Giá thịt lợn tăng, người chăn nuôi vẫn e ngại
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:23, 10/07/2011
Mặc dù giá thịt lợn hiện đang ở mức cao nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng cộng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là nguyên nhân khiến người chăn nuôi e ngại, không dám mở rộng quy mô chăn nuôi.
Đàn lợn gia đình ông Đồng Đức Đá, ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (Gia Lộc) giảm mạnh sau dịch bệnh tai xanh. Ảnh: Mai Anh |
Hơn một tháng nay, mặt hàng thịt lợn ở các chợ đột nhiên đua nhau "đội giá". Chị Nguyễn Thị Nhu ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Thịt ba chỉ hiện bán tới 110 nghìn đồng/kg, tăng 15 nghìn đồng, thịt nạc vai giá khoảng 140 nghìn đồng/kg, tăng 40 nghìn đồng so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. Trước đây, thịt lợn là món ăn chính của gia đình tôi, trung bình mỗi tuần gia đình tôi ăn từ 3-4 bữa thịt. Nhưng nay do giá thịt quá cao nên tôi giảm xuống chỉ còn 2 bữa/tuần. Tôi đã thay thế thịt lợn bằng những món ăn khác có giá "mềm" hơn như trứng, thịt vịt".
Không chỉ những bà nội trợ chóng mặt vì mức tăng giá của thịt lợn, những người buôn bán thịt cũng đang gặp không ít khó khăn trước tình trạng khan hiếm mặt hàng này. Chị Nguyễn Thị Hưởng bán thịt lợn ở chợ Tân Kim cho biết: "Tôi bán thịt lợn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy thịt lợn khan hiếm và giá cao như hiện nay. Mặc dù đã là khách quen của một số lò mổ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng song tôi thường phải đặt trước mới có hàng để bán. Vì giá thịt lợn cao nên tốc độ tiêu thụ cũng chậm, người đến mua ít hơn trước. Trung bình 1 ngày tôi chỉ bán được 50 kg, giảm 1/3 so với trước đây". Anh Nguyễn Văn Thà ở Gia Lộc có 2 lò mổ, 1 lò ở Gia Lộc, 1 lò anh đặt ở tỉnh Hưng Yên. Anh cho biết: "Trước đây, trung bình 1 ngày lò mổ của tôi thịt khoảng 40-50 con lợn, nhưng hiện nay giảm xuống còn dưới 10 con, có hôm chỉ mổ được 4-5 con. Nguyên nhân là do lợn đang rất hiếm, khó kiếm được lợn ngon, bảo đảm chất lượng để mổ. Nếu có kiếm được lợn cũng không bán được hàng vì người bán lẻ bán rất chậm". Cũng theo anh Thà, cách đây 4 tháng, thịt hơi trung bình có giá 40-42 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 68-70 nghìn đồng/kg, thịt móc hàm xuất tại lò mổ cách đây 4 tháng có giá 50-52 nghìn đồng/kg, hiện tại có giá 94-96 nghìn đồng/kg. Trước đây, anh chỉ cần điện thoại đặt là có hàng, nhưng nay anh phải đặt cọc bằng tiền mặt, để người nuôi không bán hàng cho mối khác, khi họ trả cao hơn.
Tình trạng khan hiếm lợn là do nhiều hộ chăn nuôi đang "co cụm" lại vì sợ dịch bệnh hoặc do giá cả thức ăn chăn nuôi, giá con giống đang "leo thang". Hiện trang trại của anh Nguyễn Văn Sở ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) giảm quy mô xuống chỉ còn nuôi gần 1.000 con lợn, trong đó có 300 con lợn nái. Anh cho biết: "Trước đây, ngoài số lợn con do lợn nái sinh ra, anh còn mua thêm lợn con bên ngoài về nuôi. Tuy nhiên, hiện nay giá thành lợn con cao: 1 con lợn lai ngoại từ 6-10 kg, có giá 1,2-1,6 triệu đồng, lợn giống siêu nạc có giá 1,6-2 triệu đồng. Không chỉ cao mà còn hiếm, nếu không phải quen biết, thân cận thì rất khó có nguồn hàng.
Theo Cục Thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 563.339 con lợn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đàn lợn giảm trong thời gian qua là do các loại bệnh tai xanh, lở mồm long móng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mầm mống vi-rút vẫn còn tồn lưu trong không khí, ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi. Họ lo sợ dịch bệnh có thể xảy ra, bùng phát và lan rộng bất cứ lúc nào, trong khi đó công tác thú y trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đang có xu hướng giảm mạnh. Trong khi đó, việc xây dựng trang trại, gia trại cần nguồn vốn lớn, đất đai rộng nên không phải người chăn nuôi nào cũng đáp ứng được. Hiện nay giá các loại thức ăn, nguyên liệu phục vụ việc chăn nuôi tăng cao nên dù giá thịt lợn xuất bán cao nhưng lợi nhuận của người chăn nuôi vẫn không tăng là bao. Ngoài ra, do đang bước vào thu chiêm, làm mùa và thu hoạch nhiều loại hoa quả khác nên số người tham gia các hoạt động giao thương buôn bán giảm, trong khi nhu cầu sử dụng thực phẩm lại tăng cũng là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn lên cao.
Theo ông Tịnh, để khắc phục tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh một số cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi: nuôi từ 50 con lợn nái ngoại ông, bà trở lên được trợ giá theo Quyết định 17/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nuôi 10 con nái ngoại bố, mẹ được hỗ trợ lãi suất vay trong vòng 12 tháng, trị giá 5 triệu đồng/con; nuôi 10 con nái Móng Cái được hỗ trợ lãi suất vay lần đầu, thời gian vay 12 tháng, mức 3 triệu đồng/con; nuôi 100 con lợn thịt (ngoại, lai) được hỗ trợ lãi suất chu kỳ 12 tháng, trị giá 500 nghìn đồng/con. Đối với các trang trại nuôi 100 con lợn nái ngoại sinh sản trở lên hoặc 500 con lợn thịt ngoại được hỗ trợ 200 triệu đồng/trang trại; 50 - 100 con lợn nái ngoại sinh sản hoặc 300-500 con lợn thịt ngoại hoặc lai được hỗ trợ 150 triệu đồng/trang trại. Hỗ trợ 100% tiền tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả và đóng dấu. Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chăn nuôi, chủ động khai thác mọi nguồn vốn để tự đầu tư. Hy vọng, những biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người chăn nuôi sẽ sớm được áp dụng, giải quyết khó khăn cho cả người chăn nuôi, người buôn bán cũng như người tiêu dùng.
NGỌC THỦY