Nghĩ về hai chữ “trách nhiệm”

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 11:23, 08/07/2011

Ai cũng phải có trách nhiệm. Chức vụ và quyền hạn càng cao thì tráchnhiệm càng lớn. Đó là trách nhiệm xã hội do Nhà nước, cơ quan, đoàn thểgiao cho. Ngoài ra còn có trách nhiệm riêng với gia đình mình nữa.

Bất kỳ ai sống ở trên đời đều phải có trách nhiệm. Trách nhiệm chung là trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm riêng tùy theo công việc, nhiệm vụ, vị trí, chức vụ... Người con phải có trách nhiệm hiếu đễ với bố mẹ, ông bà. Làm cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành. Học sinh phải có trách nhiệm học tập tu dưỡng theo sự dạy bảo của thầy, cô. Thầy giáo có trách nhiệm dạy học sinh cho ngoan, cho giỏi. Thầy thuốc có trách nhiệm chữa bệnh cho mọi người theo phương châm "Lương y như từ mẫu". Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm điều hành công việc và trông nom đến quyền lợi của mọi người trong cơ quan. Giám đốc nhà máy có trách nhiệm tổ chức sản xuất cho có hiệu quả cao và quan tâm chăm lo đến đời sống công nhân...

Ai cũng phải có trách nhiệm. Chức vụ và quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Đó là trách nhiệm xã hội do Nhà nước, cơ quan, đoàn thể giao cho. Ngoài ra còn có trách nhiệm riêng với gia đình mình nữa.

Bác Hồ và Đảng ta hoàn thành trách nhiệm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong bối cảnh vô vàn khó khăn. Nhiều anh hùng trong chiến đấu hoặc trong thời kỳ đổi mới hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của mình đều phải vượt không biết bao nhiêu gian nan, nguy hiểm. Nhiều công ty, cơ sở sản xuất hoặc gia đình trở thành những tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi, vừa làm giàu cho bản thân và gia đình họ, vừa góp phần làm giàu cho đất nước, đâu phải họ có đầy đủ các điều kiện nói trên.

Song, bên cạnh những đơn vị và cá nhân hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của mình, cũng còn một số ỷ lại vào điều kiện khách quan, thiếu chủ động sáng tạo, hoặc chây lười, hoặc "bóc ngắn cắn dài" nên không hoàn thành trách nhiệm của  mình với cương vị mình đang nắm giữ. Đài, báo đã từng đưa tin vị Bộ trưởng nước nọ, vị Thủ tướng nước kia xin từ chức khi không làm tròn trách nhiệm của mình, gọi đó là "văn hóa từ chức".

Không làm tròn trách nhiệm thì công khai xin từ chức. Đó là việc bình thường, có gì xấu đâu. Người vẻ vang không phải là người có chức trọng quyền cao mà là người hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Có phải nước ngoài họ quan niệm như vậy nên họ mới có "văn hóa từ chức"? Ở ta bao giờ có thứ văn hóa ấy khi mà hiện nay một số cơ quan, đơn vị xếp loại yếu, kém, xảy ra vi phạm, nhưng thủ trưởng vẫn tìm cách đổ lỗi cho khách quan, cho lịch sử, cho tập thể...

Chúng ta đang thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Muốn vậy thì tất cả mọi cá nhân ở cương vị của mình, dù chức to hay bé, dù chỉ là thường dân, dù ở lứa tuổi nào, nam hay nữ, miền xuôi hay miền ngược đều phải làm tròn trách nhiệm của mình. Việc làm tròn trách nhiệm cá nhân do chính cá nhân ấy quyết định. Làm tròn trách nhiệm cũng là danh dự, là nhân cách, là văn hóa. Bên cạnh đó cần có một chế tài mạnh đối với những hiện tượng không hoàn thành trách nhiệm, bất kỳ lý do gì.

VĂN DUY (Kinh Môn)