Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Cần sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng

Việc tử tế - Ngày đăng : 10:06, 08/06/2011

Tỉnh ta hiện có hơn 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em đều rất cần sự chia sẻ, thương yêu, chăm sóc...



Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức lớp dạy may cho trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn


Chúng tôi đến thăm gia đình chị Bùi Thị My và anh Đỗ Văn Dũng ở thôn Quan Sơn, xã An Sơn (Nam Sách) vào một buổi chiều oi bức. Trong ngôi nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá. Nét mặt buồn buồn, chị kể: Cháu Đỗ Việt Hoàng, sinh năm 2001, bị liệt bẩm sinh cả 2 chân. Cháu nhỏ hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Mọi sinh hoạt của cháu từ bé đến giờ đều trông vào vợ chồng chị, bản thân cháu không thể làm được gì. Chị rất lo, bây giờ vợ chồng còn khỏe có thể chăm sóc nhưng nay mai tuổi già không biết ai trông nom con. Ngay bản thân cháu Hoàng cũng rất buồn, mặc cảm, ít nói, cười, chỉ từ khi được cấp xe lăn mới nhìn thấy nụ cười xuất hiện trên khuôn mặt. Có xe lăn, Hoàng như thêm tay, thêm người giúp đỡ, không phải nằm, ngồi tại chỗ, con người trở nên nhanh nhẹn hơn. Hoàng được ra ngoài, ngắm nhìn không gian và cuộc sống làng xóm, cháu bớt buồn và tủi thân hơn trước…

Trường hợp khác là cháu Bùi Thị Lan, sinh năm 2005, con gái của anh Bùi Văn Tiệp và chị Nguyễn Thị Nhan ở thôn Đỗ Xuyên, xã Quang Minh (Gia Lộc). Do sơ suất khi vợ chồng làm đậu, con gái anh chị đã bị bỏng nặng, 2 chân co quắp, tay trái cũng bị co... Vợ chồng chị Nhan rất ân hận chỉ vì phút bất cẩn đã làm khổ cả đời con gái yêu của mình. Chị Nhan than thở, không lúc nào chị ăn ngon ngủ yên, đi làm thì chớ, về đến nhà nhìn thấy con, nỗi đau lại giằng xé. Đời người con gái lành lặn như chị kiếm sống còn nhọc nhằn và nghèo túng, huống chi một đứa con gái tật nguyền, tương lai biết đi đến đâu. Năm 2009, một tia hy vọng mới đến với gia đình chị Nhan khi được các ngành chức năng phối hợp, tạo điều kiện cho con gái chị tham gia chương trình phẫu thuật chỉnh hình. Tuy còn vất vả, nhưng dù sao cháu Lan đã bắt đầu đi được, vợ chồng chị Nhan cũng phần nào giảm được gánh nặng tâm lý.     

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, tỉnh ta hiện có hơn 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (TECHCĐBKK), được phân theo 10 nhóm đối tượng: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nạn nhân chất độc hóa học, lao động sớm, lang thang, sống trong hộ nghèo, bị ngược đãi, nghiện hút, vi phạm pháp luật và bị xâm hại tình dục, sinh sống tại tất cả 265 xã, phường, thị trấn. Ở nhóm đối tượng nào, các em cũng đều gặp những khó khăn riêng và rất cần sự chia sẻ, thương yêu, chăm sóc của mỗi gia đình và cộng đồng. Xác định rõ nhiệm vụ này, tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội quan tâm, chăm sóc TECHCĐBKK. Hơn 1 năm qua, sở đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc, phẫu thuật vận động cho 142 em, hỗ trợ giúp 45 em phẫu thuật nụ cười và đang gửi 10 hồ sơ xin được phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh theo chương trình miễn phí. Khảo sát, phân loại và lập danh sách 10 trẻ lang thang, 42 trẻ có nguy cơ lang thang trên địa bàn TP Hải Dương, tư vấn, giúp đỡ các em những kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng tránh bị lạm dụng, xâm hại tình dục và lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho 3 em lang thang có nhu cầu hồi gia. Triển khai dạy nghề cho 25 trẻ lang thang ở huyện Thanh Hà, 125 trẻ có nguy cơ bị lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 -3 (Hội Phụ nữ Hải Dương), Trung tâm Giới thiệu việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh) thẩm định 60 TECHCĐBKK được tham gia học nghề. Phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về phòng ngừa xâm hại tình dục đối với trẻ em, kịp thời thăm hỏi, động viên 3 trẻ em bị xâm hại tình dục tại huyện Gia Lộc... Tổng kinh phí thực hiện 3,3 tỷ đồng. Cấp sữa uống miễn phí 3 tháng cho hơn 500 trẻ tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Hội Người mù, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, trị giá hơn 200 triệu đồng; tiếp nhận và phân phối 1.586 suất quà từ tổ chức Samaritan (Mỹ), trị giá hơn 42.000 USD. Phối hợp với Bảo Việt nhân thọ Hải Dương, phòng lao động cấp huyện trao nhiều suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc TECHCĐBKK hiện còn nhiều hạn chế do công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa đi vào thực chất, đến từng gia đình, nhóm dân cư để nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc. Các nguồn lực hỗ trợ còn hạn hẹp. Gia đình, xã hội còn quan niệm, ứng xử chưa công bằng đối với trẻ em bị yếu thế. Bản thân các em trong hoàn cảnh trên dễ bị mặc cảm và ít có khả năng tự lập vươn lên…



Được thành lập từ 2004, đến nay, Trung tâm Hoạt động nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ tỉnh) chăm sóc và dạy nghề miễn phí cho hơn 300 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Trong ảnh: Hướng dẫn trẻ khuyết tật thực hành máy may công nghiệp. Ảnh: Thành Chung


Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả chăm sóc TECHCĐBKK trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tạo sự chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân. Nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, phấn đấu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 70% số xã, phường đạt tiêu chuẩn. Hạn chế trẻ em lang thang, tiến tới giải quyết cơ bản tình trạng này. Tích cực tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những trẻ em có nhu cầu phẫu thuật khe hở môi, khe hở vòm miệng, trẻ em mắc một số bệnh về mắt, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh… để thu hút đối tượng tham gia. Biểu dương, nhân rộng những gương điển hình yêu trẻ. Phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc TECHCĐBKK, giúp các em vượt qua những mặc cảm, khó khăn, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

THU LAI