Thành phố Hải Dương về đêm
Kinh tế - Ngày đăng : 18:49, 26/07/2011
Cuộc sống về đêm ở thành phố Hải Dương nếu khám phá mới thấy cũng có nhiều điều lạ lẫm. Âu cũng là lẽ thường tình của một thành phố đang trên đà phát triển.
Các quán ăn trên đường Bạch Đằng. Ảnh: Thành Chung
TP Hải Dương chỉ 23 giờ là đường vắng lặng. Nhiều con phố đã tắt bớt đèn đường, tối và sâu hun hút. Các ngã ba, ngã tư vốn dày đặc người vào ban ngày thì bây giờ cũng chỉ còn ánh đèn tín hiệu màu vàng nhập nhòa cảnh báo hạn chế tốc độ giao thông. Họa hoằn mới có một chiếc xe máy lao vút vào bóng tối. Vậy nhưng, khi thành phố chìm vào giấc ngủ lại là lúc bắt đầu của một “cuộc sống” mới - cuộc sống về đêm.
Ở thành phố đã lâu nhưng chẳng mấy khi tôi ra đường lúc khuya, đúng hơn là chẳng có lý do gì để đi cả. Nhưng gần đây tôi đã thử một cuộc chơi đêm, sau khi được mấy người bạn “nhấm nháy”: “Ông cứ thử “dạt” một đêm xem thế nào nhé, nhiều cái thú vị đáo để”.
Sau cuộc nhậu của đám anh em bạn bè kéo dài từ chiều đến đêm, anh bạn bảo: “Ra “sân tổng hợp” làm cốc trà đá cho mát”. “Sân tổng hợp” là Quảng trường Độc Lập, trung tâm thành phố. Ban ngày, “sân tổng hợp” là điểm đỗ xe nên các quán trà đá phải dẹp lên vỉa hè. Ban đêm, đây cũng là điểm dừng của taxi chở khách nhưng người đi lại thưa hơn nên “không gian trà đá” cũng mở rộng thêm nhiều, hầu như đêm nào cũng kín đặc khách ngồi uống nước. Khách ở đây toàn là thanh niên, nam có, nữ có. Nhiều người ra “sân tổng hợp” vì thói quen chứ cũng chẳng phải vì cái thứ trà đá hay nước nhân trần nhạt hoét này.
Có “ngồi thiền” ở “sân tổng hợp” này mới biết, vào quán trà đá cũng phải có lệ, khách vào hàng nào phải để xe gọn gàng trước cửa hàng ấy, chớ dựng lung tung để tránh những cái lườm nguýt của các bà, các chị bán hàng. Hầu hết các quán nước ở đây bán theo giờ. Khoảng 23 giờ, có đến 80% số quán dọn hàng về, chỉ còn lại dăm ba quán đầu đường Phạm Hồng Thái đoạn cổng Sở Công nghiệp cũ và một số quán phía đầu đường Hồng Quang vẫn “kiên trì” phục vụ khách. Các chủ quán này bán rất khuya, thậm chí gần sáng mới dọn hàng về. Khách muộn thường là mấy bác xe ôm, cánh tài xế taxi ngồi hút thuốc lào vặt. Đôi khi khách cũng là những nam nữ thanh niên đi ăn khuya về tạt qua ngồi uống nước. Thỉnh thoảng lại có tốp thanh niên mặt mày bặm trợn, vắt áo ngang vai, xăm trổ vằn vện ngồi chơi, nhổ nước bọt phì phì và nói những câu chuyện đao to búa lớn khiến khách ở bàn khác chỉ muốn mau mau chóng chóng trả tiền đứng dậy ra về. Bạn tôi kể, cách đây chưa lâu, “sân tổng hợp” về đêm là một tụ điểm… tổng hợp của đủ các loại tệ nạn. Cánh tài xế vắng khách “đầu gối quá tai” ngồi túm năm tụm ba đánh bài ăn tiền, rồi cay cú được thua cãi chửi nhau. Để đối phó công an, cánh này còn “phát minh” ra cách thanh toán bằng… tăm xỉa răng. Tàn cuộc, bà chủ quán nước - người được giao “cầm trịch” - mới bỏ tăm ra phân định. Đêm,“sân tổng hợp” còn là chỗ lai vãng của các cô gái làm tiền. Để nhận ra họ chẳng khó khăn gì vì cô nào cũng đeo một cái xắc nhỏ, mặt mũi bự phấn và chỉ có một mình. Đêm, “sân tổng hợp” còn là nơi tụ tập của các thành phần liên quan ma túy. Bạn tôi bảo, trước đây ngóc ngách nào ở chỗ này cũng có xi-lanh dính máu vứt chỏng chơ. Mấy con nghiện “vặt” vật vờ, luồn tay vào áo lên tận cổ gãi xoành xoạch, ngáp trẹo cả quai hàm.
Nửa đêm, lúc “sân tổng hợp” của cánh trà đặc, thuốc lào vắng vẻ thì lại là thời điểm sôi động nhất trong các vũ trường. Ở TP Hải Dương trước đây có nhiều vũ trường, sàn nhảy thu hút một lượng lớn thanh niên tụ tập hằng đêm. Trước tiên phải kể đến vũ trường Queen Bee, đã bị dẹp bỏ vì khách chơi sử dụng thuốc lắc. Gần đây nhất là vũ trường Legend ở khu sinh thái Hà Hải, được đầu tư lớn về thiết kế và trang âm, ánh sáng, nhưng nay cũng hầu như không hoạt động, nghe nói do đồ uống quá đắt đỏ. Bây giờ chỉ còn lại vũ trường Infinity trên đường Nguyễn Lương Bằng vẫn đang cầm cự. Thiết kế 2 tầng và được trang bị dàn âm thanh công suất cực lớn nên đây không phải là chỗ chơi của những người yếu tim hoặc... ít tiền. Bước qua cửa, sau thủ tục kiểm tra an ninh đơn giản, khách chọn bàn và sẽ được nhân viên phục vụ “tận răng”, như rót rượu, mời hoa quả hay châm thuốc. Do đó, sau khi đã cộng những chi phí tăng thêm này, phiếu thanh toán không bao giờ dưới 6 chữ số. Khách vào vũ trường hầu hết là thanh niên nhưng cũng được xếp đặt tùy “đẳng cấp” theo một luật lệ ngầm. Đó là khách uống rượu đắt tiền sẽ ngồi tầng 1, gần sàn nhảy, khách uống rượu ngoại bình thường hay uống bia sẽ được hướng dẫn ngồi phía sau hoặc phải ngồi trên tầng 2... ngó xuống. Trong vũ trường, cứ khoảng 3 bàn lại có một vệ sĩ mặt lạnh như tiền chắp tay sau lưng quan sát và sẵn sàng can thiệp nếu khách bia rượu quá đà xảy ra xô xát hoặc ngăn cản khách nào có ý định... chụp ảnh vũ trường. Nghe kể, ở vũ trường này đánh nhau như cơm bữa. Nhất là chuyện mấy chú thanh niên bia rượu vào, đã đủ “điện” và xuống sàn nhún nhảy rồi va chạm với nhóm khác.
Ngồi nhìn các vũ nữ “nhảy mồi” uốn éo mãi và mỗi người đã “ních” thêm chừng dăm ly rượu mạnh trong tiếng nhạc “ép bẹp lồng ngực”, mấy ông bạn tôi hét vào tai nhau: “Về thôi anh em ơi, mệt quá”. Chưa kịp đứng dậy, chợt thấy mấy vũ nữ vừa hết ca phục vụ sà vào bàn lả lơi. Chẳng đợi chào mời, như quen biết từ lâu, em nào cũng bốc hoa quả ăn nhoay nhoáy và cầm ly rượu lên “chiêu” ra chiều sành điệu. Có cô chẳng biết “nhấm nháy” gì với anh bạn tôi mà thấy rúc vào vai nhau cười rũ rượi. Sau mới biết, chỉ một màn xã giao ngắn ngủi thế nhưng số điện thoại đã được trao đổi, và ngay ngày mai, anh nào thiện chí đã có “bạn gái” để sẵn sàng đi chơi thâu đêm suốt sáng.
Bước ra đến cổng vũ trường, tai vẫn ù ù như sấm nhưng không khí thoáng đãng hơn hẳn. Muộn rồi mà vẫn thấy lác đác có khách đến chơi. Ngoài cổng, hàng đoàn taxi với cánh tài xế ngáp vặt, gác cả chân lên vô lăng chờ khách.
Đã muộn, định giải tán cho “khỏe quân” để sáng mai còn làm việc, ông bạn lại “sáng kiến”: “Đằng nào cũng muộn rồi, ra bờ sông kiếm cái gì ăn đã”. Ra đến đường Bạch Đằng, cả một dãy quán ăn đêm dọc bờ sông vẫn sáng đèn chờ khách. Chắc đã quá mỏi mệt, mấy chị bán hàng cũng chẳng tha thiết chào mời. Nhìn quanh mấy dãy bàn, thưa thớt một vài tốp khách. Cũng hầu hết là đám thanh niên, dáng vẻ phờ phạc, lờ đờ, chắc cũng mới đi chơi ở đâu đó về. Các quán ăn khuya này chỉ dọn hàng bắt đầu khi trời tối nên hầu như chỉ trông vào những khách ấy. Đêm khuya nên giá cả cũng luôn cao hơn giờ khác. Nhưng suy từ tôi ra mới thấy, muộn màng, mệt mỏi thế này thì quan tâm gì đến việc một bát canh có giá bao nhiêu, chỉ cố gắng trệu trạo rồi nhai mấy miếng cho ruột đỡ cồn cào. Điều mong muốn nhất bấy giờ là có chiếc giường để ngả lưng đánh một giấc sau gần một đêm thức trọn.
Thức đêm mới biết đêm dài. Cuộc sống về đêm ở thành phố nếu khám phá mới thấy cũng có nhiều điều lạ lẫm và phức tạp.
CẨM GIANG