Cán bộ thú y cơ sở vừa thiếu, vừa yếu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:09, 08/07/2011
Cán bộ thú y vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chuyên môn trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm...
Ông Kim Ngọc Phi ở thôn Đức Tinh, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) tự phun thuốc phòng, chống dịch tai xanh cho đàn lợn. Ảnh: Mai Anh |
Cán bộ thú y xã là những người gắn bó với nông dân. Họ có nhiệm vụ nắm chắc tình tình chăn nuôi, sớm phát hiện dịch bệnh để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Do đó, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở phải sâu về chuyên môn, tận tình với công việc và có sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã và đang sử dụng cán bộ thú y quá tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng trình độ chuyên môn yếu. Theo Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có 339 nhân viên thú y hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 03/QĐ của UBND tỉnh. Trong đó, có 76 người không có trình độ hoặc trình độ sơ cấp cần đào tạo lại, 48 cán bộ thú y đã quá tuổi cần thay thế.
Năm nay, ông Trần Quang Thuật đã ngoài 70 tuổi mà vẫn làm cán bộ thú y xã Đoàn Tùng. Ông phụ trách công tác thú y xã từ năm 1973 đến nay. Ông Trương Mậu Thuấn, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thanh Miện cho biết, người dân ở Đoàn Tùng thường đi làm ăn, buôn bán xa, thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với chế độ phụ cấp đối với cán bộ thú y xã. Do đó, rất khó tìm được cán bộ hăng hái, nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm làm việc như ông Thuật. Vì vậy, xã vẫn tín nhiệm giữ ông lại làm cán bộ thú y xã. Huyện Thanh Miện có 33 cán bộ thú y cơ sở, trong đó có ông Thuật và ông Mai Ngọc Tùy ở xã Lê Hồng đã quá tuổi lao động, cần được thay thế, song chưa có nguồn nên vẫn phải làm việc.
Theo ông Lương Văn Luân, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tứ Kỳ, huyện có 31 cán bộ thú y cơ sở, song có đến 5 cán bộ thú y đã quá tuổi lao động. Việc tìm cán bộ thú y để thay thế hiện rất khó. Các xã đều không có nguồn. Một số xã có hiện tượng trống cán bộ thú y thôn, cán bộ thú y xã phải kiêm nhiệm, gây khó khăn trong việc giám sát dịch bệnh...
Trong đợt dịch tai xanh cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, Cẩm Cũ (Cẩm Giàng) là xã có nhiều lợn ốm, chết nhất. Theo ông Nguyễn Phụ Thanh, cán bộ thú y xã, đến thời điểm xuất hiện dịch, xã có 2.300 con lợn, trong đó có 300 con nái. Tuy nhiên, sau đó 2 tuần, chúng tôi về nắm lại tình hình dịch bệnh của địa phương, ông Thanh lại báo cáo toàn xã chỉ có 2.050 con, trong đó có 206 con lợn nái. Qua 2 số liệu trên cho thấy, cán bộ làm công tác thú y không nắm được số lượng đàn lợn thực tế mà người dân đang nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn của xã chỉ đạt 30% số lợn trong diện phải tiêm. Tỷ lệ thấp như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu phòng dịch. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động tiêm phòng còn kém, việc cán bộ thú y chưa làm hết trách nhiệm, không báo cáo cơ quan chức năng khi có dịch và vẫn để người dân bán chạy lợn bệnh sang nơi khác cũng là một nguyên nhân để dịch bùng phát.
Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn trong tỉnh đều có cán bộ thú y riêng, có nơi chủ trang trại kiêm luôn công tác thú y. Ông Lê Văn Tuấn, chủ một trang trại lợn ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) cho biết, trang trại của ông có 1 kỹ sư chăn nuôi có nhiệm vụ hướng dẫn công nhân cách vệ sinh chuồng trại, phòng, chống bệnh và trực tiếp tiêm phòng cho đàn lợn theo định kỳ. Ông không thuê cán bộ thú y địa phương, bởi cán bộ thú y cơ sở năng lực hạn chế, không giúp được ông tuân thủ nghiêm quy trình về cách phòng, chống bệnh.
Trang trại gà Tám Lợi, xã Ái Quốc (TP Hải Dương) luôn có bác sĩ thú y riêng. Ảnh: Mai Anh |
Theo ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cán bộ thú y cơ sở vừa thiếu và yếu có nguyên nhân từ chế độ phụ cấp thấp. Năm 2003, UBND tỉnh mới có quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ thú y xã và được nâng dần lên, đến nay là 830 nghìn đồng/người/tháng. Phụ cấp thấp nên không thu hút được người trẻ, họ chọn cho mình những công việc khác có thu nhập ổn định và cao hơn. Cũng vì phụ cấp thấp, nên đội ngũ cán bộ thú y cơ sở phải tìm việc làm thêm; có người mở cửa hàng bán thuốc, có người kinh doanh trong lĩnh vực khác… Do đó, họ không chuyên tâm với công việc chuyên môn, lơ là, không nắm sát tình hình. Ngoài ra, cũng có người đã hết tuổi lao động song UBND xã vẫn không muốn thay thế là do... nể nang. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tự học, tự nghiên cứu nâng cao tay nghề của cán bộ thú y cơ sở còn hạn chế, dẫn đến làm việc cẩu thả, tùy tiện trong bảo quản, sử dụng thuốc...
Để nâng cao chất lượng công tác thú y cơ sở, Chi cục Thú y đang tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ thú y, đề nghị thay cán bộ thú y đã quá tuổi, trình độ chuyên môn kém, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Chi cục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thú y cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chế độ thỏa đáng với đội ngũ này để họ chuyên tâm gắn bó với nghề.
THANH HÀ