Danh nhân Nguyễn Trọng Thuật và nỗ lực xây dựng nền văn hoá đậm bản sắc dân tộc

Danh nhân - Ngày đăng : 10:14, 17/06/2011

Sinh ra ở vùng đất Nam Sách (Hải Dương), Nguyễn Trọng Thuật được biết đến là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa tài năng. Ông có xu hướng xây dựng nền văn hoá đậm bản sắc dân tộc.


Bìa tiểu thuyết Quả dưa đỏ của danh nhân Nguyễn Trọng Thuật

Nguyễn Trọng Thuật sinh năm Quý Mùi (1883), tại làng Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm, nay thuộc thị trấn Nam Sách (Hải Dương). Ông sinh trưởng trong một gia đình nho học, thân phụ vốn giỏi về y học, được làm Điều hộ, một chức quan trông coi về y tế thời Nguyễn.


Khi 24 tuổi ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục. Phong trào thất bại, ông ra Cẩm Phả làm phu mỏ, rồi tìm đường sang Trung Quốc bắt liên lạc với cách mạng, nhưng không thành. Ông quay về dạy học ở Cẩm Phả, Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách. Năm  1920, ông ra Hà Nội, mở hiệu sách, viết báo cho các tờ Nam Phong, Đuốc Tuệ, rồi làm chủ bút báo Đông Thanh. Ông tham gia Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông chuyên tâm viết báo, dịch sách và nghiên cứu đạo Phật. Ông là hội viên Hội Khai trí tiến đức. Năm 1925, tác phẩm Quả dưa đỏ của ông được giải nhì về văn chương.

Nguyễn Trọng Thuật là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tinh thông Nho Phật. Tiếc thay ông lâm bạo bệnh và qua đời ngày 25-2-1940 tại Hà Nội, hưởng thọ 57 tuổi. Trên văn đàn Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, Nguyễn Trọng Thuật cùng với Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách là những nhà văn đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ. Ông còn soạn Danh nhân Hải Dương đăng trên Nam Phong tạp chí. Ông là người dịch và giới thiệu đầu tiên tập Thượng kinh lý sự của Lê Hữu Trác và một số tác phẩm văn học Trung Quốc. Ông còn có nhiều thơ in, nhiều bài được tập hợp in trong tập Thơ ngụ ngôn.

Từ sáng tác tiểu thuyết, thơ cho đến biên khảo và dịch thuật, tất cả toát lên tinh thần tự hào dân tộc của ông. Ông muốn nỗ lực góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hoá mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Ông luôn giữ vững khí tiết của kẻ sĩ, dù trong hoàn cảnh nghèo túng vẫn kiên quyết xa lánh danh lợi.

Các tác phẩm của ông có: Quả dưa đỏ, Việt văn tinh nghĩa (1928); Thơ ngụ ngôn (1928), Danh nam Hải Dương, Khảo về Xuân Thu tả truyện, Phật giáo tân luận, Bình luận Khoá hư lục, Trùng dương quái kiệt (tiểu thuyết, đã thất lạc). Hán Việt ngụ ngôn diễn ca và Thượng kinh ký sự, dịch từ Hán văn của Hải thượng Lãn Ông được in trên báo Nam Phong.

Nhận xét về tác phẩm Quả dưa đỏ,  nhà văn Vũ Ngọc Phan khẳng định: Ai cũng phải nhận rằng Nguyễn Trọng Thuật là một nhà văn có chí hướng, lúc nào cũng muốn cho văn chương Việt Nam có cái đặc tính Việt Nam...Có một điều nên biết là Đông Dương tạp chí, chưa có truyện dài do người Việt Nam soạn và Nam Phong tạp chí cũng thế, phải đợi cho đến khi Quả dưa đỏ của ông ra đời mới có truyện dài do người Việt Nam viết để đăng, còn trước kia người ta chỉ đăng toàn tiểu thuyết dịch, thỉnh thoảng mới có một vài truyện ngắn viết. Như vậy, trong buổi đầu, thật có rất ít người Nho học lại có óc sáng kiến như Nguyễn Trọng Thuật.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân thì cho rằng: Với tác phẩm Quả dưa đỏ, Nguyễn Trọng Thuật được coi là một trong những nhà văn tiên phong viết tiểu thuyết bằng Quốc ngữ ở miền Bắc.

(Tổng hợp)