Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Tứ Kỳ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:59, 27/06/2011

Khó khăn lớn trong xây dựng nông thôn mới ở Tứ Kỳ là vốn, trong khi kiến trúc ở nông thôn rất lộn xộn, chắp vá, một số xã thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, cơ sở vật chất... còn nhiều khó khăn.



Bộ mặt nông thôn xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) tuy có nhiều đổi thay, nhưng để đạt đủ 19 tiêu chí
 nông thôn mới thì còn không ít khó khăn, thử thách


Minh Đức là một trong 6 xã của huyện Tứ Kỳ được lựa chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Mặc dù là xã có sự phát triển nhanh và khá toàn diện trong mấy năm gần đây, nhưng đối chiếu với bộ tiêu chí về xây dựng NTM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa ra thì đến nay, Minh Đức mới chỉ đạt 4 trong tổng số 19 tiêu chí. Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong xây dựng NTM, Minh Đức gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, xã đã khảo sát, lập xong quy hoạch, nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Cơ sở hạ tầng của xã còn kém: trụ sở UBND xây dựng từ lâu, đã xuống cấp; một số phòng học và nhà hiệu bộ của trường THCS vẫn còn là nhà cấp 4. Xã chưa có chợ nông thôn đạt chuẩn. Hệ thống giao thông liên xã, kênh mương tỷ lệ kiên cố mới đạt từ 50-60%. Xã đã quy hoạch được nghĩa trang nhưng không có kinh phí xây dựng. Hiện tại, các tổ thu gom rác thải của xã hoạt động 3 buổi/tuần nhưng chưa có bãi rác. Thu nhập trung bình đầu người năm 2010 đạt 9,2 triệu đồng, thấp hơn mức chung của tỉnh...

Khó khăn của Minh Đức cũng là khó khăn chung của huyện Tứ Kỳ trong việc xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, Tứ Kỳ đã tiến hành rà soát các xã, thị trấn để đối chiếu với bộ tiêu chí do Bộ NN- PTNT ban hành. Đến nay, có 11 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên, riêng xã Hà Thanh mới chỉ đạt 1 tiêu chí. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn cho xây dựng NTM, toàn huyện cần tới trên 1.385 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã phải tìm nguồn. Cơ sở chủ yếu "trông" vào việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng không phải xã nào cũng có quỹ đất hoặc tổ chức đấu giá đất thành công. Hiện nay, kiến trúc ở nông thôn rất lộn xộn, chắp vá, một số xã thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn. Huyện mới có 58% đường giao thông liên xã, 87% đường liên thôn và 36% đường ra đồng được kiên cố hóa. Hệ thống kênh mương, đê điều, thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả cần phải quy hoạch lại một số vùng và cải tạo máy móc, nâng cấp các công trình thủy lợi. Đến nay, chỉ có xã Quang Phục và Hà Kỳ xây dựng được chợ mới, 12 xã chưa có diện tích đất chợ, các chợ còn lại đã xuống cấp. Hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, các chất thải của các trạm y tế xã, phòng khám tư chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải song chưa đồng bộ, xử lý chưa triệt để, rác thải công nghiệp còn chôn lấp cùng rác thải sinh hoạt. Một số đơn vị tận dụng tập kết chất thải (gạch, ngói, tấm lợp xi-măng...) nhưng không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như: phụ phẩm, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được thu gom nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vẫn còn diễn ra khá phổ biến tại các địa phương. Tại các khu dân cư, hệ thống tiêu thoát nước đã có từ những năm trước, chủ yếu dưới hình thức tự chảy, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ứ đọng cục bộ vào mùa mưa bão và gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện vẫn còn ở mức cao, 41,86%. Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện chậm, gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2010 mới đạt 11,5 triệu đồng/người, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh 6,5 triệu đồng.

 Huyện Tứ Kỳ phấn đấu đến năm 2015 có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt trên 50% tiêu chí. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, huyện Tứ Kỳ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò trách nhiệm của các đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, những chủ trương, nội dung và giải pháp thực hiện xây dựng NTM; huy động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Tứ Kỳ tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, cụm công nghiệp và quy hoạch chuyên ngành theo vùng. Nâng cấp, cải tạo 9 km đường của 6 xã gồm: Minh Đức, Tứ Xuyên, Hưng Đạo, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Hà Kỳ đạt chuẩn. Nâng cấp một số tuyến đường cũ đã xuống cấp, cải tạo mới 61,8 km đường thôn, xây dựng 13 km đường ngõ, xóm còn lại bảo đảm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, xây dựng 122 km đường giao thông nội đồng đạt tiêu chuẩn của Nhà nước. Xây dựng mới trạm bơm Quảng Giang II, Hà Hải; cải tạo, nâng cấp trạm bơm Cầu Dừa, Bình Cách, Đò Bía, Tân Kỳ. Xây mới 16 km kênh chính và nạo vét 21,4 km kênh dẫn tưới tiêu. Tiếp tục kiên cố hóa kênh cấp 3 do các địa phương quản lý với tổng chiều dài 182 km. Nâng cấp các chợ đang hoạt động, chú trọng các hạng mục như hệ thống vệ sinh, cấp thoát nước, các kiốt bán hàng, nhà ban quản lý chợ và trang bị phương tiện phục vụ phòng, chống cháy nổ. Ưu tiên xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ đầu mối về tiêu thụ nông sản, hàng hoá. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, mùa vụ, thực hiện đầu tư thâm canh áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm tăng nhanh năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác và quan tâm trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hình thành các vùng chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư nhằm phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp và an toàn dịch bệnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ phát triển trên địa bàn nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm sử dụng nhiều lao động.

THANH HÀ