Xây dựng chợ nông thôn mới gặp nhiều khó khăn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:36, 20/07/2011
Xây dựng chợ nông thôn là tiêu chí thứ 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Các chợ xã phải đạt chuẩn của Bộ Xây dựng mới được công nhận là chợ NTM. Tuy nhiên, thực tế điều này không dễ đạt được.
Thời gian tới, xã Phạm Kha (Thanh Miện) sẽ có phương án xây dựng chợ Đọ đạt tiêu chí của chợ nông thôn mới
Thông tư số 31/2009/TT-BXD ngày 10-9-2009 của Bộ Xây dựng quy định rất rõ về quy hoạch chợ như vị trí xây dựng chợ phải phù hợp cho việc lưu thông hàng hóa, đường bộ, đường thủy, gần khu dân cư, trung tâm xã chính. Phải kết hợp các hoạt động chợ với các dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan và tối thiểu một xã NTM phải có 1 chợ, diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000 m2 trở lên, diện tích xây dựng nhà chợ chính tối đa hơn 40%, diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%, diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%... Như vậy, nếu áp dụng theo các tiêu chí này, việc xây dựng chợ NTM sẽ gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư lớn. Xã Nhân Quyền (Bình Giang) đã đạt 14 trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, do đặc thù gần chợ Phủ ở xã Thái Học (Bình Giang) nên người dân trong xã chủ yếu mua sắm hàng hóa tại chợ này. Chợ của xã hiện chỉ là chợ tạm, họp vào buổi sáng. Nếu xây dựng thêm một chợ nữa tại xã Nhân Quyền sẽ không tránh khỏi tình trạng lãng phí nguồn đầu tư để xây dựng NTM.
Không chỉ riêng ở xã Nhân Quyền, trên địa bàn tỉnh ta hiện còn một số xã do giáp với chợ huyện nên người dân vẫn mua sắm tại đó. Vì vậy, xây dựng chợ lớn chưa chắc đã thu hút được người dân. Chợ xây xong rồi lại bỏ hoang, tốn kém, lại không phát huy hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng chợ, phát triển thương mại nông thôn là việc làm cần thiết, nhưng quy mô xây dựng ở mỗi xã NTM một chợ cần được xem lại.
Toàn tỉnh hiện có 176 chợ. Trong đó, có 138 chợ loại III (chưa được đầu tư kiên cố, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong xã, phường hoặc các địa bàn lân cận, chợ có dưới 200 điểm kinh doanh). Chợ loại này chủ yếu ở khu vực nông thôn, phần lớn trong tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa và nguy cơ cháy, nổ trong mùa nắng, nóng. Hệ thống cấp thoát nước tại các chợ xuống cấp nghiêm trọng, nhất là nước sạch phục vụ nhu cầu của các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống trong chợ. Đáng lo ngại nhất là tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm ở nhiều chợ nông thôn. Tình trạng bày bán thức ăn tươi sống lẫn thức ăn chín hoặc bày bán các thực phẩm bên cạnh các quầy hàng bán vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu diễn ra phổ biến, nguy hiểm cho người tiêu dùng...
Ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Trong quá trình xây dựng NTM, việc phát triển hệ thống thương mại nông thôn rất cần thiết. Tuy nhiên, dựa vào thực trạng chợ của các địa phương trong tỉnh, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh đã quyết định không nhất thiết phải xây dựng mỗi xã một chợ. Ở những xã cần thiết phải xây dựng chợ, các huyện cần hướng dẫn cụ thể các xã xác định rõ địa điểm, quy mô xây dựng chợ. Việc khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế công trình, đầu tư phát triển chợ phải bảo đảm tính kế thừa, lâu dài và phù hợp với những yêu cầu của xã NTM". Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của chợ nông thôn trong phát triển sản xuất và xây dựng NTM. Các cấp, các ngành liên quan cần hoàn thiện các văn bản pháp quy, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thương mại nông thôn, quy hoạch chợ. Những xã đã có chợ chỉ cần nâng cấp và sửa chữa để đáp ứng các tiêu chí của chợ NTM, không cần xây mới, tránh lãng phí, lại tận dụng được địa điểm họp chợ và thói quen mua sắm của người dân.
Để chợ sau khi xây xong phát huy hiệu quả, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM của từng địa phương, ngay bây giờ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch chợ phù hợp, tránh chạy theo thành tích đạt các tiêu chí của xã NTM nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân.
HẢI MINH