Đồng chí Đinh Tiến Dũng đắc cử Tổng Kiểm toán Nhà nước

Tin tức - Ngày đăng : 14:12, 02/08/2011

Với 95,4% số phiếu tán thành, tại phiên họp Quốc hội sáng 2-8, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Tiến Dũng đã trúng cử chức Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ QH khóa XIII.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội và phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước được đề cử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sáng 1-8, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã họp thảo luận và cho ý kiến bằng phiếu về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tính đến 14 giờ 30 ngày 1-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận đủ biên bản 63 đoàn và phiếu xin ý kiến. Đến 15 giờ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, có sự tham dự của Thủ tướng, lãnh đạo Ban tổ chức trung ương, lãnh đạo Bộ Nội vụ để nghe ý kiến tổng hợp ý kiến thảo luận của các Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đại đa số các Đoàn và các đại biểu Quốc hội nhất trí với tờ trình số 07 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhân sự Tổng kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị Quốc hội cần có cơ chế giám sát hoạt động của Tổng Kiểm toán Nhà nước; thực hiện giám sát của Quốc hội với cơ quan kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Đoàn Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên.


Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao

Cũng qua thảo luận, có ý kiến băn khoăn cho rằng, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của Quốc hội, do vậy Tổng Kiểm toán Nhà nước nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, nếu không phải là đại biểu Quốc hội liệu có trái quy định hiện hành?

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, theo Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, Kiểm toán Nhà nước không phải là cơ quan thuộc Quốc hội. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan làm nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính, hoạt động độc lập, do Quốc hội thành lập, Tổng Kiểm toán do Quốc hội bổ nhiệm. Luật Kiểm toán Nhà nước cũng không quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước phải là đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm, cũng không trùng với nhiệm kỳ Quốc hội.

Trước những băn khoăn về kinh nghiệm của ông Đinh Tiến Dũng trong lĩnh vực kiểm toán chưa có, thời thuyên chuyển qua các vị trí còn ít..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: ông Dũng được đào tạo cơ bản, trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế tài chính, hệ chính quy và là thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Từ 1983 - 2003, ông Dũng công tác trong lĩnh vực tài chính kế toán; khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng được giao phụ trách lĩnh vực tài chính. Quá trình làm lãnh đạo tại địa phương (Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình) đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cử ông Đinh Tiến Dũng để Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trong quá trình thảo luận tại các Đoàn, có ý kiến đề nghị cử Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh làm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hai vị trên đều xin rút khỏi danh sách được đề cử.

Về kết quả phiếu xin ý kiến, ông Đinh Tiến Dũng nhận được 96,99% số phiếu tán thành của các đại biểu Quốc hội.

Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu trên cũng như kết quả phiếu xin ý kiến, Quốc hội đã chấp thuận để bầu ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, với sự tán thành của 95,4% tổng số đại biểu Quốc hội .

QH nhất trí thông qua cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới

Cũng trong sáng nay, với 97,8% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII, gồm: 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ), 08 cơ quan thuộc Chính phủ không có chức năng quản lý Nhà nước; 04 Phó Thủ tướng. Tổng thành viên Chính phủ là 27 vị.

Bảo Cầm (TN)