Đồng hành cùng thế giới vì "Thập kỷ an toàn giao thông đường bộ"
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 14:09, 26/05/2011
Tai nạn giao thông không còn là vấn đề riêng lẻ của một quốc gia. Chính tính phổ biến và hậu quả nặng nề đối với xã hội mà hiện nay nó đã và đang trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Chiến tranh chỉ có thể xẩy ra ở phạm vi nhất định, cùng lắm là chiến tranh thế giới nhưng nó cũng chỉ xẩy ra trong một thời gian nhất định và như vậy thương vong có lớn, sức tàn phá mạnh nhưng mang tính thời điểm. Còn tai nạn giao thông thì thường xuyên hơn, diễn ra hằng ngày, ở mọi nơi, trên mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Xã hội càng phát triển, nguy cơ chiến tranh càng ít nhưng tai nạn giao thông thì khó dự đoán, cơ bản có xu thế tăng lên bởi tính phức tạp của số lượng, chủng loại các phương tiện và các yếu tố bảo đảm cho sự an toàn giao thông không theo kịp với tốc độ phát triển của con người, phương tiện... Hằng năm trên thế giới, riêng tai nạn giao thông đường bộ đã làm hơn 1,2 triệu người chết, 20 - 50 triệu người tàn tật, thiệt hại vô cùng lớn về vật chất, phương tiện. Hậu quả để lại đằng sau những tai nạn ấy là các vấn đề xã hội cũng kinh khủng không khác gì một cuộc chiến tranh: mất người thân, tàn phế, của cải tiêu tan, phương tiện hư hỏng… là gánh nặng cho xã hội, ngăn cản nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, mỗi ngày trung bình có trên 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đường bộ. Hằng năm, con số này lên tới hàng chục vạn người, tổn thất về vật chất thực sự lớn lao, hậu quả mang lại cho xã hội rất nặng nề. Từ lâu, Đảng và Chính phủ ta đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông như: quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên xe mô-tô, quy định thắt đai an toàn, hạn chế tốc độ, cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông… Nhiều chủ trương, chính sách đã đạt được kết quả quan trọng, giảm thiểu đáng kể số vụ tai nạn và số thương vong, được người dân đồng tình ủng hộ.
Mới đây, trong một hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) với sự tham dự của 170 quốc gia bàn đến những vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, các nước đã cùng nhau nhất trí ban hành Nghị quyết A64 với nội dung chung nhất: cam kết cùng nhau chung sức giảm thiểu tai nạn giao thông, cùng quyết tâm thực hiện “thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ”. Việc các nước cùng nhau tham gia một hội nghị bàn giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ cho thấy tính chất nguy hại của vấn đề tới xã hội. Đây được xem là một bước phát triển mới về tư duy của nhân loại. Qua đó giúp chúng ta thấy được sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, vì lợi ích của nhân dân và phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội hiện đại. Hy vọng, sau Nghị quyết A64 của LHQ, sẽ có bước chuyển biến mới về an toàn giao thông, hy vọng các nước tăng cường sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, nhằm mang lại cuộc sống an toàn hơn cho con người.
Nhân sự kiện LHQ ban hành Nghị quyết A64, rất mong các ban ngành có liên quan tăng cường hơn nữa công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, làm cho mỗi người dân Việt Nam có sự nhận thức đúng đắn hơn xung quanh vấn đề này, có những hành động thiết thực cùng cả nước thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần đồng hành cùng thế giới vì một “thập kỷ an toàn giao thông đường bộ” tránh những cái chết thương tâm và những tổn thất đau lòng về người và tài sản cho mình và người thân.
BÙI VĂN MẠNH (Chí Linh)