Đất xót

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:54, 25/05/2011



Chị gọi tôi vào khoe đôi guốc mới mua. Tôi lắc đầu: Em học ca hai bây giờ, phải tranh thủ pha gói mì ăn tạm cho đỡ đói đã. Bưng thùng giấy ra hè vứt, tôi ngán ngẩm, đi sâu vào buồng. Không một ai! Ngoài bốn chiếc bát rếch đặt ngổn ngang cùng bao mì và đũa ăn phơi bày trên bàn. Tôi hiểu điều gì đang xảy ra…

Tôi mua cho mẹ một tô phở mang ra nơi làm. Mẹ bước sải tới, ngả nón ụp lên đầu tôi. Đúng ngọ. Trời oi bức. Chiếc áo xanh công trường đã bợt màu sắp tã làm cho mẹ giống mấy bà đồng nát bới rác ngoài bãi. Mẹ dắt tay tôi đi về chốn rợp có hàng bằng lăng phần phật lá. Tôi bật cười nhớ lại chuyện ấu thơ. Mỗi lần dắt tôi ra chợ, tôi lại sợ sệt bấm chặt gan bàn tay mẹ: "Mẹ đừng bán con nhé ! Lớn lên con có tài. Con sẽ kiếm cơm nuôi cả nhà"... "Sao mà ngốc thế hả con? Ngốc thế này bao giờ mới tài mà đòi kiếm cơm nuôi cả nhà?". Tôi trông mặt mẹ loáng bóng nhưng không đưa tay lau. Đó là ngày còn thơ bé, còn bây giờ, tôi đã đủ tuổi công dân rồi. Hiểu mẹ cực khổ cũng nhiều nhưng chẳng giúp nổi điều gì. Mẹ tôi hiếm khóc. Nước mắt toàn nhịn trong lòng chỉ nhỡ may khuya xuống, rảnh lắm mới tan vụn. Kéo chiếc khăn bông phủ nắng trên đầu mẹ xuống, tôi thấm thấm những giọt mồ hôi. Mẹ nói tôi về đi học ngay, hãy kệ mẹ ngồi lại một mình. Tôi là con cá ươn cứ ngồi lì bên cạnh mẹ, phe phẩy quạt nhát được nhát không, thế thôi. Thỉnh thoảng được mẹ quay sang đánh một nụ cười hiền từ cũng thấy vui vui…

Anh cả lại mắng mẹ suốt ngày ngồi đếm vài ba đồng sèng hoen rỉ. Rồi lẩm bẩm mãi một câu: Nhà mình giàu, ăn chơi cả đời chẳng hết, việc gì mẹ phải phơi mặt giữa trời cho khổ. Tôi hạ bút viết, ngước lên nhìn anh trân trân. Sao tôi ghét cái mặt của anh lúc này thế? Tôi trông mẹ cầm “bị” tiền lùi lũi đi vào buồng, cũng theo chân.

- Đi đâu? Mày vào lấy cho anh “vay” một gói mì nữa đi. Anh đang say, bì hết mặt mũi đây này. 

Tôi nện dép bèn bẹt xuống nền. Chưa kịp bê thùng mì rỗng đặt trước mặt anh, tôi đã nghe thấy tiếng ngã uỵch...
- Chuyện gì thế?

Chẳng đợi tôi trả lời, mẹ chạy tấp tới, giằng giật anh như hổ cái bảo vệ con.
- Bà già, cứ suốt ngày đếm tiền nên anh ghét. Anh có thèm mua quà cho đâu. Mặc, anh ghét rồi. Anh ghét rồi. Kìa kìa, mày hãy ra đá vào cái bị sèng cũ rích vài nhát cho anh...
Tôi tiến lại đá vào mông anh mấy phát cho im. Mẹ can: "Cứ để nó hót cho vui cửa vui nhà".

Mẹ nhắc chị đi gọi bố về ăn cơm. Chị lẩn ra ngoài tập tành nhắn tin với bạn giai, buông thõng một câu: "Bố chẳng ăn nhà đâu ạ, giờ thiếu gì tiền...".
- Ơ, con mới chả cái... Vậy là có tiền rồi bố con mày thích ra ngoài làm gì thì làm, không muốn về nhà nữa ư?

- Thì đúng vậy còn gì! Con nghe đâu hình như bữa nay bà Dinh béo lại đãi. Bà í vẫn dùng kế này để giữ chân con bạc mà.

 Mẹ tôi nghe xong, hai mắt đẫn đờ nhìn mâm cơm chỉ toàn canh và đậu mộc mắm tôm. Khều khều miếng ruột bầu bị lẫn trong nồi canh và nếm thử xem đã vừa gia vị chưa, mẹ không phản ứng gì. Có hay không phản ứng làm sao tôi hiểu được! Tôi tháo dây quai nón ra chỉnh lại cho vừa với cằm. Mẹ chắc mải nghĩ nên quên không dặn dò tôi như mọi khi: "Bảo bố về có ông ngoại sang chơi nhé!". Tôi nhấc cao cẳng mới qua được quãng đường phơi rơm rạ chất đầy ngoài đường. Dúi cho con bé bán cà muối nhà bà Dinh béo hai đồng xu năm ngàn sáng loáng. Nó gật đầu nhìn trước ngó sau rồi nói lảng: Cây ớt chỉ thiên ở gần bể ăn đấy, còn mỗi quả anh trẩy nốt mang về mà ăn... không có nó là mất ngon. Bà Dinh béo xắn quần cao đến bẹn, tay đong đưa chiếc quạt nan mua hôm đi chùa Hương cầu tài lộc. Thấy tôi từ đằng xa bà cười mỉm đứng lên núc ních nhích qua cửa phụ vào nhà. Trong nhà lúc này có sáu người thì đến bốn là nhà tôi. Bố và hai anh đang chau mày tính đường đi nước bước thế bài. Toàn người trong một nhà cả thắng thua có nghĩa lý gì đâu. Thôi thôi, bố và hai anh hãy về nhà ăn cơm cho mẹ khỏi mong đợi. Trông mụ Dinh béo nháy mắt con nhỏ giúp việc đang lau kệ tủ tôi đã sinh nghi. Thế rồi, lát sau thấy nó mang ra bốn tô phở ngon. Bố húp xụp một hơi khà khà khen ngon, ngon hơn phở bà nó nhà tôi làm. Tôi nhận từ tay đứa giúp việc bát thứ hai chuyển cho anh cả. Anh cả không để tâm. Anh hai đập tét bộ tú xuống chiếu: Nào, tất cả hãy nôn tiền ra đây, cả bố nữa, con thắng rồi. Bố nhả miếng phở ra khỏi răng, gân cổ: Mày cho bố chịu, tối về bố mở két lấy trả mày luôn... Không được. Bố còn tiền thì chơi tiếp, không thì phải đứng lên cho thằng khác nó vào. Tất cả dường như không ai thèm biết tôi đang đứng phía sau. Tôi rỉ vào tai bố những gì cần nói. Bố gạt ra bảo, mẹ con ở nhà ăn trước đi, biết đằng nào mà chờ với đợi. Bố đang thua đây này, không gỡ được không về. Bà Dinh béo cứ tít mắt cười, vênh lắm. Đôi mắt tin hin của bà khiến tôi muốn trốn chạy vụt khỏi đây.

 Tôi thường đạp xe về phía con đường có nhiều công trình đang cắm đất, chỉ là thói quen. Vì ngày xưa, nhà tôi sáu người ở đó, đất đai vài sào bỏ hoang không canh tác hết. Chỗ kia kìa, bố mẹ và anh cả, đêm đêm từng đào vác những khối đất để khuân lên đóng gạch, đóng ngói xây nhà. Mười hai vạn một lò. Mỗi năm hai lò. Bốn năm... Trời ơi! Những đôi bàn tay ấy của một thời... Tôi đẩy đổ chiếc xe cào cào cọc cạch, băng rào. Đôi chân cứ dài ra, bước mãi. Tôi hiểu, quá lâu rồi không trở lại. Chim muông dường như lạ người ngưng hát, đề phòng. E dè mở vung vại, tôi lấy ra khẩu súng cao su đã khắc tên lên chạc. Chữ tôi ngày bé đẹp hơn bây giờ. Mà không, chỉ cần tôi cẩn thận thì bao giờ viết cũng vẫn đẹp...

Chị tôi bảo, không thích đi xe số nữa. Anh hai gật đầu, ra vẻ đồng tình lắm, nói như ra lệnh: Chiều mẹ đưa con mấy chục để mua cho em nó con ga.  Nhà mình giàu, ai lại đi xe cà tàng ấy bao giờ.

Mẹ không nói để nuốt hết miếng cơm đang nghẹn ứ trong miệng. Dạo trước, nhà đói kém, mẹ bắc cơm gạo mộc tuyền lên nhìn các con lộn xộn đưa bát cạch đũa mà phải rút vội cái khăn ra chấm mắt. Bây giờ, tình cảnh đổi thay, nhưng cơ bản lòng mẹ thì vẫn thế.
- Đấy, mẹ đồng ý rồi nhé. Mua cho em nó con xe ga rồi chẳng mấy mà nó lấy được chồng.
- Người ta báu lắm đấy, nghề ngỗng không có, chỉ giỏi đua đòi.

- Mẹ à, chuyện của Phương con định chạy việc cho cô ấy xong rồi hai đứa tiến hành cưới. Mẹ xem rồi  giúp chúng con ít tiền nhé.

- Ốc không mang nổi mình ốc, lại còn mang cọc cho rêu! Con là trai không có nổi một công việc, suốt ngày lông bông cờ bạc thì làm chồng làm cha thế nào?
- Bằng cấp hai ai người ta nhận, với lại nhà mình đang giàu cần gì phải làm cho mệt xác.
- Anh bảo không làm được hả, miệng ăn núi lở, anh quên à? - Tôi buột miệng.

- Cái thằng... mày thì biết gì...

***

Mẹ vẫn giấu tôi đi chặt từng khóm trinh nữ và vòi voi về phơi khô xong, sao ra uống. Một bận tôi bắt gặp, hỏi có phải mẹ bị đau lưng nhức xương hay thoái hoá cột sống?
Mẹ cười:

- Đau mà lại khom lưng làm được? Mẹ sao cho cụ Hạ trông coi nhà chùa thôi.
- Nhưng con cũng thấy mẹ uống còn gì.
- Vài ba loại cỏ dại, mẹ nhặt nhạnh ngoài bãi, ai uống chẳng được, cứ đâu phải người bệnh. Con muốn thử không? Chẳng đắng đâu, thơm lắm...
- Mẹ đừng giấu con điều gì mẹ nhé.

Chiếc cặp sách trên tay tuột xuống. Tôi quỳ thụp vào lòng mẹ khóc. Mẹ cũng khóc, vừa khóc vừa mếu máo cười. Tôi nhắc:
- Mẹ đừng chiều bố và các anh chị con quá mẹ ạ. Rồi chỉ tội thân mẹ...  
- Mẹ đâu có chiều. Tại nhà mình xưa kia cực lắm, con không thể hình dung nổi đâu; cơm nhiều bữa còn chẳng đủ ăn toàn độn khoai sắn với củ đầu, củ từ... Mãi đến bây giờ, nhờ có doanh nghiệp người ta thu mua đất lập công ty mới khấm khá thì ai cũng muốn được đổi đời cho sướng... Khốn nỗi, các anh chị con ít học nên dễ bị thiên hạ người ta mồi chài…
Bố xách cân thịt chó về đến cổng, gọi oang oang:

- Vợ ơi, các con của bố ơi, hôm nay bố mua thịt chó cho cả nhà ta thưởng thức này.
Mẹ giật bắn mình. Tôi cũng thế. Thuở trước thỉnh thoảng gom được xiên cua, giỏ cá bố vẫn hay hoang phí bằng cách mua thịt chó. Bố còn bảo nhà mình nghèo chứ nếu có tiền hôm nào bố cũng mua thịt chó về cho các con ăn. Các con là đích đến cuối cùng của cuộc đời bố. Ngày ấy sao mà ấm êm thế... Tôi hớt hải chạy ra định đón lấy thì chính bàn tay bố dang ra gạt lại: Chào và xin cô đi đã.
- Dạ?

Sao tôi lại phải xin nhỉ? Người phụ nữ này không lẽ đã góp công ban phát cho mẹ con chúng tôi bữa ăn ấy hay sao? Tôi mím chặt môi nhìn cô ta. Cô ta cũng định mỉm cười với tôi nhưng sau lại thôi. Tôi chẳng thèm đoái hoài tới món thịt chó nữa mà bảo: "Mời cô vào chơi, mẹ cháu cũng có nhà đấy". Tôi đoán thể nào cô ta cũng nói, bố cháu say quá, cô phải dìu về sợ đi đường có xảy ra chuyện gì thì chết. Thôi, cô phải về luôn... Thế mà đúng như vậy. Bố cầm cổ tay cô ta, kéo lại. Họ vập vào nhau như mấy kẻ trụy lạc ở quán đèn mờ trên vô tuyến mà tối qua tôi mới xem.

- Vào chào chị cả một tiếng đã em!
- Em phải về.
- Đến đây rồi thì vào chứ ai lại về?
Đánh cặp mắt lợn luộc nhìn tôi, cô ta ngập ngừng:
- Không.
Tôi nhìn hai người một lúc rồi quay đầu. Mẹ tôi lúc này đã vào giường nằm. Chiếc gối vải bọc cành thuốc nướng đã rơi tâng tâng xuống bậc. Mẹ bảo tôi sang nhà thằng Bình! Tôi buồn thiu hỏi:
- Để làm gì hả mẹ? Mẹ im lặng, mãi mới lên tiếng:
- Kèm em nó môn toán.
- Nó còn học tốt hơn con cơ mà... Có phải mẹ muốn khóc không?
- Mẹ muốn chết.
- Mẹ!!!

Tôi nghỉ học để vào viện chăm mẹ. Các anh tôi không ai có nhà. Họ đi công việc hết, mua sắm, cá cược, cầm đồ, xóc đĩa... Tôi gọi điện nhắc bố.  Vẫn không một tín hiệu trả lời. Bố đang nơi đâu chỉ có mẹ mới biết. Mẹ cứ không muốn cả nhà phải chạy tán loạn lo việc cỏn con. Tôi quạu mặt: "Thế nào là cỏn  con hả mẹ? Mạng sống mà mẹ kêu là cỏn con à?". Mẹ biết rằng đang làm tôi thất vọng nên thôi không nói dại nữa, thế nhưng khi tôi đưa thìa cháo lên chưa khịp bón mẹ đã lại sượng mặt quay đi. Mẹ bảo tôi về nấu cơm cho bố và các anh chị trước đã xong xuôi rồi vào với mẹ cũng được. Tôi cười: "Con vẫn nấu và để cửa mở đấy chứ nhưng hình như không ai muốn về nữa thì phải. Giờ mọi người... tiền nhiều, khó sum vầy lắm...".
Xóm dưới thôn trên đặt gia đình tôi lên bàn tán chuyện. Đi đâu tôi cũng nghe họ trì trích:
- Nghèo mãi có sao đâu, phất lên một tí đã tan nát cửa nhà...

- Chắc bà May không biết hai thằng con bị công an tóm tối qua đâu nhỉ?  Bà này tính lành như đất thế mà lại những mấy đường khổ nó vận vào. Bác sĩ nào chữa được, mấy bệnh một lúc cơ mà.
Tôi vừa co cẳng chạy vừa khóc. Mẹ trốn viện về, kêu tốn tiền. Tôi xé tập vở đang cầm trên tay hét: "Phải mẹ muốn đẩy con vào con đường nghiện nghập không? Con cần mẹ mà... Nhà mình đã thế này mẹ đừng như vậy nữa...".
Mẹ mất bình tĩnh, lần đầu tiên với tôi:

- Mẹ làm sao có thể yên tâm ngồi dưỡng bệnh được?
- Mẹ về thì giải quyết được gì? Các anh chị con đã lớn cả, còn bé bỏng gì đâu. Mẹ khổ cả đời rồi... Biết đâu việc anh con bị bắt lại là điềm lành. Mai con đưa mẹ vào viện! Chuyện nhà mình từ nay con sẽ lo...

HOÀNG THỊ NẾT