Nhiều phương án lựa chọn cơ cấu Chính phủ khóa XIII

Tin tức - Ngày đăng : 08:23, 19/07/2011

Việc tổ chức bộ máy Chính phủ khóa tới vẫn tuân thủ nguyên tắc nhất quán một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và xác định rõ cơ quan có trách nhiệm phối hợp.



Ảnh minh họa


Có nhiều phương án để lựa chọn cơ cấu Chính phủ khóa XIII và sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết tại cuộc gặp mặt cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí, ngày 18-7, tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, cơ cấu Chính phủ khóa XII cơ bản hợp lý, mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực đã thể hiện nhiều mặt tích cực, tuy còn một số chồng chéo trong thực hiện chức năng nhiệm vụ và điều này sẽ được giải quyết trong thời gian tới, sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành và trách nhiệm của các bên liên quan.

Việc tổ chức bộ máy Chính phủ khóa tới vẫn tuân thủ nguyên tắc nhất quán một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và xác định rõ cơ quan có trách nhiệm phối hợp. Quan điểm về cơ cấu là không tổ chức các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước mà chuyển về các bộ tương ứng, chỉ duy trì các cơ quan Chính phủ ở đơn vị sự nghiệp. Theo Thứ trưởng Thăng, những điều này sắp tới phải làm rõ để bảo đảm hệ thống hành chính hiệu lực, hiệu quả, thống nhất và thông suốt từ trung ương tới địa phương.

"Các Phó Thủ tướng được phân chia theo các mảng như kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, nội chính. Sắp tới Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội phân chia các mảng như thế có phù hợp không", ông Thăng nói.

Cơ cấu Chính phủ hiện tại gồm Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng. Việc bầu Thủ tướng sẽ được Quốc hội khóa 13 tổ chức vào ngày 26-7.

Tại Đại hội Đảng XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ba Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và 12 bộ trưởng (trong số 21 bộ trưởng đương nhiệm) đã trúng cử vào danh sách Ban chấp hành trung ương. Trong nhiều khóa trở lại đây, Bộ trưởng đều là Ủy viên Trung ương.

Cũng trong sáng 18-7, đại diện của Bộ Nội vụ cho biết, Bộ này đang tích cực triển khai các Đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Báo cáo của Chính phủ về đánh giá Luật Tổ chức Chính phủ 2001 và đề xuất những nội dung liên quan cần sửa đổi Hiến pháp; trình Chính phủ Đề án cơ cấu Chính phủ khóa XIII và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phân cấp quản lý Nhà nước giữa Trung ương và địa phương. Bộ cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế.

8 nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Nội vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm, trong đó tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và thực hiện Đề án cơ cấu Chính phủ khóa XIII sau khi được phê duyệt; tham mưu giúp Chính phủ kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, địa phương cho phù hợp. Bộ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; xây dựng, trình Chính phủ các Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu HĐND (sửa đổi); triển khai Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Bộ Nội vụ cũng tiếp tục nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; triển khai tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức năm 2011 theo nguyên tắc cạnh tranh.

(Nguồn: VnMe)