Đồng đội của tôi

Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:53, 22/05/2011


Minh họa: Văn Hà


Tôi quyết định nghỉ làm việc một tháng để vào miền Nam thăm người bạn "một thời khói lửa". Hai chúng tôi từng chia nhau hơi thuốc lá, từng ngọn rau rừng. Kể từ ngày rời quân ngũ đến nay đã ngót ba chục năm. Mải mê tảo tần, bon chen kiếm sống nên quên bẵng. Chuyến đi này của tôi nhằm giải toả nỗi bức xúc đè nén, ngổn ngang trong lòng bấy lâu nay. Chuyến đi thăm bạn chỉ là ngụy biện. Cuộc đời thật chẳng giản đơn như tôi nghĩ. Tôi cứ tưởng làm cái thằng đàn ông cứng rắn, mạnh mẽ, quyết đoán và kiếm ra thật nhiều tiền (tất nhiên là những đồng tiền chính đáng) thì thừa sức vun đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có lẽ vì thế nên sau khi giải ngũ, tôi lấy ngay một cô giáo làng, hiền lành thục nữ, bảo sao nghe vậy. Tôi nói: "Nghề sư phạm em học chỉ nên ở nhà giáo dục, dạy dỗ con là tốt nhất. Mọi chuyện khác anh sẽ lo tất. Em đừng bận tâm". Trong nhà tôi có đủ thứ mà các gia đình khác phải mơ ước. Từ màn hình rộng, đầu máy karaoke, máy vi tính nối mạng vv... Vợ tôi chả phải vất vả nhọc nhằn gì chỉ cần ấn nút điện một cái "muốn là được". Tuy nhà ở nông thôn nhưng khối gia đình trên phố còn kém xa. Ấy thế mà trong khi tôi mải mê đi "hái tiền” ở những công trình tầm cỡ xa xôi thì người vợ hiền thục của tôi bắt đầu "nổi loạn". Nàng gào lên: “Em là con người với đầy đủ yêu cầu của một con người. Em không phải là cái máy. Hay là ô sin của riêng anh". Tôi bảo: "Em còn đòi hỏi gì hơn. Này nhé, chồng chung thủy, con ngoan, kinh tế vững mạnh. Vậy em muốn gì?". Nàng cự lại: "Anh không thể nói như thế được. Tiền chưa phải là tất cả. Em muốn gì ư? Muốn làm việc như mọi người. Anh có hiểu không?". Bảo ban mãi không được, tôi viết đơn ly dị. Cũng chỉ doạ chút đỉnh cho nàng sợ, cho vào "khuôn phép” thôi. Đứng trước sự việc trọng đại như thế hẳn nàng sẽ ngừng cơn cuồng nộ để cân nhắc, suy tính. Tôi tin chắc vậy và tôi đã lầm. Một lầm lẫn tai hại. Vẻ mặt nàng lạnh tanh, khô khốc. Ôi khuôn mặt xinh tươi, có lúm đồng tiền ở má trái biến đâu mất rồi? Nàng giật phắt tờ đơn trên tay tôi đặt xuống bàn, thản nhiên ký xoẹt một cái. Xong. Nàng hất trả tôi. Lá đơn bị gió kéo bay xuống nền nhà. Không ai cúi nhặt. Tôi choáng váng. Trong cơn bĩ cực, tôi nghỉ làm để đi tìm thằng bạn ngày xưa. Biết đâu nó có thể tham gia cho tôi cách gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Tên người bạn của tôi là Dũng. Dũng mà hắn chẳng "dũng" chút nào. Hắn sợ đủ mọi thứ trên đời. Trừ khi cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Nào hắn sợ bóng tối, sợ cô đơn và cả sợ... ma nữa. Hai thằng quen nhau từ năm 1973 tại mặt trận B2. Chúng tôi thân nhau tới mức đồng đội gọi đùa là vợ chồng. Quê Dũng ở Tây Ninh. Còn tôi ở miền Bắc. Dân "bát méo" chính hiệu. Hai thằng hẹn hò khi nào thống nhất, nếu còn sống sẽ về thăm quê của nhau. Tính cách khác nhau mà thân nhau. Thế mới lạ. Tôi cứng rắn, mạnh mẽ bao nhiêu thì Dũng yếu mềm, ủy mị bấy nhiêu. Ví dụ như có lần hai đứa được cử đi lấy gạo cho đơn vị gần bốn chục miệng ăn. Đến kho quân lương thì được trưởng kho báo là gạo chưa về kịp, phải nằm chờ sáng mai. Thế là Dũng ngồi khóc hu hu như đứa trẻ. Tôi hỏi: "Tại sao mày khóc?". Dũng vừa nức nở vừa nói: "Bữa tối nay anh em đơn vị lại bị đói. Ngày mai lấy sức đâu mà chiến đấu". Trời ơi! Thằng này làm như không có nó thì đơn vị đói nhăn răng. Tôi tin đại đội trưởng của tôi đủ tháo vát để lo liệu "chuyện nhỏ" này. Tôi yên tâm tìm chỗ ngủ qua đêm. Vừa chợp mắt tôi bị dựng dậy với câu nói của Dũng: "Xin được gạo rồi. Về ngay". Thì ra trong lúc tôi ngủ, Dũng chạy sang đơn vị nữ thanh niên xung phong cách đó chừng năm cây số xin gạo. Nhìn dáng vẻ sướt mướt, lo lắng của Dũng, chị chỉ huy vừa buồn cười, vừa thương bèn cho hai bao gạo và cử người mang về hộ.

Ngày chiến tranh kết thúc, hai đứa bùi ngùi chia tay nhau trở về quê hương. Đêm chia tay, tôi bảo Dũng: "Tôi về sẽ tiếp tục học ngành xây dựng. Còn ông hợp với nghề gõ đầu trẻ hơn nghề luật sư". Dũng mở to mắt ngạc nhiên: "Tại sao tôi phải từ bỏ ước mơ chính đáng của mình?". Tôi thân tình: "Ông có nghe câu ca: Xưa nay đĩ khóc, tù van/ Con buôn kêu lỗ. Thế gian sự thường. Tính ông tôi biết. Bọn can phạm mà kể lể khóc than về cảnh ngộ khổ sở của nó, không chừng ông lại chảy nước mắt, mềm lòng, tha luôn cho chúng nó thì thật mang tội". Ấy là tôi nhắc khéo chuyện cũ hai năm trước. Trong một trận phục kích, Dũng bắt được một tên lính ngụy. Chẳng rõ tên lính kia cấp bậc gì, chức vụ gì. Nó khóc lóc van xin, nó viện dẫn còn mẹ già, vợ dại, con thơ để mong được Dũng tha cho về. Nó cũng không quên thề thốt, hứa hẹn sẽ không bao giờ theo lũ phản dân hại nước giết hại đồng bào nữa. Thế là chàng Dũng của tôi cũng rơi nước mắt rồi tha luôn cho tên lính. Thật may tên ấy chỉ là lính quèn. Chứ nếu nó là chỉ huy hẳn sẽ rầy rà to cho Dũng. Sau lần ấy Dũng bị kiểm điểm là còn mang nặng tư tưởng tiểu tư sản. Anh bị kỷ luật một năm không được đi chiến đấu, phải ở nhà coi kho, nấu cơm. Vì vậy, Dũng không còn có cơ hội lập công như bao người khác. Nghe tôi nhắc lại chuyện cũ, Dũng im lặng rất lâu, suy nghĩ đắn đo điều gì. Chừng như quyết định dứt khoát, anh nói: "Cô Ngọc cũng bắt tôi học nghề ấy". Tôi ngạc nhiên hỏi lại: "Cái Ngọc trên trung đoàn bộ phải không?  Nó là vợ hay người yêu của ông mà dám bắt ông theo ý nó". Dũng lại yên lặng. Đôi mắt anh ngấn nước. Cáu quá tôi quát: "Có gì với nhau chưa?". Dũng gật đầu. Trời đất ơi! Cô Ngọc trên trung đoàn bộ tôi còn lạ gì. Khuôn mặt Ngọc tuy có đẹp thật, nước da tuy có trắng thật. Nhưng cũng chỉ thế thôi. Những cái khác hình như các bà mụ "nặn nhầm". Ấy thế tính nết còn đáo để, chua chát, không ai dám bắt chuyện tâm tình. Ngọc làm sao so với Dũng của tôi. Dũng quệt ngang nước mắt: "Mình thật có lỗi. Mình đã làm cô ấy có thai”. Nếu là thời chiến chắc chắn Dũng - Ngọc sẽ bị kỷ luật. Thật may, Bí thư chi bộ "thông cảm" tuổi trẻ "ăn cơm trước kẻng" vội vã đứng ra tổ chức thành hôn cho hai đứa.

Năm tháng trôi đi thoáng chốc. Cuộc đời trai trẻ của chúng tôi đã bắt đầu sang bên kia đỉnh dốc. Tuy chúng tôi có nghe tin tức về nhau, nhưng hai đứa chưa hề gặp nhau trong suốt khoảng thời gian xa cách.

Tôi thong thả gõ cửa căn nhà bình dị nằm quay mặt ra con đường làng rải nhựa rộng rãi. Nông thôn mà chẳng khác gì thành phố. Cũng hàng quán, biển quảng cáo treo tíu tít, xanh đỏ rối rắm. Một chàng trai chừng gần ba mươi tuổi có khuôn mặt giống Ngọc ngày xưa đón tôi vào nhà. Khi biết tôi là bạn chiến đấu của bố mẹ cậu thì cậu kêu lên sung sướng: "Bác Hoàng ơi! Bố mẹ cháu luôn nhắc đến bác, khiến anh em cháu nhiều lúc phải phát ghen. Bố cháu còn kể hồi ấy vì sợ ma nên luôn phải ngủ cạnh bác". Tôi cười xòa và ngắm nhìn chàng trai, kết tinh tình yêu của hai người bạn tôi. Tất cả những gì đẹp nhất của cặp vợ chồng Dũng - Ngọc đều tập trung dồn cho đứa con. Tôi hỏi: "Bây giờ bố cháu làm gì? Mẹ làm gì? Bố còn sợ ma nữa không?". Chàng trai hớn hở kể: "Bố cháu vẫn đi dạy học. Mẹ cháu lái máy lu đường". Tôi bật cười lớn rất tự nhiên: "Mẹ cháu mà lái máy lu đường thì quá yên tâm". Chàng trai hiểu ý: "Sao bác nói giống bố cháu thế. Đúng là bạn thân". Chàng trai dừng lại lấy hơi, nói tiếp bằng cái giọng hóm hỉnh: "Bác biết không, mẹ cháu chiều chuộng bố cháu lắm nhé. Tan tầm làm việc, mẹ cháu còn phi xe máy đi đón "ông giáo làng". Đơn giản là ông giáo không biết cưỡi ngựa sắt. Một hôm mẹ cháu đèo ông giáo lên phố dự đám cưới con người bạn. Vì không biết đường, biết lối nên mẹ cháu dừng xe sát vỉa hè để đi hỏi. Ông giáo đứng lớ xớ trông xe bị chú công an ập đến yêu cầu dắt hẳn xe lên hè. Nhưng ông giáo không có chìa khoá, lại xấu hổ không dám trình bày rõ sự thật. Chú công an cho rằng ông giáo ngang bướng, chống đối người thi hành công vụ, bèn bắt ông mang xe về đồn công an. Ông giáo lúng túng đẩy chiếc xe bị khoá cổ đi làm xe đổ kềnh. "Ông giáo làng" cũng lăn chiêng ra theo. Thế là ông giáo ôm mặt khóc hu hu ngay trước mặt mọi người. May sao mẹ cháu về kịp. Xin lỗi viên cảnh sát nên mọi việc êm xuôi". Tôi cười chảy cả nước mắt: "Bố cháu không hề thay đổi tính cách". Chàng trai hồ hởi: "Riêng chuyện dạy học thì đừng có tơ lơ mơ. Ai cũng bảo nếu tất cả các thầy cô giáo được như thầy Dũng thì khỏi phải lo học sinh ngồi nhầm lớp. Bố cháu bảo nhiệt tình, tận tâm cộng với sự yêu thương thì trò nào cũng phải giỏi".

Chàng trai vừa kể tới đó thì vợ chồng Dũng về. Tôi chưa kịp ra đón, Dũng đã ào vào như cơn lốc, ôm chầm lấy tôi. Tôi đẩy nhẹ Dũng hơi xa một chút để ngắm nghía "ông giáo làng". Dũng thay đổi khá nhiều, trắng trẻo, tươm tất áo quần, cà vạt, giày đen. Lịch sự và nhã nhặn. Còn Ngọc, trước kia đã to béo nay càng lực lưỡng hơn. Thú thật, trông họ chẳng ai dám bảo đây là cặp vợ chồng. Nó cứ cập cạch làm sao ấy.

Sau một hồi hỏi han nhau tíu tít, Ngọc xin phép đi chợ. Trong nhà chỉ còn tôi và Dũng. Thế là hai thằng "xả láng" ôn lại những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Khi nói về Ngọc, Dũng ca ngợi hết lời: "Tôi mà không có cô ấy cáng đáng thì cuộc đời chẳng biết trôi về đâu. Đúng là "nội tướng" mạnh gia đình sẽ mạnh". Tôi tủm tỉm cười, nói đùa: "Ông trẻ trung, đẹp trai, có trình độ như thế này, nàng chiều chuộng ông là phải". Chẳng ngờ Dũng đỏ mặt, lúng túng. Anh nhìn trước, nhìn sau xem con trai, con gái có đấy không. Khi biết chắc, chúng đã "bỏ mặc" cho hai ông già tâm sự tự do, Dũng mới thì thầm: "Ông chớ tưởng bở nhé. Ngọc kiên quyết lắm. Chớ có dại dột mà chàng màng vớ vẩn. Anh có thể vụng dại trong công việc gia đình nhưng anh không được để mất sự tôn trọng lẫn nhau. Tình chồng, nghĩa vợ như cây hoa mỏng manh, phải thường xuyên chăm bẵm vun xới hằng ngày. Tôi nói vậy, nghĩ vậy phải không Hoàng?".

Chuyện Dũng kể hình như còn dang dở thì Ngọc về. Tay cô xách làn thức ăn nấu chín, thơm lừng. Cô phăm phăm vào bếp gọi con gái giúp mẹ kẻo bố và bác đói rồi. Tôi nhìn toàn cảnh gia đình Dũng mà thấy thèm thuồng, tủi cho phận mình. Chuyện riêng của gia đình tôi định đem ra tâm sự đành gác lại. Suy cho cùng hạnh phúc hay bất hạnh chẳng phải tìm đâu xa. Nó ở ngay nơi mình. Phải tất cả đều do mình. Người đàn ông, người chồng trong gia đình tạo ra là chủ yếu. Nào đâu cứ phải chức trọng quyền cao, lắm bạc nhiều tiền mới hạnh phúc.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN