Ba giải pháp tạo việc làm cho lao động ở Bình Giang

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:44, 11/05/2011

Huyện chú trọng kêu gọi các DN tăng cường đầu tư, chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi, thủy sản và phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống như làng nghề mộc, vàng, bạc...



Công ty TNHH May Tiến Huy ở thôn Phủ, xã Thái Học (Bình Giang) tạo việc làm cho
hơn 100 lao động địa phương


Nằm ở phía tây Hải Dương, huyện Bình Giang có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, tại các xã vùng xa, số lượng lao động nông thôn dôi dư lớn. Để khắc phục tình trạng trên, Bình Giang đã đề ra 3 giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động.

Đồng chí Phạm Văn Tỏ, Bí thư Huyện ủy Bình Giang cho biết: Huyện đã phân vùng nhằm khai thác triệt để tiềm năng của từng địa phương, giải quyết việc làm ổn định trước mắt và tầm nhìn tương lai. Đến nay, huyện hình thành rõ 3 khu vực: các xã vùng sâu, vùng xa gồm Thái Dương, Thái Hòa, Bình Xuyên...; khu vực các xã Thái Học, Nhân Quyền, Bình Minh, Hồng Khê… và khu vực thị trấn Kẻ Sặt. Đối với những nơi tập trung đông dân cư, có nguồn lao động lớn, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư. Huyện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện, nước để sớm đi vào hoạt động. Do đó, huyện đã có 4 cụm công nghiệp, thu hút 100 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động, trong đó khoảng 80% là lao động địa phương. Điển hình như Công ty TNHH Giày da Huy Phong thu hút hơn 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH May Đài Loan thu hút gần 2.000 lao động và Công ty TNHH May Ford Việt thu hút hơn 1.000 lao động...

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi, thủy sản. Huyện đã chuyển đổi được hơn 500 ha, thu nhập bình quân 80 - 120 triệu đồng/ha/năm. 151 trang trại có thu nhập bình quân 50 - 70 tỷ đồng/năm. Nổi bật là các mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo quy mô công nghiệp và bán công nghiệp ở xã Bình Xuyên. Ở đây có trang trại của ông Tuấn Hà, chuyên chăn nuôi gần 1.000 con lợn nái sinh sản, sản xuất hơn 10 nghìn lợn sữa thương phẩm/năm. Bên cạnh đó, nghề nuôi thủy sản phát triển khá mạnh ở các xã Hùng Thắng, Thái Dương… đem lại nguồn lợi khoảng 6 - 7 tỷ đồng/năm mỗi nơi. Đối với những xã có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo chủ động quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất theo hướng hàng hóa. Đã có hơn 60% số diện tích thâm canh đạt giá trị sản xuất, kinh doanh cao. Tiêu biểu như cánh đồng trồng cây vụ đông, dưa, bí xanh ở xã Tân Việt; lúa lai áp dụng công nghệ bón phân vi sinh, chống ô nhiễm môi trường bằng cách ủ mục rơm rạ, cải tạo chất đất, hạn chế sâu bệnh ở Nhân Quyền... Đây cũng là điều kiện cơ bản để giải quyết việc làm ổn định tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động nông thôn ở Bình Giang. 

Một giải pháp nữa là phát triển các nghề thủ công truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiêu biểu như làng nghề mộc ở Bình Xuyên, Hưng Thịnh, lược Vạc ở Thái Học, thợ nề ở Vĩnh Hồng, vàng, bạc ở xã Thúc Kháng, cơ khí ở Sặt, Tráng Liệt... Đồng chí Nguyễn Huy Thư, Bí thư Đảng ủy xã Thúc Kháng cho biết: “Huyện, xã tạo thuận lợi cho các cơ sở làng nghề về mặt bằng, vay vốn. Làng nghề gia công vàng, bạc xã Thúc Kháng mỗi năm tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, với thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng; không ít lao động có tay nghề cao, thợ cả, thợ giỏi, thu nhập 5 triệu đồng/tháng trở lên”…

Với cách làm đó, mỗi năm huyện giải quyết việc làm mới và tạo việc làm ổn định cho 1.500 - 2.000 lao động nông thôn. Số lao động qua đào tạo ước đạt 35%, tăng 15 - 20% so với  năm 2005. Cơ cấu lao động nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2010 là 34,8% - 35,5% - 29,7%, trong đó lao động nông nghiệp giảm 15%, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng 15% so với 5 năm trước. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, năm 2010 thu nhập đầu người đạt hơn 7 triệu đồng/người/năm...

MAI NGA