Phòng, chống bệnh liên cầu lợn
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:00, 26/05/2011
Tác nhân gây bệnh liên cầu lợn: là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis).
Nguồn truyền nhiễm: S. suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.
Dấu hiệu nhiễm liên cầu lợn:
Người bệnh sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Trường hợp nặng: sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.
Biện pháp phòng tránh:
-Không giết mổ súc vật bị bệnh; không sử dụng súc vật chết làm thức ăn cho động vật khác. Xử lý súc vật bị chết triệt để, tránh lây nhiễm môi trường và cộng đồng. Mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ...), bảo đảm các vết xước, vết thương không tiếp xúc với các súc vật hay sản phẩm của súc vật.
- Chỉ mua lợn, thịt lợn có nguồn gốc không bị bệnh và có dấu hiệu kiểm dịch của cơ quan thú y. Không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Không tiếp xúc với sản phẩm lợn còn sống khi tay có vết xây xước, trừ khi mang găng bảo vệ.
- Giữ cho khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ và rửa tay sau khi thao tác. Lưu trữ, bảo quản thịt sống tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh. Sản phẩm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn...