Chờ giảm giá xăng dầu
Thị trường - Ngày đăng : 10:40, 07/06/2011
Đồ họa: V.Cường |
Phát biểu tại cuộc họp giao ban Bộ Công thương ngày 6-6, đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam khẳng định: các doanh nghiệp đang lãi lớn với mặt hàng dầu diesel, giá xăng dầu Việt Nam có thể cao hơn các nước lân cận... nhưng phương án giảm giá bán lẻ mặt hàng này vẫn chưa được tính đến.
Tại buổi họp, bà Đàm Thị Huyền, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết, mặt hàng dầu diesel nhiều doanh nghiệp đang lãi “rất lớn”. Theo bà Huyền, mặc dù có thời điểm giá rất cao nhưng đến nay do giá xăng dầu thế giới đã điều chỉnh nên một số nước lân cận như Lào, Campuchia đã giảm giá tới... hai lần.
Do giá xăng dầu Việt Nam chưa giảm nên bà Huyền công nhận chênh lệch giá xăng dầu tại biên giới Tây Nam đã bị thu hẹp, thậm chí gần bằng nhau. Đặc biệt, trước tình hình giá xăng dầu Việt Nam đang có xu hướng cao hơn các nước trong khu vực nên nguy cơ xăng dầu thẩm lậu ngược về Việt Nam.
Lãi lớn nhưng đề nghị chưa tăng thuế
Trước thực tế đó, bà Đàm Thị Huyền không đề nghị giảm giá và cho biết Petrolimex đã chính thức có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương đề nghị Nhà nước chưa tăng thuế.
Theo bà Huyền, lâu nay đang lặp đi lặp lại một nghịch lý là khi giá xăng dầu trong nước bị kìm, nhiều doanh nghiệp đã hạn chế nhập khẩu khiến gánh nặng dồn về Petrolimex. Nay nhiều doanh nghiệp lãi lớn đã tăng bán hàng, “khiến thị phần Petrolimex giảm” nên bà Huyền đề nghị liên bộ Tài chính - Công thương tăng mức trích quỹ bình ổn xăng dầu để “doanh nghiệp nào bán ra nhiều sẽ phải nộp nhiều”.
Cho rằng tình hình giá xăng dầu sẽ khó có thể tụt mạnh như năm 2008 và sắp tới nếu phải bình ổn giá, nguồn lực nhà nước không có, nên phải để nguồn lực đó hình thành trong kinh doanh, bà Đàm Thị Huyền nhấn mạnh: “Nếu Bộ Tài chính dùng công cụ tăng thuế thì còn quá sớm. Với cách điều hành hiện nay, khi giá dầu tăng lại thì việc giảm thuế sẽ dễ bị chậm trễ. Hãy điều hành bằng quỹ bình ổn, nửa tháng xem lại một lần”.
Người tiêu dùng đang chờ được giảm giá xăng dầu - Ảnh: T.T.D |
Tránh điều hành giật cục
Trao đổi với phóng viên, một quan chức Bộ Tài chính công nhận giá xăng dầu thế giới gần đây có điều chỉnh giảm, tuy nhiên mức độ chưa mạnh và cụ thể. Về đề nghị của doanh nghiệp tăng quỹ bình ổn chứ chưa tăng thuế và ý kiến cho rằng nên giảm giá xăng dầu cho người tiêu dùng, vị lãnh đạo này cho rằng giá xăng dầu thế giới đã, đang và tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, trước mắt liên bộ Tài chính - Công thương sẽ xem xét cụ thể để tránh điều hành giật cục, cần tiếp tục theo dõi và cập nhật thêm tình hình diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới có lúc tăng rất cao, Nhà nước đã kiên quyết yêu cầu giữ giá, các doanh nghiệp phải chịu lỗ lớn. Nhà nước cũng đã lùi thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%, trên thực tế đã “chịu” mất đi khoản thu lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Vì vậy, ngay trong quyết định cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 29-3-2011, Bộ Tài chính đã khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nếu giá thế giới tăng thì tính toán điều chỉnh giá trong nước.
“Trường hợp giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và sau đó mới thực hiện giảm giá bán. Việc giảm giá hay tăng thuế sẽ được cân nhắc và thông báo cụ thể, rõ ràng” - vị quan chức trên nói.
EVN lại đề nghị tăng giá điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu khó khăn cũ là hiện đang rất khó khăn về vốn, nhiều dự án đã vay được tiền nhưng EVN không thể lo đủ 15% vốn đối ứng nên không thể khởi công. Dù đã gần nửa năm trôi qua nhưng ông Dương Quang Thành, phó tổng giám đốc EVN, cho biết việc đầu tư mới đạt 24% kế hoạch. Một số dự án Trung Quốc tài trợ vốn, do trong nước họ tăng lãi suất nên họ cũng đòi đàm phán lại, càng thêm khó về vốn. Với khó khăn như vậy, ông Dương Quang Thành đề nghị Bộ Công thương nên có thông tư thực hiện quyết định 24-2011 của Thủ tướng về giá điện theo thị trường. “Đề nghị đưa khoản lỗ của EVN năm 2010 vào hạch toán trong giá điện mới chứ hiện nay khoản này vẫn bị treo” - ông Thành nói và lưu ý “nếu không điều chỉnh giá điện lên năm 2011 EVN sẽ vẫn khó khăn”. |
Về vấn đề của Petrolimex nêu, quan điểm của Bộ Công thương, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Petrolimex trước mắt cần làm tốt phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc hạch toán các khoản lỗ như thế nào hiện Bộ Công thương đang bàn với Bộ Tài chính.
Riêng quan điểm Petrolimex kiến nghị tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá chứ chưa tăng thuế, ông Hoàng cho biết “chúng tôi đang trao đổi với phía Bộ Tài chính, trong tuần tới sẽ bàn tiếp vấn đề này”.
Về việc Petrolimex cho rằng nhiều doanh nghiệp khi giá thấp thì bán ít, nhập ít, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng công nhận khi khó khăn có doanh nghiệp nhập ít đi và cho biết đã báo cáo Chính phủ có hình thức phê bình hoặc lưu ý các doanh nghiệp này.
Dầu lãi 700 đồng/lít
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đầu mối xăng dầu thừa nhận lãi đối với mặt hàng dầu diesel đã lên đến 700 đồng/lít, trong khi mặt hàng xăng thì hòa vốn hoặc có lãi trên 100 đồng/lít.
Ông Bùi Ngọc Bảo, tổng giám đốc Petrolimex, khẳng định mức lãi đối với dầu đã “kha khá”, trong khi với xăng thì “có lúc hòa vốn, có lúc lãi chút ít”. Tuy nhiên, người đứng đầu doanh nghiệp đầu mối có thị phần áp đảo thị trường (trên 60%) này cũng thẳng thắn: “Trong tình hình này, nếu giá có tăng hay có giảm chúng tôi cũng không đề xuất gì vì mọi việc điều hành đều do Nhà nước quyết”.
Các đầu mối lớn khác như Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) hay Saigon Petro cũng thừa nhận có lãi đối với dầu diesel và hòa vốn đối với xăng. Cán bộ phòng kinh doanh một doanh nghiệp đầu mối xác nhận “giá dầu diesel nhập khẩu thấp hơn giá cơ sở đã là 700 đồng/lít”.
Điều này có nghĩa mức lãi của mặt hàng này tối thiểu phải là 800 đồng/lít. Trong khi đó, mặc dù một số đầu mối cho rằng hòa vốn đối với mặt hàng xăng, thì một đầu mối nhỏ khác thừa nhận đã lãi mỗi lít xăng cỡ 200 đồng/lít.
Việc mỗi lít xăng hòa vốn hay lãi bao nhiêu còn tùy thuộc vào chi phí kinh doanh của mỗi công ty, nhưng điều có thể khẳng định là kinh doanh mặt hàng này đang có lãi khi giá thế giới đã giảm hơn 30 ngày qua. Điều này cũng được gián tiếp chứng minh khi mức chiết khấu cho các đại lý xăng dầu tăng lên từng ngày.
Ngày 6-6, một đại lý ở TP Hồ Chí Minh cho biết mỗi lít xăng đã được chiết khấu từ 600-700 đồng tùy đầu mối, còn mỗi lít dầu từ 700-800 đồng. Đại lý này cũng thừa nhận đây là mức tuyệt vời, bởi hoa hồng chỉ cần 400-500 đồng/lít là đã “sống khỏe”.
CẦM VĂN KÌNH - PHẠM PHƯƠNG - L.N.MINH (TT)