Rèn luyện trí nhớ cho con cháu

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:45, 10/05/2011

Nhờ có trí nhớ mà con người có thể gắn quá khứ với hiện tại và tươnglai. Trí nhớ của con người được hình thành trên cơ sở của giáo dục vàphát triển.

Trí nhớ là quá trình sắp xếp, lưu giữ thông tin, kinh nghiệm quá khứ để có thể sử dụng lại nó trong hoạt động hoặc đưa nó vào phạm trù của ý thức. Nhờ có trí nhớ mà con người có thể gắn quá khứ với hiện tại và tương lai. Trí nhớ của con người được hình thành trên cơ sở của giáo dục và phát triển.

Hoạt động học tập của con cháu bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi yếu tố có một vị trí và vai trò nhất định, nhưng ông bà, cha mẹ phải đặc biệt chú ý tới sự rèn luyện trí nhớ, vì đó là nhân tố cơ bản của hoạt động trí óc con người. Nếu thiếu nó thì không thể có bất kỳ hoạt động sáng tạo nào. V.I Lê-nin đã nói: “Chúng ta không cần kiểu học vẹt, nhưng chúng ta cần phát triển và hoàn thiện trí nhớ của mỗi người bằng các tri thức và những sự kiện chủ yếu”.

Để việc ghi nhớ tài liệu trong quá trình học tập của con cháu đạt hiệu quả tốt, ông bà, cha mẹ cần nhắc nhở con cháu làm tốt mấy việc sau đây:

Một là, chuẩn bị tâm thế trước khi bắt tay vào việc học. Tức là sự chuẩn bị thiên hướng tâm lý của các cháu trước một đối tượng cần lĩnh hội, nhằm bảo đảm tính bền vững có mục đích rõ rệt của hoạt động lĩnh hội đối với bài học.  

Hai là, tập trung tư tưởng cao trong lúc học, không phân tán tư tưởng, không suy nghĩ lan man. Hướng hành động của các cháu vào một đối tượng lĩnh hội cụ thể, mang lại sự thống nhất của những mắt xích trong cấu tạo chức năng hành động, tạo nên sự thành công trong thực hiện hoạt động đó. Tập trung tư tưởng được coi là một quá trình mà nhờ nó các cháu nhận thức được rõ ràng nội dung của đối tượng lĩnh hội và sự toàn vẹn về cơ cấu tổ chức của kinh nghiệm quá khứ.  

Ba là, có hứng thú với tài liệu học tập. Nghĩa là tạo cho các cháu có lòng khao khát đi sâu tìm hiểu nội dung tài liệu học tập nhằm nhanh chóng phát hiện ra lô-gích của nó để dựa vào đó có thể ghi nhớ được tài liệu một cách thuận lợi nhất. Dấu hiệu chính của hứng thú nhận thức tài liệu học tập là tính tích cực trí tuệ của các cháu.  

Bốn là, biết vận dụng tổng hợp các giác quan trong quá trình ghi nhớ.  
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các nhà khoa học đã cho thấy: khả năng lưu giữ thông tin của các giác quan như sau: đọc: 5%, nghe: 15%, nhìn: 20%, nghe + nhìn: 25%, thảo luận: 55%, thu nhận kinh nghiệm bằng hành động: 75%, nói lại cho người khác: 90%.
Từ những kết quả trên, ông bà, cha mẹ cần quan tâm nhắc nhở con cháu mỗi khi học bài phải biết huy động đồng thời sự hoạt động của các giác quan nhằm nâng cao hiệu quả lưu giữ thông tin trong bộ não.

Năm là, thường xuyên ôn luyện tri thức đã được lĩnh hội.
Tục ngữ có câu: “Ôn cố tri tân”. Tức là học cái mới phải đi đôi với ôn cái cũ. Đó là hai việc làm được gắn bó chặt chẽ với nhau để bảo đảm việc ghi nhớ được lâu dài."Đừng bao giờ học phần sau khi chưa nắm vững phần trước”.  Kết quả nghiên cứu của nhiều công trình cho thấy khối lượng trí nhớ và độ bền vững của nó còn phụ thuộc vào vốn kinh nghiệm sống và trạng thái tâm lý lúc ghi nhớ của mỗi cháu. Nên ôn tập những tài liệu quan trọng vào thời điểm trước khi đi ngủ và lúc buổi sớm dậy.

Trong quá trình ôn luyện tri thức, ông bà, cha mẹ nên hướng dẫn con cháu biết hệ thống hóa kiến thức theo một lô-gích nhất định để có thể nhớ được lâu dài. Người ta thường nói: "Một trí óc có nhiều tri thức mà không được hệ thống hóa, cũng giống như một tủ thuốc không sắp thành ngăn, không xếp thành ô, lúc cần không tìm ra được vị thuốc cần thiết, thậm chí còn nhầm lẫn gây ra nguy hiểm nữa”. Quả thật, trí nhớ cũng là một loại kho tàng cần định kỳ được thu dọn, sắp xếp lại. Bởi vì, trật tự theo một hệ thống, đó là yêu cầu đầu tiên của việc học tập và nghiên cứu khoa học”.

Thực tế đã chứng minh, kết quả của trí nhớ chủ yếu là do quá trình rèn luyện mà có, năng khiếu chỉ đóng góp một phần nhỏ mà thôi.

TS. PHẠM TRUNG THANH (Trường Đại học Thành Đông)