Mỹ có rơi vào khủng hoảng nợ công?
Bình luận - Ngày đăng : 08:16, 17/07/2011
Các cuộc thương lượng của Chính phủ và Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công vốn đã lên tới 14,3 nghìn tỷ USD thất bại sẽ làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Tổng thống Obama tỏ ra cứng rắn với trước phe Cộng hòa ở Quốc hội
Hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt các chủ nợ lớn của Mỹ bày tỏ quan ngại trước tình trạng căng thẳng gia tăng giữa hai ngành hành pháp và lập pháp Mỹ về nâng trần nợ công, trong khi nhiều hãng xếp hạng tín dụng dọa sẽ hạ cấp tín dụng của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Thương lượng bế tắc
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ để nâng trần nợ công vốn đã lên tới 14,3 nghìn tỷ USD. Nếu các cuộc thương lượng giữa hai ngành hành pháp và lập pháp bị thất bại, chính phủ Mỹ sẽ mất khả năng thanh toán vào ngày 2-8 tới. Một “vụ nổ lớn” như vậy chắc chắn sẽ làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Đã nhiều tuần qua, Tổng thống Obama và phe Cộng hòa đối lập tại Quốc hội Mỹ đã thương lượng về việc nâng trần nợ công hiện ở mức 14,3 nghìn tỷ USD. Ngày 13-7, Tổng thống Obama đã vô cùng tức giận rời phòng thương lượng, sau khi đã nổ ra một cuộc khẩu chiến với thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Eric Cantor (Ê-rích Can-tơ). Hai bên tham gia thương lượng hiện không còn giữ được bình tĩnh như trước, khi thời hạn “vỡ nợ nhà nước” 2-8 đang ngày càng đến gần. Tổng thống Obama đã giận dữ bước ra khỏi phòng thương lượng và nói thẳng đối với ông như thế đã là quá đủ. Ông tuyên bố sẽ không nhượng bộ thêm nữa, ngay cả khi có nguy cơ bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Vỡ nợ là vô căn cứ?
Về việc này, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Christine Lagarde (Crít-tin La-ga-đơ) hôm 10-7 cảnh báo, việc Mỹ nhanh chóng nâng mức nợ trần là vô cùng quan trọng, nếu không nó không chỉ tác động tới kinh tế Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác trên thế giới. Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s dọa sẽ tước bỏ mức xếp hạng tín dụng AAA dành cho trái phiếu chính phủ Mỹ nếu tình trạng hiện nay không được giải quyết. Hãng Moody’s tỏ ra hoài nghi khả năng trần nợ công của Mỹ sẽ được nâng lên đúng thời hạn vào ngày 2-8-2011. Nếu hai ngành hành pháp và lập pháp Mỹ không đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công vào trung tuần tháng 7, Moody’s sẽ xem xét lại xếp hạng tín dụng của trái phiếu chính phủ Mỹ. Chủ tịch ngân hàng JP Morgan (Mo-gan) cảnh báo khả năng nước Mỹ phá sản và lôi kéo kinh tế toàn cầu rơi vào một thảm họa mới, nếu hai ngành hành pháp và lập pháp không đạt được thỏa hiệp về mức trần nợ công.
Đứng trước nỗi lo của thế giới bên ngoài, Nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Wisconsin (Vi-xcôn-xin), Gary Johnson (Ga-ri Giôn-xơn) cho rằng, cho dù Quốc hội không thể nâng mức nợ trần vào ngày 2-8, Mỹ vẫn tránh được nguy cơ vỡ nợ công. Chuyên viên cấp cao của Quỹ Đầu tư truyền thống Mỹ, Foster (Phót-tơ) đồng quan điểm: “Nếu nợ trần Mỹ cuối cùng không được nâng lên, Mỹ vẫn có đủ nguồn thu nhập thuế để hoàn trả phần lãi và vốn của các món nợ, trừ khi tổng thống quyết định cố ý như vậy.
Cơn ác mộng đối với Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc ngày 14-7 bày tỏ quan ngại về cuộc tranh cãi hiện nay giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đồng thời dọa sẽ bán bớt trái phiếu Chính phủ Mỹ. Điều này cho thấy, Trung Quốc không còn giữ được bình tĩnh như trước. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ bảo vệ các khoản đầu tư của họ. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ đưa ra những quyết định và biện pháp bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư”. Trung Quốc hiện đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ. Các cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ mất giá nghiêm trọng của đồng USD và kiến nghị không tiếp tục đầu tư khoản tiền thặng dư thương mại khổng lồ vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Cố vấn Xia Bin, thành viên Ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói với hãng tin Reuters: “Về dài hạn, từ 10-20 năm, đồng USD sẽ đi xuống. Chính vì vậy, chúng tôi cần phân tán hơn nữa dự trữ ngoại tệ”.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện đã lên tới 3,2 nghìn tỷ USD và 70% trong số đó có liên quan đến đồng USD. Nếu đồng USD bị mất giá nghiêm trọng do chính quyền Mỹ không giải quyết được vấn đề nợ, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ bị tổn thất đáng kể. Chủ tịch hãng xếp hạng tín dụng Dagong của Trung Quốc, Guan Jianzhong nói: “Nếu tình hình tài chính trong vòng 3-6 tháng tới không được cải thiện đáng kể, chúng tôi sẽ hạ đáng kể mức xếp hạng tín dụng của trái phiếu chính phủ Mỹ”. Và nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ lại tiếp tục in thêm tiền đổ vào nền kinh tế, Dagong sẽ ngay lập tức hạ mức xếp hạng tín dụng của trái phiếu chính phủ Mỹ.
MINH BÍCH