Linh vật dưới chân núi Ngũ Nhạc
Di tích - Ngày đăng : 08:42, 10/07/2011
Sự hiện diện của khối thạch mẫu kỳ thú và dấu chân khổng lồ kỳ lạ trên đá từ nhiều trăm năm nay đã tạo nên sự hấp dẫn độc đáo cho di tích đền Sinh, đền Hóa thuộc vùng đất cổ An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh).
Khối Đá mẫu đền Sinh có hình một phụ nữ trong tư thế sinh nở
Chúng tôi tìm về An Mô vào một ngày đầu tháng 7 để chiêm ngưỡng hai linh vật đã trở thành những câu chuyện huyền thoại trong dân gian. Trời mùa hạ chốc chốc lại đổ một trận mưa rào. Mây vởn lưng chừng núi làm cho cảnh vật thêm kỳ ảo. Sau con đường quanh co, đền Sinh hiện ra chênh vênh nơi chân núi. Đường dẫn lên đền là hàng trăm bậc gạch trải trắng hoa đại. Đền Sinh xây dựng theo hình chữ Tam, gồm 3 tòa liền nhau. Linh vật được thờ trong hậu cung là khối đá tự nhiên, cao khoảng 3m, rộng bằng 2 chiếc chiếu. Ông Trần Văn Tại, 73 tuổi, người thôn An Mô, giảng giải cho tôi: Đây là thạch mẫu đã hạ sinh Đức thánh Phi Bồng. Khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng là đầu, khối đá phía dưới là bầu ngực, hai khối đá lớn, dài hai bên là đầu gối, ở giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân. Toàn bộ khối đá có hình một phụ nữ trong tư thế sinh nở. Câu chuyện thạch mẫu sinh thánh Phi Bồng đã trở thành huyền sử mà trẻ đất An Mô nào cũng thuộc. Sách Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí ghi: Ở An Mô (Chí Linh), có một quả núi hình như bình phong. Ở đó có một khối đá rộng bằng hai cái chiếu, ở giữa nứt ra một hố rộng chừng một thước. Khối đá kết nổi này có dáng người mẹ trong tư thế sinh nở. Tương truyền ngày trước trẻ chăn trâu tụ hội ở chân núi nghe có tiếng trẻ khóc, đến nơi thấy một em bé ngồi ở chỗ đá nứt, tiếng như chuông đồng. Trẻ mục đồng lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn trẻ gái làm cờ, rước về làng. Trên đường đi, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, em bé ấy bay thẳng lên không, nói vọng xuống: “Ta là thần Phi Bồng hạo Thiên giáng hạ, nay bị lộ hóa về trời”. Người địa phương lấy làm kinh dị lập đền thờ. Chỗ khối đá sinh ra em bé lập đền Sinh, chỗ em bé hóa về trời lập đền Hóa. Từ đó Thánh Phi Bồng đã phù hộ cho dân trong vùng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thánh cũng đã ngầm giúp cho vua Lý Thái Tông dẹp quân Chiêm Thành, Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên, được nhiều triều vua phong là “Hạo Thiên tối linh thượng đẳng thần”.
Theo thần tích trên tấm bia thời Nguyễn tại đền Sinh thì, Phi Bồng là một tướng quân tên Phúc Uy, sống vào thế kỷ thứ 6, người bản trang An Mô, có công chống giặc cứu nước. Tương truyền, ở trang An Mô có vợ chồng họ Chu do cầu tự sinh được một bé trai đặt tên là Hạo, tự là Phúc Uy. Phúc Uy lớn lên tư chất hơn người, võ văn đều giỏi. Khi Lý Nam Đế khởi nghĩa chống quân Lương, Phúc Uy dẫn quân bản bộ tham gia, được phong Uy vũ đại tướng quân trấn thủ vùng Hải Dương. Khi giặc phương Bắc sang xâm lược ông đem quân cự chiến và hy sinh tại Việt Yên (Bắc Giang). Sau khi mất nhiều lần ông hiển thánh ngầm giúp cho quân ta đánh giặc và được nhiều triều vua phong tặng như đã nói trên. Ghi nhớ công ơn của ông cùng người mẹ, nhân dân đã lập đền thờ. Như vậy nhân vật được thờ ở đền Sinh, đền Hóa vừa có gốc gác thiên thần vừa là nhân thần. Chính điều này khiến di tích trở thành một chốn tâm linh đặc biệt.
Vết lõm trông giống dấu chân có chiều dài chừng 45 cm, in sâu 10cm phía sau đền Hóa
Cùng với sự kỳ thú của mẫu đá đền Sinh, phía sau đền Hóa còn có dấu chân khổng lồ kỳ lạ. Vết chân này cách đền Hóa khoảng 1 km, nằm trên một khối đá to bằng bốn chiếc chiếu có chiều dài chừng 45 cm, in hằn sâu xuống đá 10 cm. Người dân ở đây cho rằng, đó là một trong ba dấu chân đức thánh An Mô giáng trần giúp tướng quân Trần Hưng Đạo đánh giặc năm xưa. Truyện kể, thời nhà Trần, giặc Nguyên sang xâm lấn nước ta. Tại quân doanh Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo ngày đêm suy nghĩ phương kế đánh giặc. Nỗi lo của người là còn thiếu nhiều thuyền chiến để cấp cho thuỷ quân. Bữa đó, Trần Hưng Đạo qua miếu Phi Bồng cầu đảo và ngủ lại đó. Đến nửa đêm nằm mộng thấy một ông già tóc trắng hiện ra xưng là “Phi Bồng” giáng xuống hòn đá dạo trước nói: “Nay biết tướng quân không đủ thuyền cấp cho thuỷ quân chống giặc nên xin phù giúp. Sáng mai tướng quân đến bến Lục Đầu ta sẽ cấp cho đủ số thuyền mà tướng quân cần”. Nói xong vị thần biến mất. Tỉnh dậy, Hưng Đạo Vương mới biết là một giấc mơ liền vái tạ ơn. Sáng hôm sau quân lính về báo, đêm qua không hiểu thuyền ở đâu kéo về đậu đầy ở bến sông. Hưng Đạo Vương đến xem xét, thấy đúng như lời vị thần đã báo. Đánh thắng giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương lệnh cho đoàn thuyền về đỗ tại bến Lục Đầu rồi sắm sửa lễ vật, khấn rằng:"Nhờ tướng quân Phi Bồng phù giúp thuyền chống giặc. Nay giặc đã tan, Quốc Tuấn tôi xin hoàn trả lại". Đêm hôm đó trời nổi phong ba, đoàn thuyền tự nhiên biến mất. Sáng hôm sau từ An Mô đến Vạn Kiếp xuất hiện 3 dấu chân khổng lồ in hằn xuống đá, một dấu ở sườn Ngũ Nhạc sau đền Hóa, một dấu ở núi Trò, một dấu ở núi Trán Rồng. Còn trên dãy núi Phượng Hoàng xuất hiện hai đường kéo thuyền. Mọi người cho đó là dấu chân và đường kéo thuyền của Phi Bồng giúp Hưng Đạo Vương đánh giặc. Trải qua thời gian, đến nay dấu chân khổng lồ kỳ lạ ở sau đền Hóa và núi đầu Trò vẫn còn nguyên vẹn.
Có thể những chuyện trên chỉ do nhân dân địa phương hư cấu để tăng thêm tính huyền thoại, lỳ kỳ. Dù sao thì sự hiện diện của khối thạch mẫu kỳ thú và dấu chân khổng lồ kỳ lạ trên đá từ nhiều trăm năm nay đã tạo nên sự hấp dẫn độc đáo cho di tích đền Sinh, đền Hóa.
NGỌC HÙNG