“Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” Sâu lắng sự hàm ơn
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:10, 28/07/2011
Tượng đài vinh danh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc anh hùng
Bài thơ được viết theo thể lục bát truyền thống, hàm súc và cô đọng. Chỉ với năm khổ thơ, mỗi khổ gói trọn hai câu sáu tám, đã lột tả tận cùng tâm trạng người viết khi đứng trước những ngôi mộ mười cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đấy là một tâm trạng hàm ơn, da diết nhớ thương và thấu hiểu tận cùng sự hy sinh của mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (cũng như bao người con yêu khác đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc) là để đem lại sự sống vĩnh hằng cho Tổ quốc chúng ta: “Tháng ngày gương lược về đâu/Chân trời để xõa một màu cỏ non”. Nhà thơ không hề giải thích sự hy sinh của mười cô gái, mà chỉ với ba từ “màu cỏ non” đủ làm người đọc cảm nhận hết ý nghĩa lớn lao của sự sinh đó.
Đứng trước những ngôi mộ mười nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, nhà thơ da diết nhớ thương, bồi hồi xúc động khi mường tượng tới những vật dụng gương lược, bồ kết, khăn thêu của các cô như vẫn còn kia, in đậm “dấu tay gày”. Những vật dụng ấy không còn là tĩnh mà trở nên thiêng liêng và sinh động vô cùng trong sự mường tượng của nhà thơ, khi nhìn “gương lược” như thấy cả mái tóc xanh rờn “xõa” vào nền trời thành “màu cỏ non”: “Tháng ngày gương lược về đâu/Chân trời để xõa một màu cỏ non”; hay khi nhìn tấm khăn in dấu tay thêu của người con gái, nhà thơ như thấy ở đó cả một trời mây bay: “Khăn thêu những dấu tay gày/Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời”. Mây bay trắng trời hay là vành khăn tang của nhân dân, của trời đất tưởng nhớ khôn nguôi những người con đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Thơ kiệm lời mà giàu sự gợi mở, liên tưởng. Chỉ giây phút ngắn ngủi mà nhà thơ như gặp lại chính người thân của mình đang nằm lại nơi đây, qua tiếng gọi gần gũi, thân tình: “Người ơi, tôi lại gặp người”. Dường như khi sắp phải rời ngã ba này, mười cô gái thì vĩnh viễn nằm lại nơi đây, còn nhà thơ thì ra về trong tâm trạng bâng khuâng nhung nhớ đến không thể kìm nén khi cắm những nén nhang lên từng phần mộ trong nghĩa trang: “Nhang này quặn nỗi đau xưa/Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn”. Đúng quá, mỗi người chúng ta ai mà quên ghi sâu trong tâm khảm lòng nhớ ơn những người đã ngã xuống vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân và sự nhớ ơn ấy chính là truyền thống quý báu “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, được nhà thơ nói một cách đầy hình ảnh “cơn mưa về nguồn”, chính xác và gợi mở. Đấy cũng là một nét đặc trưng thơ Mai Văn Phấn gắn chặt truyền thống với hiện đại, mà trong “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” ta rất dễ nhận ra
CAO NĂM
Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc
MAI VĂN PHẤN
(Trong “Thơ tuyển Mai Văn Phấn…”, NXB Hội Nhà văn-2011)
Tháng ngày gương lược về đâu
Chân trời để xõa một màu cỏ non
Các cô nằm lại trên cồn
Những chùm bồ kết khô giòn trong cây
Khăn thêu những dấu tay gày
Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời
Người ơi, tôi lại gặp người
Hơi bom còn thổi rụng rời cát khô
Nhang này quặn nỗi đau xưa
Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn.