Nỗi nhớ “Đường quê”

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:34, 30/05/2011

Trong rừng thơ lục bát nước ta có rất nhiều bài thơ hay, nhưng tìm được bài thơ mà mình thích cũng không dễ. Rất tình cờ, tôi đã gặp được bài thơ mà đọc lên bản thân tôi thấy thích. Đó là bài thơ “Đường quê” của tác giả Vũ Tuấn Anh, đăng trên báo Biên Phòng, số ra tháng ba năm 2009. Tôi thích bài thơ vì như thấy có mình trong đó và nhớ về một làng quê nghèo khó mà tôi cũng như nhiều người đã từng sống, đến bây giờ nó đã đổi thay. Nhưng còn lại trên hết là những kỷ niệm một thời, vì sau những năm xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những nghèo khó của làng quê xưa đã trở thành hoài niệm.

 Tôi theo “Đường quê” với tác giả để trở lại với cảm giác của người xa quê:
“Đã lâu tôi lại bước đi
Trên đường lát gạch nhẵn lỳ dấu chân” 

Mở đầu bài thơ, tác giả cho bạn đọc nhận thấy một làng quê cổ kính. Phải từ truyền thống lâu đời của làng quê mình, từ tình yêu trong sâu thẳm con người mới lưu giữ lâu bền nỗi nhớ, để bật lên thành những câu thơ dung dị mà tác giả nhân cách hóa, thông qua hình ảnh “đường nói thì thầm” để giãi bày tâm sự. Một làng quê nghèo khó cứ dần hiện lên qua những câu thơ rất rõ ràng và cuốn hút người đọc bằng những hình ảnh “chân trần”, “buổi trưa đói bụng”, “vai vác chiếc bừa sau trâu”, “bát cơm, manh áo theo vào giấc mơ”… Không ai khi có được sự no ấm lại không nhớ về thuở hàn vi. Mà lạ, cứ nhớ đến thời gian khổ, hình ảnh tuổi thơ, làng quê “chân lấm, tay bùn” lại hiện lên. Cái thời ấy khi người ta sống, phần do cơ cực, cố gắng kiếm miếng cơm, tấm áo, ngỡ chẳng ai nhớ tới. Rồi cả thời học sinh thơ ấu, từ câu thơ viết gửi cho bạn gái giờ ra chơi. Cả tiếng à ơi mẹ ru thời nằm nôi nuôi ta lớn lên. Tất cả đều rất bình thường, chẳng ai để ý đến. Thế mà một chiều trở lại đường quê, sau bao năm phiêu bạt, rong ruổi xứ người, kỷ niệm lại ùa về:

“Có còn nhớ ánh trăng sao
Bụi tre, hay rặng phi lao từng ngồi...”

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết rất hay và chân thực: “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Ở Vũ Tuấn Anh cũng vậy, khi đi trên con đường quê anh mới cụ thể nỗi nhớ, những hoài niệm sau bao năm đi xa của mình. Tất cả những kỷ niệm thời ấu thơ, sự vất vả lam lũ của người quê, những cảnh vật làng quê tác giả đã sống ùa về như còn nguyên vẹn:

“Đường quê ơi, vẫn thế thôi!
Vẹn nguyên, thêm chút bồi hồi hôm nay”

Bài thơ nhẹ nhàng nhưng đọc lên thấy lòng xao xuyến và càng đọc, lòng tôi càng nặng những nỗi niềm. Tác giả thể hiện bài thơ bằng mười cặp lục bát, mang âm hưởng dân gian, tạo cho người đọc sự gần gũi và dễ đồng cảm. Sự đồng cảm còn thể hiện trong từng hình ảnh, cảnh vật nơi thôn dã, bằng lời thơ giản dị, dễ hiểu.

 Tác giả không sử dụng nhiều những kỹ thuật để tạo dựng nên bài thơ mà cứ để cảm xúc tự lột tả ý tứ, suy nghĩ của mình. Người đọc nhận ra sự chân thật của tác giả mà dễ tha thứ cho sự tản mạn và nhiều lời của bài thơ. Những điệp từ “để xem”, “có còn” trong bài thơ là ví dụ, vì “xem” là đã bày ra trước mắt, đã thấy, sử dụng ngôn từ như thế là chưa chặt chẽ. Thường người ta cảm nhận nỗi nhớ, niềm thương bằng những cung bậc riêng, sâu kín chứ không nói “để xem còn thương người thân”, hay “để xem cảnh nghèo”. Ngay cả việc dùng câu “Để xem hơi đất mỡ màu” cũng là chưa ổn khi dụng từ “xem”. Tuy nhiên, bài thơ tạo cho người đọc sự rung động hồn nhiên, thấm được hồn quê nên những câu chữ còn hạn chế như trên dễ được tha bổng.

Đường quê

VŨ TUẤN ANH


      Đã lâu tôi lại bước đi
Trên đường lát gạch nhẵn lỳ dấu chân
      Hình như đường nói thì thầm
Bảo tôi cứ để chân trần như xưa
      Để xem còn nhớ buổi trưa
Đói bụng, vai vác chiếc bừa sau trâu
      Để xem hơi đất mỡ màu
Còn làm mát dịu mười đầu ngón chân
      Để xem còn thương người thân
Sớm trưa cày cấy, chuyên cần, gieo neo
      Để xem còn nhớ cảnh nghèo
Bát cơm, manh áo theo vào giấc mơ
      Để xem còn nhớ câu thơ
Gửi cho bạn gái trong giờ ra chơi
      Có còn nhớ tiếng à ơi
Lời ru của mẹ đưa nôi thuở nào
      Có còn nhớ ánh trăng sao
Bụi tre, hay rặng phi lao từng ngồi...

      Đường quê ơi, vẫn thế thôi !
Vẹn nguyên, thêm chút bồi hồi hôm nay.


NGUYỄN ĐÌNH XUÂN