Cẩm Giàng phát triển tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:27, 15/06/2011

Huyện Cẩm Giàng phấn đấu các cụm công nghiệp, các khu tiểu, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tập trung từ năm 2013 bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh, năm 2015 đi vào hoạt động ổn định.



Cụm công nghiệp Cao An (Cẩm Giàng) thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh


Huyện Cẩm Giàng có hệ thống giao thông thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Trên địa bàn huyện đã hình thành 7 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp. Huyện đã xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề truyền thống nổi tiếng là nghề chạm khắc gỗ Đông Giao và làng nghề nấu rượu Phú Lộc.

Đến đầu năm 2011, đã có 12 xã hoàn thành xây dựng quy hoạch khu sản xuất tiểu, thủ công nghiệp (TTCN), dịch vụ tập trung. Cụm công nghiệp làng nghề Phú Lộc (xã Cẩm Vũ) đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, bàn giao mặt bằng cho 4 doanh nghiệp và hộ thuê đất, xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cụm công nghiệp Đông Giao đang triển khai quy hoạch chi tiết. Các xã Cẩm Văn, Cẩm Hoàng, Thạch Lỗi đã san lấp mặt bằng, tổ chức đấu thầu đất ở, kết hợp kinh doanh dịch vụ.

Đề án “Phát triển khu sản xuất TTCN - làng nghề và dịch vụ gắn với chuyển đổi nghề cho nông dân ở các xã, thị trấn” là một trong những chương trình, đề án nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2011-2015. Trong đó, huyện đặt mục tiêu từ năm 2011 đến năm 2015 có 12 xã có khu TTCN, thương mại, dịch vụ tập trung đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu hằng năm  tạo thêm việc làm mới cho 4.500 lao động, nâng số lao động qua đào tạo nghề  lên 45 - 50%.

Để thực hiện được việc này, Huyện ủy Cẩm Giàng đã xây dựng kế hoạch triển khai đề án, có giải pháp phù hợp và thời gian  thực hiện cụ thể đối với từng địa phương. Kiểm tra, rà soát lại quy hoạch các khu sản xuất TTCN, thương mại, dịch vụ tập trung để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu mặt bằng tiện lợi cho sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư. Bổ sung quy hoạch khu tập kết gỗ cho các làng nghề  mộc. Đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, vai trò, tác dụng của khu sản xuất TTCN - làng nghề và dịch vụ đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân đầu tư vào xây dựng hạ tầng và tổ chức sản xuất, kinh doanh trong khu sản xuất tập trung. Tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất TTCN và thương mại, dịch vụ, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển. Tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, của huyện về khuyến khích phát triển sản xuất TTCN, dịch vụ để mọi tổ chức, cá nhân biết yên tâm đầu tư sản xuất. Củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện. Nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đối với các cơ sở sản xuất TTCN và thương mại, dịch vụ. Triển khai nhanh dự án xây dựng Trung tâm hướng nghiệp và đào tạo nghề. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho các chủ doanh nghiệp, tập trung vào các nghề mộc dân dụng, chạm khắc gỗ, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở các xã Ngọc Liên, Cẩm Điền, Cẩm Văn, Cẩm Phúc. Mời các chuyên gia, các nghệ nhân có kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài huyện về dạy nghề và truyền nghề cho người lao động của các cơ sở sản xuất TTCN. Tổ chức cho các chủ cơ sở sản xuất đi tham quan học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất TTCN ở các tỉnh bạn để học tập, du nhập, phát triển nghề mới trên địa bàn. Dạy nghề, truyền các nghề thêu, ren, mây song xiên, đan bèo tây... cho nông dân các xã chưa phát triển làng nghề. Huyện chỉ đạo việc triển khai đầu tư  cần bảo đảm tuân thủ đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các xã sớm tiến hành tổ chức đấu thầu đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ để có kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong khu quy hoạch. Cân đối ngân sách hằng năm trình UBND huyện hỗ trợ cho các địa phương và cho cơ sở sản xuất thực hiện; xây dựng các dự án để kêu gọi đầu tư phục vụ đề án...

Huyện Cẩm Giàng phấn đấu các cụm công nghiệp, các khu TTCN, thương mại, dịch vụ tập trung từ năm 2013 bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh, năm 2015 đi vào hoạt động ổn định.

Do chuyển đổi đất cho việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nên lao động trong nông nghiệp ở Cẩm Giàng từ 50.349 người năm 2005 giảm xuống còn 41.577 người vào năm 2011. Lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 13.336 người năm 2005 lên 27.750 người vào đầu năm 2011; lao động trong ngành thương mại, dịch vụ tăng từ 5.609 người năm 2005 lên 13.760 người năm 2011. Trong đó, các cụm công nghiệp, khu sản xuất TTCN, làng nghề và dịch vụ tập trung đã giải quyết việc làm cho 2.180 lao động.

THU TRANG