Phụ nữ Thanh Hà giúp nhau giảm nghèo

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:19, 01/08/2011

Trong 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ Thanh Hà đã giúp đỡ được 2.802 hội viên nghèo, trong đó đã có 661 chị thoát nghèo, kinh tế ổn định, góp phần giảm tỷ lệ nghèo của huyện xuống còn 12,6%...


Nhờ nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chị Đặng Thị Mạch ở thôn An Lão đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá của xã


Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Thanh Hà đã có nhiều biện pháp khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay, đồng thời phát động phong trào giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên... góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu.


Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Đặng Thị Mạch ở thôn An Lão, xã Thanh Khê rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo trong xã. Chị cho biết: "Tôi cũng làm vườn, chăn nuôi, nhưng do thiếu kiến thức và không có tiền mua sắm vật tư nên chăn nuôi, trồng trọt đều không hiệu quả. Sau khi được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn và được vay vốn, tôi bàn với chồng cải tạo lại vườn và chuồng trại. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi 60-70 con lợn thịt, hơn 100 con gà ta, ngan, vịt; kết hợp thả các loại cá dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao như chép, trôi, rô phi. Trên diện tích vườn, tôi phá vải, chuyển sang trồng quất và ổi. Hiện nay, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi lãi 60 triệu đồng". Năm 2009, gia đình chị Mạch đã vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, chị luôn tích cực giúp đỡ chị em khác trong chi hội về vốn và vật tư nông nghiệp.

7 năm trước đây, chồng chị Bùi Thị Tỉnh ở thôn Đại Điền, xã Hồng Lạc không may qua đời. Chị Tỉnh trở thành trụ cột gia đình, cuộc sống của mấy mẹ con rơi vào cảnh khó khăn do cùng lúc chị phải nuôi 2 con ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của chị em trong chi hội, chị Tỉnh đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp: nuôi lợn, thả cá, kết hợp trồng cây. Đến nay, mỗi năm trừ chi phí chị lãi 20 triệu đồng và đã thoát được cảnh nghèo túng.

Với phương châm thiếu mặt nào, giúp mặt đó, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tích cực giúp đỡ hội viên về các mặt như vốn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật...  Đến nay, các cấp hội trong huyện đã ký hợp đồng nhận ủy thác nguồn vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 105,6 tỷ đồng cho 6.624 hộ vay. Hội cũng đứng ra tín chấp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 3.415 lượt hộ vay 128,7 tỷ đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình. Để việc vay và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hằng năm các chi hội đều tiến hành xem xét kỹ lưỡng, xác định đối tượng cần vay vốn. Trong quá trình sử dụng, các tổ chức hội thường xuyên cử cán bộ đến nắm bắt tình hình về việc sử dụng nguồn vốn nên không có hiện tượng sử dụng nguồn vốn sai mục đích, hội viên luôn trả vốn và lãi đúng thời gian quy định. Phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ được các cấp hội trong huyện quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hội phụ nữ đã phân công cán bộ, hội viên giúp đỡ từng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ bằng nhiều hình thức như cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm, cho vay vốn, giống cây, con và hỗ trợ ngày công lao động. Chị em thường xuyên đến thăm các gia đình để theo dõi, động viên, giúp hội viên biết cách tính toán làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, đã có 15.255 lượt chị em có kinh tế khá giúp cho 19.059 lượt gia đình hội viên khó khăn phát triển kinh tế bằng các hình thức như cho vay tiền, giống, vốn, kỹ thuật... với tổng trị giá trên 38 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, các trung tâm giống cây trồng, các công ty về phân bón, thuốc trừ sâu... tổ chức nhiều buổi hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Từ năm 2005-2010, các cấp hội đã mở 626 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút 49.250 lượt chị, em tham gia.

Hội phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 (Hội Phụ nữ tỉnh) và các cơ sở dạy nghề trong huyện mở 69 lớp dạy nghề tin học, chăn nuôi thú y, gấp nơ hoa, thêu ren, may công nghiệp... cho 3.661 lao động; phối hợp với các công ty trong và ngoài huyện giới thiệu việc làm cho 654 lao động. Từ các hoạt động dạy nghề, việc mở rộng các ngành nghề ra các xã, thị trấn đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.812 lao động với mức thu nhập 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. 2 Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp (thị trấn Thanh Hà và xã Cẩm Chế) thu hút 59 thành viên. Tham gia trong câu lạc bộ, chị em thường xuyên được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thông qua các câu lạc bộ, nhiều nữ doanh nghiệp đã giúp đỡ các hội viên khác bằng vốn hoặc giải quyết việc làm...

Với những việc làm cụ thể, trong 5 năm qua, toàn huyện đã giúp 2.802 phụ nữ nghèo làm chủ hộ, trong đó đã có 661 chị thoát nghèo, kinh tế ổn định, có vốn để tái sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ nghèo của huyện xuống còn 12,6%.

NGỌC THỦY