Dịch tai xanh lại bùng phát
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:33, 24/05/2011
Cán bộ thú y xã Cẩm Hưng điều trị bệnh tai xanh cho đàn lợn của gia đình ông Kim Ngọc Phi
Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Lũng Thích, xã Thạch Lỗi khi chuồng trại trống không. Từ con đường nhỏ rẽ vào nhà đến khu vực chuồng trại, vôi bột được rắc trắng xóa. Anh Dũng cho biết, đàn lợn choai khoảng 37kg/con của gia đình bị tiêu hủy do mắc dịch tai xanh. Công ty Kinh doanh thức ăn chăn nuôi Greenfeed đã cung cấp cho trang trại của anh 70 con lợn "xách tai" không có giấy kiểm dịch. Anh nuôi số lợn này được 2 tháng. Ngày 13-5, một vài con lợn trong đàn có dấu hiệu ốm, sốt, bỏ ăn. Anh báo ngay cho cơ quan chức năng. Mặc dù được hướng dẫn các biện pháp điều trị, nhưng lợn ốm không khỏi, đã lan rộng ra cả đàn. Đến ngày 17-5, Chi cục Thú y lấy 3 mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng II- Hải Phòng xét nghiệm. Kết quả cả 3 mẫu dương tính với bệnh tai xanh. Ngay trong ngày hôm đó, toàn bộ số lợn trên bị tiêu hủy.
Được biết, dịch tai xanh năm 2010, gia đình anh Dũng đã có lợn bị chết. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đang là mùa dịch, người chăn nuôi không nên nhập lợn mới, nếu nhập phải biết rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch, lợn nhập về phải được cách ly để theo dõi. Bên cạnh đó, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hệ thống chuồng trại của gia đình anh Dũng rất mất vệ sinh, không ngăn nắp. Anh không thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Gia đình anh Kim Ngọc Phi ở thôn Đức Tinh, xã Cẩm Hưng nuôi 93 con lợn, trọng lượng trung bình 40 kg/con. Số lợn này anh nhập từ 1 trang trại ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) cách đây 45 ngày. Rút kinh nghiệm năm 2010, đàn lợn của gia đình anh không tiêm phòng nên khi mắc dịch phải tiêu hủy, gia đình anh không được nhận tiền hỗ trợ, trong lần nuôi này, anh Phi đã tiêm đầy đủ vắc-xin theo quy định của cơ quan thú y. Trong quá trình chăn nuôi, anh vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không cho người lạ vào thăm chuồng. Tuy nhiên, những biện pháp trên không khống chế được bệnh. Từ ngày 12-5, lợn có dấu hiệu ốm, sốt, bỏ ăn. Ngày 15-5, anh báo cơ quan thú y. Anh Phi cho biết, lợn bị ốm nên sút cân rất nhanh, trên mình có nhiều vết đỏ, chỉ nằm 1 chỗ. Anh đã điều trị. Tuy nhiên, số lợn ốm vẫn tăng lên, đến nay đã lan ra cả đàn, 25 con lợn đã bị tiêu hủy.
Bà Vũ Thị Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng cho biết: Trong đợt dịch năm 2010, huyện Cẩm Giàng bị thiệt hại nặng nề. Để đối phó với mùa dịch năm nay, huyện đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống. Hầu hết lợn ốm, chết đợt này đều ở những ổ dịch của năm 2010. Trong chăn nuôi, người dân chưa bảo đảm các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại, môi trường. Các chủ hộ còn nhập con giống tràn lan, chưa qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, không biết rõ về nguồn gốc con giống. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc- xin (dịch tả, tụ dấu) đạt thấp. Trong đợt tiêm phòng vừa qua, Cẩm Giàng chỉ có 60% số lợn được tiêm phòng, là huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất tỉnh. Khi lợn bị ốm, người dân không cách ly ngay để ảnh hưởng đến cả đàn, làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Theo Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng, đến chiều qua trên địa bàn huyện có 6 xã có dịch, 188 con lợn ốm, 87 con bị chết và tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Dịch tai xanh là do vi-rút gây ra, do vậy tốc độ lây lan rất nhanh. Lợn không bị chết do bệnh tai xanh mà chết do các bệnh kế phát. Tuy vậy, vẫn có thể phòng dịch và chữa trị được cho những con lợn bị ốm. Trước hết, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức tự phòng dịch là chính. Chú trọng đến việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để góp phần nâng cao hiệu quả phòng dịch. Những con bị bệnh nhẹ cần được cách ly triệt để, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, trợ sức, trợ lực để tăng sức đề kháng. Những nơi bị bệnh cần thường xuyên tẩy uế, vệ sinh chuồng trại, môi trường để tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống rõ nguồn gốc và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân thấy rõ tác hại của dịch bệnh đến phát triển chăn nuôi, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch để người dân tự giác thực hiện, phát hiện và khai báo kịp thời nhằm phòng, chống dịch hiệu quả. Tại những nơi chưa có dịch, người chăn nuôi không nhập lợn không rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định, vệ sinh chuồng trại, môi trường sạch sẽ. Nếu phát hiện có lợn ốm, cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương, không được giấu dịch, bán chạy lợn ốm.
PV
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tai xanh tại Cẩm Giàng Chiều qua 23-5, các đồng chí Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y; Đoàn Thành Lũy, phụ trách Cơ quan Thú y vùng II- Hải Phòng đã kiểm tra tình hình dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn tại xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng). Xã Cẩm Vũ hiện có 2.600 con lợn, trong đó có 300 con lợn nái. Đến nay, đã có 62 con của 7 hộ chăn nuôi tại thôn Phú Lộc bị ốm, chưa có lợn tiêu hủy. Từ ngày 20-5, xã đã thành lập chốt kiểm dịch tại thôn Phú Lộc. Tuy nhiên, tình hình phòng, chống dịch tại xã Cẩm Vũ chưa được chú trọng. Xã thành lập chốt kiểm dịch nhưng chưa kiểm tra, kiểm soát hết được số lượng xe ô- tô ra vào địa bàn thôn, vẫn để người dân giết mổ, buôn bán thịt lợn. Cẩm Vũ chưa phân loại được tình hình dịch bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp, cán bộ xã chưa nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, cán bộ thú y làm công tác điều trị chưa thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn thấp (30%). Đoàn kiểm tra yêu cầu xã Cẩm Vũ cần chấn chỉnh ngay công tác phòng, chống dịch, không để người dân giết mổ, buôn bán lợn ra, vào vùng dịch. Những hộ chưa tiêm phòng cần phải tiêm ngay, tập trung cho lợn nái. Cán bộ làm công tác thú y phải nhận định được tình hình dịch bệnh để có biện pháp chữa trị thích hợp, tập trung vào công tác khử trùng, tiêu độc, đặc biệt tại những hộ đã xuất hiện dịch. Những con lợn bị ốm phải tiêu hủy ngay đề phòng dịch lây lan trên diện rộng. |