Làm giàu từ nhựa phế liệu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:53, 01/07/2011
Mạnh dạn đầu tư xưởng nhựa tái chế, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Thanh thu lãi hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-25 lao động với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng...
Từ thu gom nhựa phế liệu, anh Thanh lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Năm 1999, anh Thanh quyết định vay mượn người quen mua máy sơ chế nhựa và mở đại lý thu gom phế liệu ngay tại gia đình. Những ngày đầu, trên chiếc xe đạp cà tàng, anh đi khắp nơi thu mua phế liệu. Nguồn hàng khan hiếm, để có hàng, anh phải đặt tiền trước. Trong công việc, anh luôn giữ chữ tín, trở thành khách hàng quen thuộc của các đại lý thu gom phế liệu ở các huyện như Tứ Kỳ, Thanh Miện, Bình Giang, Cẩm Giàng, Ân Thi (Hưng Yên)... Lưng vốn mỏng nên bán hàng tới đâu, anh lại quay vòng vốn đầu tư mua nguyên liệu ngay tới đó. Sau hơn 1 năm mở đại lý thu gom và tái chế nhựa phế liệu, có thu nhập khá, cuộc sống gia đình anh cũng đỡ vất vả hơn. Sau hơn 6 năm làm nghề thu gom phế liệu, diện tích nhà không đủ để chứa hàng, mặt hàng rác thải dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới hàng xóm. Có lúc anh định bỏ dở công việc để đi xuất khẩu lao động.
Cuối năm 2005, nhận thấy khó khăn về mặt bằng là trở ngại lớn trong sản xuất, kinh doanh của gia đình anh Thanh, UBND xã Thống Nhất đã tạo điều kiện cho anh thuê lại khu ruộng cấy lúa kém hiệu quả xây dựng nhà xưởng. Bao nhiêu vốn liếng tích góp, anh Thanh bỏ ra đầu tư đền bù, san lấp mặt bằng. Năm 2006, xưởng với tổng diện tích trên 1.200m2 chính thức đi vào hoạt động. Anh cũng đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Đến nay, xưởng của anh đã đi vào hoạt động ổn định, với tổng số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 500 triệu đồng. Không chỉ giải quyết công việc cho mọi người trong gia đình, xưởng của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 25 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Thanh tâm sự: Tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp các bạn trẻ ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn, được thuê đất phát triển sản xuất, kinh doanh, để họ có thể làm giàu trên chính quê hương mình”.
TÂM PHÚC