Môn nghệ thuật dân gian độc đáo
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 07:59, 26/06/2011
Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ I thực sự là cuộc hội ngộ, tôn vinh nghệ thuật múa rối cổ truyền dân gian cả nước, sự kiện văn hóa độc đáo, đặc sắc để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Tiết mục rối Tễu giáo đầu của phường rối Nguyên Xá (Thái Bình)
Tại liên hoan đã có trên 100 tích trò mang đậm nét dân gian được biểu diễn thông qua hình ảnh con rối rất sinh động, hấp dẫn. Các nghệ nhân phường rối Thanh Hải (Thanh Hà) mang đến liên hoan 9 tiết mục rối đặc sắc nhất của mình như: rồng đốt lá đề, ngựa chiến trên giàn sóc, sự tích hồ Gươm... Phường rối Bùi Thượng (Gia Lộc) thì chọn mang đến liên hoan 14 tiết mục: rước ảnh Bác Hồ, lân trạnh càu, trồng cây ơn Bác... Phường rối Hồng Phong (Ninh Giang) độc đáo với các tiết mục: múa rắn, quy đốt lá xúy, cắm cờ hội, múa tứ linh... Công tác chuẩn bị đã được triển khai từ hàng tháng trước đó. Các đoàn rối được hỗ trợ bảo đảm các điều kiện đi lại ăn ở. Về địa điểm, múa rối nước được biểu diễn tại Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước, múa rối cạn được biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Liên hoan lần này rất thành công và thu hút hàng chục nghìn lượt người xem.
Bác Phạm Thị Hoàn, 68 tuổi, ở TP Hải Dương cho biết, sau khi xem xong tiết mục cáo bắt vịt của phường rối nước Nhân Hòa (Hải Phòng): "Thật độc đáo và đặc sắc. Mỗi trò đều có ngụ ý và câu chuyện, các con rối được làm sống động như thật. Qua đây mới thấy ông cha ta tài tình". Từ hôm khai mạc liên hoan đến nay hôm nào bác Hoàn cũng đi xem. Cùng đi với bác Hoàn còn có 4 cô cháu gái dưới 10 tuổi. Chỉ cần nhìn nét mặt rạng rỡ của 4 cô bé khi xem các tích trò rối cũng đủ thấy sự lôi cuốn, hấp dẫn của môn nghệ thuật này. Bé Vũ Thị Bảo Ngọc, 9 tuổi, không giấu nổi sự phấn khích khi xem tiết mục "bật cờ", "tễu giáo đầu" và "nhi đồng hý thủy". Bảo Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên cháu được bố dẫn đi xem múa rối. Cháu không nghĩ trên mặt nước các con rối có thể làm được nhiều trò hay vậy. Anh Vũ Kim Hoàn, bố Bảo Ngọc nói: Trẻ em giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với các môn nghệ thuật giải trí hiện đại như phim ảnh song chúng lại ít có cơ hội hiểu về nghệ thuật dân gian. Nhân liên hoan tôi đưa cháu đi xem để cháu có được những cảm nhận về loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình.
Quả vậy, múa rối là môn nghệ thuật dân gian độc đáo mà ông cha ta đã sáng tạo ra. Nó là sự hội tụ của tài năng, kỹ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa dân gian... Quân rối được tạo hình bằng loại gỗ nhẹ, dai thớ như sung, vông... vốn rất sẵn quanh các bờ ao. Tiết mục rối nước gần gũi với văn minh lúa nước, bao gồm các trò ca ngợi cái thú làm ruộng, chăn vịt, đánh cá, dệt cửi, xay lúa, giã gạo; các trò vui chơi giải trí như đấu vật, đánh đu, leo cây, lộn thang, múa lân, múa rồng, đánh kiếm; các tích trò nêu gương anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Lê Lợi; các vở chèo, chuyện cổ tích...
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Múa rối ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng và đến nay chủ yếu được gìn giữ trong dân gian. Tuy nhiên hoạt động của các phường múa rối vẫn mang nặng tính tự phát. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trong một thời gian dài chưa có định hướng cho các phường rối hoạt động. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức được Liên hoan Múa rối dân gian quy mô toàn quốc. Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, phường rối giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản của cha ông. Thông qua liên hoan, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đánh giá được mặt bằng, chất lượng nghệ thuật Múa rối dân gian, kết quả bảo tồn môn nghệ thuật này tại các phường rối, từ đó tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương có các giải pháp bảo tồn và phát huy. Một điểm quan trọng khác, liên hoan sẽ tạo cú hích thổi bùng khát vọng sáng tạo, đam mê của các nghệ nhân rối dân gian, giúp họ dồn tâm huyết, thời gian, đầu tư về cơ sở vật chất để tiếp tục giữ gìn phát triển môn nghệ thuật này. Cái được trong liên hoan lần này là bản thân những người nông dân, những nghệ nhân có cơ hội được đem tài năng thể hiện trên sân khấu. Hầu hết các tiết mục rối tại liên hoan vẫn giữ được tính nguyên gốc của những trò rối dân gian. Bên cạnh đó, các phường rối đã có sự sáng tạo về kỹ thuật, âm nhạc, tích trò tạo nên các tiết mục mới hấp dẫn phản ánh đời sống đương đại, một số tiết mục còn tái tạo truyền thống đấu tranh cách mạng như tiết mục giải phóng Điện Biên. Các tiết mục múa rối đều mang tính giá trị nhân văn sâu sắc và tính giáo dục cao, đặc biệt với khán giả nhỏ tuổi. Sau khi hoàn thành phần thi Nghệ nhân Trần Văn Phước, Trưởng đoàn rối Nhân Hòa (Hải Phòng) cho biết: Chúng tôi đã có chương trình biểu diễn thành công. Phường rối chúng tôi chủ yếu phục vụ khách tham quan du lịch nước ngoài nên liên hoan lần này là cơ hội tốt để chúng tôi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi các phường rối bạn. Từ liên hoan chúng tôi đã rút ra nhiều điều và tới đây sẽ áp dụng để cải tiến các chương trình biểu diễn của mình.
Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ I thực sự là cuộc hội ngộ, tôn vinh nghệ thuật múa rối cổ truyền dân gian cả nước, sự kiện văn hóa độc đáo, đặc sắc để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả Hải Dương.
Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc diễn ra từ 13 đến 18-6, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức. Tham dự liên hoan có 11 phường rối nước và 4 phường rối cạn đến từ các tỉnh Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương. Ở tỉnh ta, có các phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà), Hồng Phong (Ninh Giang) và Bùi Thượng (Gia Lộc). |
NGỌC HÙNG