Đừng vô cảm với người bị tai nạn giao thông

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 14:48, 01/07/2011

Cứu người khi gặp tai nạn giao thông là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động nghĩa hiệp. Hy vọng mọi người đều hiểu và thực hiện được điều đó để góp phần xây dựng một xã hội cộng đồng văn hóa, văn minh.

Tai nạn giao thông có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhưng nhiều nhất vẫn ở trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông. Trong những vụ tai nạn đó, không ít những cái chết thương tâm đã xảy ra do nạn nhân không được cấp cứu đúng cách, kịp thời...

Đầu tháng 11 - 2010, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 5 (địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), người bị tai nạn đau đớn, quằn quại trong bê bết máu. Vì sự hiếu kỳ, những người tới xem vây quanh ngày một đông nhưng không ai dám đụng tay vào giúp đỡ. Buồn thay, một số người còn thì thầm hỏi nhau về tuổi của nạn nhân để tính nước "làm con lô, con đề...". Khá lâu sau, cơ quan chức năng mới xuất hiện, nhưng nạn nhân đã tắt thở từ lúc nào. Hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp như trên diễn ra hằng này, ở bất cứ nơi đâu và nhiều tính mạng có thể sẽ được cứu nếu người dân biết cách ứng cứu kịp thời, phù hợp.

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, xuất phát từ sự thờ ơ, vô cảm của một số người mà nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra, có người sợ liên lụy đến bản thân. Có người cho rằng, việc giải quyết đã có cơ quan chức năng..., cũng có nhiều người  muốn đứng ra cứu giúp người bị nạn nhưng lại không biết phải làm thế nào...

Để thay đổi nhận thức, khắc phục sự vô cảm, nâng cao trách nhiệm của mọi người mỗi khi gặp tai nạn giao thông, các cấp, các ngành liên quan cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của đông đảo người dân với cộng đồng. Đối với gia đình, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cái, cùng con cái tham gia vào các hoạt động xã hội như: ủng hộ những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, những người bị lũ lụt... Như vậy, sẽ giúp hình thành cho trẻ tình cảm gắn kết với cộng đồng, biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Đối với nhà trường, bên cạnh việc trang bị tri thức cần đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức làm người cho học sinh. Đồng thời hình thành cho các em những kỹ năng khi xử lý các tình huống thông qua các buổi tọa đàm, hoạt động ngoại khóa, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên với học sinh hoặc thông qua các buổi thực hành với những tình huống cụ thể do nhà trường tổ chức. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở các địa phương, đặc biệt là các khu vực dân cư có đường giao thông đi qua, cần xây dựng ý thức trách nhiệm ứng xử khi gặp tai nạn giao thông nói riêng; tổ chức những buổi tập huấn, học tập về cách ứng xử khi gặp tai nạn giao thông trong từng trường hợp cụ thể... Cứu người khi gặp tai nạn giao thông là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động nghĩa hiệp. Hy vọng mọi người đều hiểu và thực hiện được điều đó để góp phần đem lại hạnh phúc cho người khác, xây dựng một xã hội cộng đồng văn hóa, văn minh trong ứng cứu tai nạn giao thông.

PHẠM NHƯ HÙNG(Hà Nội)