Đêm mơ thấy cọp
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:16, 16/06/2011
Cũng vì hoàn cảnh neo đơn vậy, nhân đất nước vừa thống nhất, dì Bảy - mẹ Thơm - được dịp về giỗ tổ ngoài quê vô, có đưa theo người cháu họ ở cho ấm cửa ấm nhà. Chú ấy tên là Toản. Nơi tôi ở tuy bìa rừng hốc núi, sỏi đá khô cằn nhưng dưới mắt những người phía bắc miền Trung nhiều gió lào bão lũ, vẫn là chỗ thời tiết thuận hòa, dễ làm ăn hơn.
Từ ngày có chú Toản xóm Núi cũng bớt đi phần quạnh quẽ. Chú Toản ở đậu nhà dì Bảy để làm thợ mộc dạo. Xóm tôi nơi cửa rừng, thuận tiện cho nghề mộc, khi gặp cây gỗ rẻ chú mua để dành, đóng giường, tủ và những đồ dân dụng lặt vặt, bán tại nhà. Thu nhập vì vậy cũng tàm tạm, chắc hơn hẳn ngoài quê.
Chú Toản cùng tuổi Dần như tôi nhưng lớn hơn một giáp, dáng người đậm chắc. Miệng hơi hô nhưng bù lại nói cười rất có duyên. Cũng từ ngày có người tuổi Cọp, không riêng gì nhà Thơm, nhà tôi tình cảnh dần cũng khác hẳn lên. Khác vì những việc cần đến bàn tay đàn ông mạnh mẽ như nắn lại hàng rào, buộc chặt cửa liếp, thay tấm tranh lợp… nhờ “cọp” giúp đã đành, mà mẹ tôi cũng thấy sửa sang hơn, quần áo không lùi xùi, lấm lem như dạo trước. Và thỉnh thoảng mẹ lại còn hát nữa. Những bài ca với lời lẽ khi yêu đời lúc mang đầy sầu nhớ mà trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ.
Bên nhà dì Bảy có cái giếng nước ngọt rất trong và mát. Trong mát như thể được chắt lọc từ bao tầng đá núi xuống. Nước giếng lạnh nên trước đây những trưa nắng nôi, tôi và con Thơm thường rủ nhau tắm truồng bên ấy. Vừa tắm vừa so đọ, trêu chọc mình mẩy của nhau, có khi rượt đuổi vô tư như đèn cù quanh bờ giếng. Giờ có chú Toản thì không vậy nữa. Nhất là từ khi tôi vô tình thấy chú đi làm mộc về, mặc quần đùi mỏng tắm bên bờ giếng. Đàn ông họ thô kệch và lạ lùng lắm!
Cùng với tháng năm, chúng tôi lớn lên và thay đổi thêm một ít. Cuộc sống nơi góc rừng chân núi nói chung là bình thường nếu không có cái ngày mà một biến cố đã xảy ra với gia đình tôi.
Ấy là ngày hai chị em chúng tôi lang thang tìm phế liệu sâu trong cánh rừng phía sau nhà. Đó cũng công việc chúng tôi thường làm mỗi khi nông nhàn, để kiếm thêm tiền ba mẹ con sinh sống.
Vào những năm cuối thập niên bảy mươi thế kỷ trước, rừng núi quê tôi còn khá nhiều những sắt thép, khí tài của cuộc chiến tranh rơi rớt lại. Mà sắt cũng đang bắt đầu được giá. Chúng tôi tìm phế liệu không bằng máy móc chi cả. Với cái leng nhỏ và chiếc cuốc chim cũ mòn ba tôi để lại, bằng vào kinh nghiệm, trực quan của mình, đôi khi chị em chúng tôi cũng vớ bở. Tất nhiên cũng chỉ “cò con” thôi vì sức lực nhỏ yếu của mình.
Đang lang thang sục tìm chợt nghe một tiếng gầm lớn, tôi vội kéo em Từ thụp xuống. Hai con hổ từ đâu chợt phóng vụt qua. Một nhoáng những sọc vàng sọc đen trượt đi trong chớp nhìn của hai chị em, rồi mất hút gần như cùng lượt vào vạt tranh cao lút đầu người. Chắc chúng đuổi rượt nhau, hay nếu là con cái con đực, có thể đang động dục động tình chi đấy. Thật là hú hồn! Thấy cọp nơi tranh vẽ hay trong sở thú là sự thường, nhưng hiếm ai gặp chúng ở nơi hoang dã như chị em tôi. Mà gặp một cặp mới khiếp!
Tôi lại tuổi Dần - Bính Dần. Gặp cầm tinh mình chẳng biết có phải điềm gở hay không nhưng liền sau đó, chị em chúng tôi đào phải trái nổ! Một phần trong việc gặp nạn này cũng do chúng tôi thất thần, sớn sác vì vừa đụng phải “chúa sơn lâm”. May mà mẹ tôi cùng mấy người nữa làm rẫy phía dưới nghe tiếng nổ chạy lên, cáng đi cấp cứu kịp thời. Chẳng biết trái nổ loại gì song tai nạn đó làm em Từ bị mù một mắt, cụt một tay, còn tôi thì cụt một chân trái.
Tai nạn thật khơi khơi như từ trời rơi xuống!
Sau đó chị em tôi rồi cũng dần quen với thương tật của mình. Hai đứa có thể tham gia hầu hết những trò chơi dành cho tuổi nhỏ. Tôi giờ đã có thể chống nạng cười vang, chơi trò nhảy ô với con Thơm hoặc lộc cộc vào ra việc nhà cùng nắng rừng, sương núi. Và như thể mình sinh ra là chỉ có một chân. Cũng may ở nơi heo hút hiếm bạn đồng trang lứa nên tôi ít khi phải đối mặt, chạnh lòng với tình trạng tật nguyền của mình.
Những tưởng với thời gian rồi cái gì cũng qua đi, nhưng hoá ra không phải vậy. Tôi đã là thiếu nữ. Phía bên ngực trái của tôi do nạng kích chằng từ nách nên lớn hơn bình thường. Mỗi lần xoa bóp ngực phải cho cân là mỗi lần đụng chạm đến những mơ hồ, mới mẻ nơi cơ thể mình. Tôi càng lớn thì nỗi đau tật nguyền của tôi càng sâu thêm. Ống quần trái hay phất phơ thường buộc gọn lên liệu có là dự báo cho tôi một tương lai đầy trắc trở? Là phụ nữ nên mẹ tôi cũng biết điều ấy. Người thường nhìn mái tóc dài quất qua quất lại theo trớn xích đi trên nạng gỗ của tôi bằng ánh mắt ngậm ngùi. Cũng may mà gần nhà không có con trai. Ở xóm Núi việc tôi ngại nhất trần đời bấy giờ là lúc buộc phải chống nạng đi qua trước mắt chú Toản. Chống nạng, hình ảnh con gái tật nguyền thế tôi thấy chẳng hay hớm, đẹp đẽ gì. Mà lỗi nào có phải tại tôi? Lũ sắt thép gây ra tai nạn đã thu gom, và có lẽ được nung chảy ở lò xưởng nào từ đời tám hoánh rồi. Cũng may mà chú Toản thường xuyên làm thợ vắng nhà. Nhưng sao tôi lại mắc cỡ, ngại ngùng với người tuổi tác đáng hàng cha chú cơ chứ?
Và rồi một hôm chú Toản sang. Chú mang theo một ống sắt vừa kiếm được, nói là ống phóng gì đó của Mỹ, bằng đuya-ra, không rỉ sét và bền chịu vô song. Nếu mẹ và tôi đồng ý chú nói gò cho tôi một cái chân giả. Nghe vậy, mẹ nhìn chú với ánh mắt biết ơn nồng nàn. Khi tôi ngại việc đi chân giả sẽ khó khăn, thì mẹ bảo cứ để chú làm cho sinh hoạt được dễ dàng hơn.
Từ ấy lúc nào rảnh việc thợ mộc cũng nghe bên nhà dì Bảy tiếng gò đập “binh binh, bong bong” của chú Toản. Phải mất gần hơn tháng trời chờ đợi của tôi và mấy lần ướm đi thử lại, chú Toản mới làm xong chân giả. Phải nói chú thật khéo tay, không thua thợ gò chính hiệu là mấy. Tuy tiếp xúc sắt thép nhưng khi mang đứng lên, tựa chịu cả người vào chân cũng không gây đau lắm. Dù vậy tôi cũng nhăn mặt mỗi bước đi thử. Mới đầu thì phải vậy, sau rồi sẽ quen thôi, chú nói. Dưới gót chân, chú tiện vào khúc gỗ vông đồng, loại ngày xưa người ta hay làm guốc mộc. “Thứ gỗ này đi êm, chứ không kêu vang như dộng ống sắt. Bao giờ mòn đến mép đuya-ra, chú sẽ thay cho khúc khác. Thợ mộc mà, không lo!”. Chân giả của tôi cơ bản vậy đã ổn, chú nói chỉ cần bắt vít hai mép gối và tìm cái đai da gắn vào nữa là xong.
Một đêm tôi bỗng nằm mơ thấy lại cặp cọp hôm tai nạn dạo nào. Cặp-cọp-tai-nạn ấy đang động tình cùng nhau nơi một gốc cây to. Con cái chẳng biết tự bao giờ mất một chân sau. Tôi kêu lên tỉnh giấc. Mỏm chân trái cụt vẫn còn tê rân rân lan dần khắp cơ thể một cảm giác dễ chịu. Không biết do cái lạnh của đêm đông nơi miền núi hay dư cảm tràn sang từ cặp cọp trong mơ?
Mỗi lần thấy cọp với tôi dường như là một biến cố. Mẹ tôi và em Từ đã đi rẫy từ sớm. Tôi đang hoang mang, kiểm nghiệm vì đêm mơ thấy cầm tinh mình thì chú Toản cầm chân giả sang. Lúc chú lấy ni vòng đùi để dùi mấy lỗ đai da, tôi phải xắn quần cao lên tới đùi. Do bên chân cụt ít hoạt động nên đùi tôi thon đi. Và trắng hồng nữa. Tôi ngượng quá nên vòng hai bàn tay ép chặt ống quần, che phía trên đùi. Không cả dám nhìn thẳng vào chú. Cũng may mặt chú cúi xuống đùi và đai da, chỉ có hai vành tai là nhỏng lên, đỏ rừ. “Cháu cứ bỏ tay, đừng nắm chặt phồng lên khiến vòng đo không thật”. Sau đó sự đụng chạm, ve vuốt của bàn tay làm tôi gai ốc cả người. Chú Toản cởi đai, tháo chân tôi ra bằng ánh mắt khát khao như có lửa. Bỗng chú kéo chân lên làm tôi bật ngửa ra bộ ván. Tôi chưa kịp phản ứng, chống cự gì thì người nhũn ra bồng bềnh như giấc mơ gặp cọp đêm rồi. Có điều cọp đực trong mơ thì cắn còn chú lại hôn. Nước mắt tủi cực tôi trào ra…
Khi việc xong rồi, bên cạnh chân giả của chú Toản, tôi ngồi khóc một mình nơi bộ ván.
Chiều ấy đi rẫy về, thấy mắt tôi đỏ hoe bên chân giả, mẹ hỏi tôi bảo đau… chân, rồi vô tình buột miệng “Tại mẹ hết !”.
Và đêm đó tôi nằm mơ thấy cọp. Cọp đực. Nó lẩn khuất trong cánh rừng sau nhà tôi lúc gần lúc xa. Khi gần đến cọ quẹt âu yếm tựa mèo nhà, xa lại gầm gừ nhe răng như từ cuối đường mơ tưởng. Tôi thức giấc thì ra con mèo đến nằm ngủ trong lòng tôi. Tôi ôm con mèo, không ngủ lại được trong nỗi buồn mông mênh với sự lo âu về nông nỗi đời mình.
Hai hôm rồi tôi chưa gặp chú Toản. Xế nay, tình cờ thấy mẹ khóc âm thầm một mình nơi chái bếp, tôi vội chạy sang dì Bảy thì con Thơm cho hay chú vừa ra đi. Và có lẽ không bao giờ trở lại. Chỏng chơ bên góc sân nhà vẫn còn những tủ con, giường nhỏ ngổn ngang!
Chú Toản ra đi vào chiều cuối đông hoe nắng.
Chẳng biết mẹ và chú đã nói với nhau những gì? Thảo nào hai hôm nay ánh mắt mẹ tôi có gì khang khác. Buồn và sâu thăm thẳm. Và cũng hai hôm nay mẹ không hát câu nào. Chân cẳng như tôi thì làm sao đuổi theo chú. Đuổi theo cho mẹ hết buồn ư ? Hơn nữa làm sao giữ cọp lại khi cánh rừng đã động, nó cương quyết ra đi ! Tôi gượng ra rẫy. Chiều lênh loang nắng và chẳng hiểu sao tôi bỗng ngồi khóc ở đấy một mình. Khóc đến thoả thuê.
***
Bây giờ thì mẹ tôi đã mất, em Từ cũng đã lập gia đình. Tôi mấy lần thay chân giả và vẫn còn độc thân. Cái chân chú Toản làm dạo nào, đi cà nhớm cà giựt như kim đồng hồ điện nhảy, tôi cất sâu trên chái bếp như chôn đi buồn tủi đầu đời. Vợ chồng Từ nhiều bận kêu đến ở cùng em, phòng khi trái gió, trở trời, nhưng tôi đều từ chối. Tôi vẫn ở túp lều cũ của mẹ, bên xóm Núi và cánh rừng xưa.
Những năm sau này, nói cho đáng tôi cũng trải qua dăm ba cái gọi là cuộc tình, nhưng đều tan vỡ. Họ hầu hết đều ham hố, nóng vội; số ít khác có sự trân trọng, ân cần thì chính sự tật nguyền tôi đã làm họ không còn là đàn ông, vào thời điểm đáng ra nên “cọp” nhất. Vì vậy, hạnh phúc của tôi so với những phụ nữ lành lặn khác là khó kiếm gấp nhiều lần.
Giờ tuy đã cứng tuổi nhưng vào những chiều vàng hoe nắng, tôi vẫn sửa soạn sạch sẽ chiếu giường, mong trong giấc mơ mình có cơ may gặp cọp. Để hy vọng biến cố nào đó, cuộc đời đưa đẩy gặp được kẻ thật lòng yêu thương mình. Yêu thương cả người lẫn thương tật của tôi.
Truyện ngắn của LÊ NGUYÊN NGỮ