Bác Hồ với báo chí

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 19/06/2011

Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì đó mà ai không nắm được luật mật mã thì không hiểu được, không đọc được. Bây giờ làm báo thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được.


Phải viết cho ai cũng hiểu được


Hồi ở chiến khu Việt Bắc, một lần Bác gọi nhà báo Quang Đạm vào cho ý kiến để viết bài. Bác hỏi: "Chú làm gì?". Nhà báo Quang Đạm trả lời: "Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo. Thời kỳ ở Cục Thông tin Bộ Tổng tham mưu cháu chuyên làm mật mã". Bác nói: "Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì đó mà ai không nắm được luật mật mã thì không hiểu được, không đọc được. Bây giờ làm báo thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được".

Viết báo cũng như trồng rau

Nhà báo Trần Quang Huy trong thời kỳ phụ trách báo Nhân Dân (1951 - 1954) đã nhiều lần gặp Bác Hồ, kể lại: Có lần cơ quan Báo Nhân Dân chuyển đến một nơi ở mới, trên nền nhà sàn đã dỡ đi, đất để trống, anh em đem hạt rau cải vãi vào đó. Được chăm sóc kỹ và là chỗ đất tốt, cây cải bốc lên nhanh và rất to, khi thu hoạch, anh em bàn với nhau mang sang biếu Bác Hồ 2 cây cải to. Anh em trình bày với Bác. Bác cười và nói:

- Các chú làm báo cũng như trồng rau. Phải chọn chỗ trồng  cho rau to. Phải chọn vấn đề, chọn chỗ, chọn việc mà viết báo. Có thế công tác báo chí mới phát triển.

Trị cái gì? Sự cái gì?


Bác Hồ không ưa lối dùng chữ nước ngoài để nói hoặc viết, trong khi có thể dùng chữ nước mình. Năm 1951, Bác thăm Báo Nhân Dân, bấy giờ đang “đóng quân” tại Bắc Cạn. Bác đi vào một căn buồng làm bằng tre nứa, thấy mọi người ngồi, Bác hỏi: “Chú làm việc gì?”.
- Thưa Bác, làm trị sự ạ.
Bác lại hỏi:
- Trị cái gì? Sự cái gì?
 Anh cán bộ không hiểu chữ “trị, sự” là gì, cũng không hiểu ý Bác phê bình “dốt hay nói chữ” nên “thật thà” thưa:
-  Dạ, trông nom việc in và phát hành báo ạ...
Bác không nói gì, đi ra...
Mấy chục năm sau, số cán bộ đi theo Bác năm ấy mới “hiểu” ra được vì sao Bác không nói gì, không cần nói gì nữa, vì chính người nói “trị sự” cũng chẳng hiểu mình “trị” cái gì, “sự” cái gì?

Không thể thiếu chất ớt

Ngay trong các chi tiết bài báo, đầu đề, văn phong, Bác cũng thường xuyên góp ý với Ban Biên tập Báo Nhân Dân. Lúc mới về Thủ đô (1945), cơ quan còn đóng ở Đồn Thủy - một buổi tối Bác đi dạo đến Tòa soạn. Bác nói chuyện với các phóng viên báo về cái hay và cái buồn cười còn thấy ở Hà Nội, rồi Bác nói về nghệ thuật viết báo, đại ý "có phải các chú ăn cơm có tí ớt mới thấy mặn mà không? Mỗi bài báo cũng vậy, phải có ớt mới thấy tránh khỏi khô khan, nhạt nhẽo".

BÙI VŨ LIÊM - TẤN ĐỜI(st)