Người đi tìm hình của nước
Tin tức - Ngày đăng : 06:19, 29/05/2011
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911
Nghiên cứu những bài học lịch sử của các bậc cha anh và khảo nghiệm trong thực tiễn, với lòng yêu nước mãnh liệt và một cách suy nghĩ táo bạo, một trí tuệ hết sức minh mẫn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng phải tìm con đường khác, phải ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác để cứu dân, cứu nước. Đó là kết luận rất quan trọng thôi thúc anh khám phá bằng được con đường giải phóng áp bức bóc lột cho đồng bào. Anh đã chọn nước Pháp, chọn chính ngay nước đã và đang đô hộ, đang “khai hóa văn minh” nước Việt Nam để tìm hiểu và khám phá. Lặng lẽ chuẩn bị, tiếp tục suy nghĩ, anh phác họa cho mình con đường sẽ đi, nhất là chặng đầu tiên của con đường cực kỳ quan trọng và ý nghĩa này.
Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtirông, Hồ Chí Minh đã nói: Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, khi đó thường hỏi nhau ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi.
Tháng 5-1909, Nguyễn Tất Thành từ giã Huế theo cha vào huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định nhân ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhận chức tri huyện ở đó. Từ tháng 9-1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp.
Vào một ngày đầu thu (tháng 8-1910), Nguyễn Tất Thành tạm biệt Quy Nhơn vào Sài Gòn. Trên đường đi, anh thấy phong cảnh quê hương tươi đẹp, đất đai màu mỡ, rừng vàng biển bạc, nhưng đâu đâu cũng có những con người lam lũ, rách rưới, lầm than. Lần theo ven biển đến Phan Rang, anh bắt gặp một cảnh tượng đau lòng: bọn Pháp cười sặc sụa khi đồng bào ta bị chết đuối vì chúng. Mấy năm sau, nhớ tới chuyện này, anh nói với một người bạn: những người Pháp phần nhiều là tốt song không ít những kẻ thực dân Pháp rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Đối với bọn chúng, tính mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không đáng một đồng xu.
Tàu Amiral Latouche De Tréville
Nguyễn Tất Thành tâm sự với một số người bạn thân về dự định ra nước ngoài của mình. Anh nói: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay: “Đây, tiền đây! Chúng ta sẽ làm việc! Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Amiral Latouche De Trévilie, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mác-xây (Pháp). Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Amiral Latouche De Trévilie, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn Ba.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc. Người thanh niên 21 tuổi ấy đã ra đi. Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên đã viết: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”. Câu thơ mở đầu có 10 chữ thì bị tách đôi bởi dấu chấm. “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng…”. Đất nước trong tâm hồn anh Ba lúc ấy là người thanh niên trẻ tuổi vừa bước lên từ nông thôn nghèo khó với bờ bãi, làng xóm, hàng tre, giường chiếu, mái nhà, bát cơm, mồ hôi, ruộng, trâu, người cày, quê mùa… thật bình dị, thân thuộc và đấy là những hình ảnh đẹp nhất trong anh - hình ảnh mang bóng dáng Đất Nước. Bước ra khỏi lũy tre làng, người thanh niên 21 tuổi ấy đã có cái nhìn rất xa, để “giấc mơ con” (yên bề gia thất) không thể “đè nát cuộc đời con”. Dấu chấm giữa câu có thể xem như vết tên vô hình xoáy vào tâm thức. Về sau này, Bác tâm sự: Lần đầu tiên, khi mới 13 tuổi, tôi được nghe những từ “TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI”. Đối với tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.
Trước yêu cầu mới của tình hình và được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động, bồi hồi. Suốt ba chục năm viễn xứ (1911 ở Pháp, 1912-1913 ở Mỹ, 1913-1917 ở Luân Đôn… và tiếp đó là một loạt các nước khác qua bốn bể năm châu, làm đủ thứ nghề, nói và viết thông thạo nhiều ngoại ngữ…), không lúc nào Bác không “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” (Người đi tìm hình của nước - thơ Chế Lan Viên). Những giọt mồ hôi vẫn nhỏ giữa đêm khuya thành Ba Lê gió rét. “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”. Và cho tới khi tới gần hơn với mặt trời Nga bừng chói, giọt nước mắt hạnh phúc của Người vẫn chưa thể khô trên dòng chữ Lênin. Khi có trong tay bản “Luận cương các vấn đề dân tộc” của Lênin, Người đã hô to một mình trong phòng vắng: “Hỡi các dân tộc bị áp bức! Đây là con đường giải phóng cho ta!”. Ngày 8-2-1941, giữa mùa xuân khi “trắng rừng biên giới nở hoa mơ”, Người đã trở về Tổ quốc kết thúc 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân. Nguyễn Ái Quốc đã về ở hang Cốc Bó (bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) với bí danh Già Thu, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam vùng lên giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng xã hội mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
XUÂN THU