Bất cập mua bán nhà không công chứng
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 18:35, 24/05/2011
Hoạt động công chứng tạo yên tâm lớn cho người dân khi thực hiện các giao dịch nhà đất - Ảnh: D.Đ.Minh
Bộ Xây dựng vừa có đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 93 theo hướng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với 7 loại hợp đồng (HĐ) gồm: mua bán nhà ở, đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thế chấp nhà ở, thuê mua nhà ở, thuê nhà ở của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản, thuê nhà ở của cá nhân và hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới 6 tháng.
Theo anh Nguyễn Hải Đăng - nhà đầu tư bất động sản, việc xóa bỏ công chứng trong trường hợp mua bán bất động sản không khả quan, tạo kẽ hở cho hợp đồng mua bán bất động sản "chui". Nếu so sánh với một số nước trên thế giới, việc mua bán nhà đất điều bắt buộc phải qua công chứng của một văn phòng Luật sư. Tại đây Luật sư sẽ nhận được tất cả thông tin như thế chấp ngân hàng, tên người đứng chủ quyền ... Tất cả thông tin cũ và mới nhất về nhà đất muốn sang nhượng sẽ được gởi đến văn phòng Luật sư.
Trong khi tại Việt Nam phòng công chứng chỉ chứng hợp đồng sang nhượng, rồi người mua tự đi đăng ký sang tên. Văn phòng công chứng chỉ làm hợp đồng dựa theo giấy tờ mà người bán cung cấp và lập hợp đồng sang nhượng không cần xác minh...Nếu bây giờ bỏ qua cả việc này thì sẽ có nhiều bất cập nảy sinh.
Xung quanh vấn đề này, giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, các văn phòng công chứng là cơ quan giúp người dân thực hiện đúng tất cả những quy định pháp lý đối với những hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn, trong đó có bất động sản, hẹp hơn nữa là nhà ở. Công chứng hợp đồng về nhà ở có cái lợi lớn nhất là hạn chế rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, cái bất lợi là thêm thủ tục.
Bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, đề xuất của Bộ xây dựng là không phù hợp bởi các hợp đồng, giao dịch về QSDĐ là các hợp đồng, giao dịch diễn ra thường xuyên hằng ngày, với giá trị lớn, có nguy cơ xảy ra tranh chấp. Bỏ công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch này dẫn đến rủi ro rất cao cho các bên tham gia, trật tự kinh tế và an toàn xã hội cũng không được bảo đảm vì không ai đứng ra “chứng” là hợp đồng, giao dịch đó bảo đảm tính xác thực và hợp pháp, khi có tranh chấp xảy ra, người dân không có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đồng quan điểm, ông Chu Văn Khanh - Trưởng văn phòng công chứng A1 (Hà Nội), giao dịch nhà đất là loại giao dịch tài sản lớn, nếu không có sự phòng hờ, khi xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cá nhân hoặc tổ chức tham gia thực hiện giao dịch.
Ông Khanh cũng cho rằng hiện dịch vụ công chứng đã phát triển, việc thực hiện công chứng khá thuận lợi và nhanh chóng, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ có thể giải quyết xong ngay, thậm chí chỉ trong vòng 1 ngày. Khâu công chứng vì vậy cũng không phải là thủ phạm chính gây ra sự chậm trễ trong quá trình cấp sổ đỏ cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Khanh lưu ý một khó khăn nữa để thay đổi quy định liên quan đến công chứng HĐ mua bán nhà là cùng lúc sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều luật như: Luật Công chứng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Bộ luật Dân sự.
MINH TUẤN(VnMe)