong bệnh viện về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, nhất là Khoa Khám bệnh, bảo đảm thuận tiện nhất cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam nhấn mạnh: Bên cạnh công tác điều trị, hệ thống cấp cứu của bệnh viện đã không ngừng được củng cố và phát triển. Thời gian vừa qua, cùng với lực lượng cán bộ y tế tuyến Trung ương, bệnh viện đã cấp cứu thành công, giành lại sự sống cho hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo như sốc nhiễm khuẩn, sốc đa chấn thương, ngừng tuần hoàn, suy hô hấp, thắt vỡ giãn tĩnh mạch thực quản… Kể từ khi triển khai Đề án 1816, bệnh viện đã thu hút được lượng người bệnh đến nhiều hơn đáng kể so với các năm trước đó. Công suất sử dụng giường bệnh đã tăng từ 110% năm 2008 lên 120% năm 2010, và do thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến nên số bệnh nhân chuyển tuyến cũng đã giảm 1,68% so với năm 2009.

Nguyễn Chính (QĐND)