Cơ giới hóa sản xuất gạch ba banh ở Ngọc Sơn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:10, 10/05/2011
Nhờ áp dụng cơ giới hóa, đầu tư máy móc vào sản xuất, sản lượng gạch làm ra của mỗi gia đình ở Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) đã tăng lên gấp 2-3 lần so với làm theo kiểu thủ công, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm...
Sử dụng máy đóng gạch cho năng suất cao, chất lượng gạch tốt, hình thức đẹp, đều
Cách trụ sở UBND xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) không xa, dọc trên tuyến đường 391 là 7-8 bãi làm gạch ba banh. Tiếng máy bừa xỉ, máy đóng gạch hòa với tiếng người cười nói rôm rả. Mặc dù đã thuê 2 lao động với mức lương trung bình từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng chị Đỗ Thị Hệ vẫn luôn chân luôn tay. Chị cho biết: Trước đây, gia đình chị đóng gạch theo cách thủ công, hơn 1 năm nay đã chuyển sang dùng máy đóng gạch. Đầu tư chỉ hơn 2 triệu đồng nhưng năng suất cao, chất lượng gạch tốt, hình thức đều, đẹp, lại nhanh khô. Chị cũng đầu tư mở rộng diện tích bãi, ban đầu chỉ hơn 200 m2, nay lên tới hơn 500 m2. Số lượng gạch làm ra hằng năm cũng tăng dần từ 10 vạn viên, rồi 15 vạn, năm 2010 đạt 30 vạn gạch. Mỗi năm, gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ đóng gạch.
Anh Nguyễn Văn Hùng vừa hoàn thành công việc bừa xỉ cho gia đình người hàng xóm. Chiếc máy bừa được anh mua khoảng 6 năm trước, vừa là công cụ phục vụ cho việc sản xuất của gia đình, vừa là phương tiện giúp đỡ hàng xóm... Từ công việc đi bừa thuê cho các hộ sản xuất lân cận, mỗi ngày anh Hùng cũng có thêm thu nhập hơn 200 nghìn đồng. Năm 2001, thấy giá trị kinh tế cao mang lại từ nghề đóng gạch, anh đã đến học hỏi kinh nghiệm ở khu vực cảng Cống Câu (TP Hải Dương), tới nay nó đã trở thành nghề chính của gia đình. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa nên mỗi năm anh lại thuê thêm ruộng của bà con trong thôn, mở rộng diện tích lên hơn 400m2, sản xuất hơn 20 vạn gạch/năm, thu lãi bình quân từ 40 - 50 triệu đồng. Gia đình anh tạo việc làm cho 3 lao động với mức lương ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Nghề làm gạch ba banh phát triển mạnh ở Ngọc Sơn khoảng chục năm nay. Hiện tại xã có hơn 45 hộ sản xuất gạch ba banh. So với trước, số lượng này giảm khoảng 30 hộ, một phần do địa giới hành chính có sự thay đổi; bên cạnh đó với sự xuất hiện của nhiều nhà máy, cụm công nghiệp nên diện tích bãi không còn nhiều. Tuy số lượng hộ sản xuất giảm, nhưng sản lượng gạch làm ra lại tăng. Trước đây, trung bình mỗi hộ chỉ sản xuất được 3-4 vạn viên/năm, thì nay vào khoảng 15 vạn viên. Sở dĩ như vậy là vì khoảng 2 năm gần đây, phong trào cơ giới hóa, đầu tư máy móc vào sản xuất được người dân áp dụng rộng rãi. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Xã có lực lượng lao động dồi dào, nhưng do nhường đất cho các nhà máy, cụm công nghiệp nên diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh. Nghề làm gạch đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều người, nhất là những người đã ở độ tuổi trung niên, khó có thể tìm được một công việc phù hợp. Do nằm gần khu vực cảng Cống Câu, trên địa bàn xã còn có 2 cảng nhỏ (ở thôn Ngọc Lặc và Phạm Xá) nên thuận lợi cho việc tập kết nguyên vật liệu từ Quảng Ninh, Kinh Môn. Bên cạnh đó, xã còn nằm trên tỉnh lộ 391 nên khâu tiêu thụ dễ dàng hơn. Trong những năm tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề này, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người dân.
HỒNG HẠNH