Làm dâu

Truyện ngắn - Ngày đăng : 15:28, 05/07/2011


Minh họa: Văn Hà


Từ lâu rồi chị chưa về quê chồng chỉ vì vết hằn năm cũ chưa phai mờ trong ký ức. Ngày về làm dâu nhà họ Đoàn, chị đã khóc cạn nước mắt. Nếu chị không vì yêu anh tha thiết, không vì sự động viên, an ủi của anh thì chị đã bỏ về thành phố từ những ngày đầu tiên sống ở nhà chồng.

Nhà anh ở mom sông, một bên là đồng lúa hun hút, đêm đêm đom đóm lập lòe, côn trùng ra rả như oan hồn khiến chị sợ hãi và nhớ nhà quay quắt. Ban ngày, chỉ một cơn mưa thôi là đường sá nhão nhoét, đi lại lơ mơ ngã chổng vó. Biết phận làm dâu, trời chưa rõ mặt người, chị đã bật dậy quét lá sàn sạt ngoài vuông sân, quần xắn tận gối, xách nước giội chuồng lợn rào rào. Rồi bao công chuyện khác bủa vây chị. Đã thế chị chồng còn bóng gió xa xôi:
Con dâu báo hiếu mẹ chồng
Nấu canh lưỡi rồng nêm ớt cho cay    

Bữa nọ, chị ngồi bới cơm cho cả nhà, cha chồng húp canh, ông nhăn mặt, dằn chén xuống mâm, quát: “Đứa nào nấu canh?”. Chị giật mình đánh thót, lí nhí: “Dạ, con nấu ạ!”. Ông cụ mặt giận hầm hầm, ném cái nhìn về phía con trai: “Thằng Ba, vợ mày nên quá hở?”. Chị húp ngụm canh mặn đắng đầu lưỡi, mặt tái đi. Chị nhìn anh, nước mắt chực trào ra, nuốt miếng cơm không muốn trôi. Ai là thủ phạm bỏ muối vào xoong canh, chị đã rõ mười mươi. Buổi chiều. Chị trốn ra bờ sông ngồi khóc một mình. Anh đi tìm, lau nước mắt, vỗ về: “Hãy cố nhường nhịn em à. Rồi nay mai chị ấy cũng lấy chồng”. Chị thương anh, đau đáu chờ đến cái ngày như anh nói, nhưng cứ xa vời vợi. Nhiều đêm chị trằn trọc không hiểu vì sao cùng là đàn bà với nhau mà chị chồng của chị lại điêu ngoa, thành kiến với chị quá quắt như thế. Cái ác tiềm ẩn ở đâu? Vì sao con người ta phải xử ác với nhau cơ chứ?

Chị chồng là gái lỡ thì, nhưng vẻ đẹp còn mặn mòi lắm. Một thân hình thon thả, tóc xõa lưng ong, mặt đẹp như ngọc, chỉ phải tội vành môi hơi dày. Một lần trong đêm trăng, tình cờ chị nhìn thấy chị chồng tắm ngoài giếng. Chị ngẩn người trước vẻ đẹp thuần khiết của người thôn nữ.

Theo lời anh kể, ngày trước chị của anh cũng có mối tình nồng thắm với người con trai làng bên. Anh chàng lực điền nhờ người đến dạm hỏi cô con gái rượu của thầy Bảy. Cha anh cười: “Thằng nào muốn lấy con gái của ông thì phải gấm lót đàng, vàng lót ngõ”. Anh chàng lực điền kia biết người ta chê mình nghèo, quẫn chí bỏ làng ra đi biền biệt.

Ngoài công việc nội trợ hằng ngày, thi thoảng chị còn giúp cha chồng viết vào những mảnh giấy cỏn con ngày, giờ cưới xin, cất nhà, vét giếng… Cha chồng chị thì suốt ngày giương mục kỉnh, tay thấm nước bọt lật từng trang sách mỏng dính đã ngả sang màu ố vàng, tỉ mẩn đối chiếu ngày, giờ, cung mạng… cho thân chủ của ông. Thật ra đây là công việc của bà chị chồng. Hôm nào bà chị đi vắng, chị mới làm thay. Có lần chị chồng vụt khen: “Mợ Thủy viết chữ đẹp hén. Cô giáo có khác”. Chị cười bẽn lẽn muốn khen lại một câu, nhưng nghĩ sao lại thôi. Kể ra chữ của chị chồng không bay bướm, song tròn trịa, dễ thương ra phết. Mấy lần chị nhìn chăm chú bàn tay cầm bút nắn nót viết của chị chồng. Những ngón tay trắng muốt, thon thả đeo đầy nhẫn vàng. Tình cờ chị nhìn thấy chị chồng nhoẻn cười kiêu hãnh. Chị không hiểu nụ cười ấy tự mãn vì bàn tay đẹp, nét chữ đẹp, hay vì đeo nhiều nhẫn vàng đẹp. Dù gì chị chồng vui lên là chị đỡ khổ.

Hằng ngày, chị chồng lo thu tiền vuốt phẳng phiu từng tờ một, cất kỹ vào chiếc hộp gỗ đen mun. Chị chồng bẳn tánh bao nhiêu thì cha chồng khó tánh bấy nhiêu. Ngày nào coi ngày, giờ được bao nhiêu người, bao nhiêu tiền, cha chồng chị yêu cầu con gái nhất nhất ghi chép cẩn thận vào sổ. Cuối tháng, cha chồng tra xét lại, một phần chi dùng cho gia đình, còn của dư, của để giao hẳn cho cô con gái sắm vàng cất giữ. Một hôm, không hiểu bà chị tính toán sổ sách vòng vo thế nào bị cha mắng sa sả: “Mi là đồ con gái hư, ăn phí cơm. Tao mà biết mi ngu đần thế này thì hồi còn bé tao bóp mũi đi cho rồi”. Trông bà chị quen cái thói hạnh họe, chanh chua, giờ bị mắng mỏ khóc sướt mướt, chị hả hê trong lòng.

Năm ấy, tự dưng bướm vàng từ phía núi bay ra thành đàn nối đuôi nhau dài dằng dặc suốt mấy ngày liền. Sáng nào xong công việc chị cũng đứng bên hàng râm bụt đỏ hoa xem bướm vàng bay rợp trời, lòng bồi hồi nhớ đến anh, nhớ bao kỷ niệm thời thơ ấu. Anh đi học ở xa, việc nội trợ, việc đồng áng đều do một tay chị cáng đáng. Cha và chị chồng thì miệt mài với cái nghề coi ngày giờ hái ra tiền.

Thế rồi vào một sáng, chị đang quét lá ở cuối vườn chợt nghe chị chồng khóc la ầm ĩ. Chị linh cảm có chuyện chẳng lành, vội lao vào nhà. Bà chị chồng ôm chầm lấy chị khóc ngất: “Mợ Ba ơi! Cha mất rồi!”. Đó là lần đầu tiên bà chị thể hiện tình cảm chân thật với chị. Chị sụt sịt khóc, gỡ tay chị chồng, bước lại bên giường, giở chiếu, đặt tay lên trán cha chồng. Xác ông đã lạnh ngắt. Có lẽ ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc nửa đêm. Chị biết từ lâu không nói ra, nhưng cha chồng cũng thương chị chịu thương chịu khó. Tánh ông nghiêm khắc ngay cả với con cháu. Nho giáo đã thấm sâu vào máu thịt ông và con gái. Kể ra hiếm có người đàn ông nào vợ mất sớm lại chịu cảnh gà trống nuôi con đến cuối đời như cha chồng chị. Nhìn ông nằm đó, nghĩ đến đời người, chị thấy xót xa. Người sống là hiện thân cụ thể nhất: đi lại, ăn nói, vui buồn… thậm chí tranh giành, hãm hại lẫn nhau để đạt được mục đích, mưu cầu lợi ích cuộc sống. Khi nhắm mắt xuôi tay chẳng ai mang theo được cái gì cả.

Anh về bệu bạo khóc. Chị và hai đứa con ngồi cạnh quan tài cha chồng, khóc dấm dứt. Chị không biết cách kể lể như chị chồng; chị ta khóc có dây có dải: “Cha ơi! Mẹ mất sớm, cha ở vậy nuôi con. Lúc con ngủ, cha không dám bước mạnh chân, may quần áo mới, cha không dám mặc, món ăn ngon cha dành hết cho con… sao cha bỏ con mà đi cho đành cha ơi! Là cha ơi!”. Tiếng khóc của chị chồng nghe ai oán, rung động tâm can mọi người, lấn át tiếng nhạc bát âm nức nở âm hưởng tang tóc, mùi trầm hương ngút ngát. Chị đã xem qua mấy đám ma. Đám ma nào có nhiều con cháu xúm xít khóc than thì thiên hạ khen là gia đình có phúc. Ngược lại, đám ma nào ít người khóc kể thì người ta sinh ra đàm tiếu, nào là: “Chết mà con cháu không rơi lấy giọt nước mắt… Ở ác không ai thương…”. Với chị, tình thương đối với người đã khuất khắc sâu vào tim óc. Khối kẻ cha mẹ lúc còn sống thì bạc đãi, khi chết thì gào khóc, kể lể che mắt thế gian.

Mãn tang cha chồng, vợ chồng chị mua nhà ở thành phố xin ra riêng. Chị chồng ngờ chị xúi bẩy, mắng chị như tạt nước lã vào mặt: “Tao nói cho mà biết, mi là con em dâu bạc nghĩa, bạc tình. Mi xúi giục chồng bỏ quê cha, đất tổ. Thằng Tánh, nó u mê nên mới nghe lời mi. Nó không hiểu thà sống chuồng lợn còn hơn theo quê vợ”. Chị ta còn gằn mạnh từng lời: “Ba con chưa gọi là chồng, thằng Tánh chưa hẳn ăn đời, ở kiếp với mi, hãy nhớ lấy!”. Chị sôi máu, nhưng đành câm lặng, uất ức xách gói ra khỏi nhà. Chị thề sẽ không bao giờ trở lại quê chồng.

Các con bận đi học xa, anh chị hối hả đón xe về quê. Dọc đường mỗi người đeo đuổi dòng hoài niệm riêng. Chắc anh đau lòng lắm. Nhìn gương mặt rầu rầu của anh, chị đủ hiểu. Nhà có hai chị em, giờ chỉ còn lại mình anh. Bao năm rồi mỗi lần đến giỗ chạp chị mua các thứ cho cha con anh mang về quê. Sự hờn giận đối với chị chồng cũng đã nguôi ngoai, song chị lại có mặc cảm, ngại ngùng khi tiếp xúc với bà con hàng xóm nên do dự chưa về. Mỗi lần cha con anh dắt díu nhau mang bánh trái ra bến xe, anh đều nói duy nhất một câu: “Em giận chị Hai dai quá!”. Chị thường tránh cái nhìn buồn bã của anh: “Khi nào chị Hai qua đời, em sẽ về chịu tang”. Nói thì nói vậy, nhưng thâm tâm chị dự định một ngày gần nhất chị sẽ về nối lại tình cảm chị em. Vậy mà không kịp… “Chị Hai ơi! Vong linh chị hãy tha thứ cho đứa em cố chấp, bạc bẽo này”. Anh ngồi bên cạnh đâu hiểu cơn bão lòng đang dâng lên từng đợt sóng gió cồn cào trong lòng chị. Anh ôm bờ vai chị, mấy ngón tay cứ xoa xoa, thầm thì: “Chắc em hết giận chị Hai… Nghĩa tử là nghĩa tận em à!”. Chị òa khóc: “Anh đừng nói nữa!”. Mọi người trên xe tò mò nhìn sang. Mặc, chị khóc như chưa bao giờ được khóc.

Về đến đầu làng, chị ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Ôi! Bướm vàng! Đàn bướm dài vô tận bay lao xao trong nắng. Và nữa, hoa râm bụt hai bên đường nhà ai nở rộ một màu đỏ nhức mắt. Khi vợ chồng chị bước vào sân, mọi người im bặt. Có ai đó kêu lên: “Trời ơi! Mợ Ba về đấy ư?”. Chị ào vào nhà, thả cái xắc xuống đất, lật chiếu nhìn mặt, ôm lấy xác chị chồng òa khóc nức nở: “Chị Hai ơi!”.

Chừng ấy năm xa cách, chị không ngờ chị chồng tiều tụy quá. Tóc ngả màu muối tiêu, nét mặt khắc khổ, ốm yếu. Ngày xưa, trước biến cố đau thương, chị chồng ôm chị với vòng tay ấm áp. Giờ chị ôm chị chồng thể xác lạnh băng. Anh thì ngồi ôm đầu, nước mắt giàn giụa. Ngay khi ấy, cụ già nhà bên cạnh hô mọi người tránh dạt ra hai bên. Ông bê chiếc hộp dán giấy trắng kín bưng từ từ tiến vào: “Vợ chồng thằng Ba ơi! Trước khi qua đời, chị Hai bay nhờ già chuyển lại cho con Ba cái này!”. Bàn tay chị run run gỡ từng mẩu giấy, nước mắt rơi lã chã. Nắp hộp bật ra, trong đó có một tờ giấy gấp làm tư và một chiếc túi vải. Chị không thể nhầm, đó chính là nét chữ của người chị chồng đã quá cố. Có những dòng ướt nhòe nước mắt: “Thủy ơi! Mợ Ba ơi! Khi em đọc những dòng chữ này thì chị đã đi xa… chị biết em còn oán hận chị. Chị đối xử không công bằng với em trong những năm tháng em về làm dâu… chị ngàn lần mong em hãy tha thứ cho chị. Lớp người của chị quen sống trong khuôn khổ gia giáo… nỗi bất hạnh của chị khiến cho chị đâm ra bảo thủ, khắt khe… Nhiều đêm chị ân hận, xót xa vì những điều chị đã làm khổ cho em. Em biết không? Mỗi lần giỗ chạp dẫu không hy vọng gì em trở về, nhưng chị vẫn gói thật nhiều bánh tro, chị biết em rất thích ăn bánh này. Lần nào cha con thằng Tánh về, chị cũng chạy ra tận ngõ trông trước, nhìn sau coi có em về không. Con Hằng ngạc nhiên hỏi: “Cô Hai, cô tìm cái gì đấy?”. Chị lờ đi vì sợ cậu Ba nó buồn. Thủy ơi! Những năm tháng cuối đời chị mới thấm thía hết nỗi cô đơn của đời người. Bấy lâu chị giữ lại số vàng của cha, chị xin chia làm ba phần: một phần cho cháu Hằng, một phần cho cháu Tâm làm vốn khi lập gia đình. Phần còn lại chị gởi cho vợ chồng em thay chị cúng giỗ cha mẹ, hương khói ông bà. Chị nguyện cầu cho hai em sống hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc, răng long. Thủy ơi! Đừng giận chị nghe…”.

Chị lại vạch chiếu ôm lấy xác người chị chồng khóc ngất. Người ta xúm lại gỡ tay chị ra, dìu đi nới khác vì đã đến giờ nhập quan. Bên tai chị vang lên tiếng nhạc bát âm réo rắc, đau thương, tang tóc và mùi trầm hương ngào ngạt.

Truyện ngắn củaTRẦN QUỐC CƯỠNG(Phú Yên)