Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc
Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 07/08/2011
Về quyền dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng; tức độc lập tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc...
Bác Hồ ân cần thăm hỏi nông dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12-2-1956)
Vấn đề dân tộc mà Hồ Chí Minh đề cập đến trong tư tưởng của mình được thể hiện tập trung chủ yếu ở các nội dung về quyền dân tộc, quan hệ giữa dân tộc và giai cấp và quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Về quyền dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng; tức độc lập tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, tận mắt chứng kiến sự chà đạp của ngoại bang lên tự do độc lập của đất nước, được kết tinh, hun đúc từ tinh thần nồng nàn yêu nước của người dân nước Việt, Hồ Chí Minh cho rằng: đối với một người dân mất nước, cái qúy nhất trên đời là độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân.
Độc lập dân tộc, theo Hồ Chí Minh, phải là độc lập thật sự và độc lập hoàn toàn. Tức là, dân tộc đó phải có đầy đủ chủ quyền (về chính trị, kinh tế, an ninh...) và toàn vẹn lãnh thổ, chứ không phải là chiếc bánh vẽ mà bọn thực dân, đế quốc bố thí. Hiểu một cách đơn giản là nước Việt Nam là của người Việt Nam, mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết. Và giá trị đích thực của độc lập dân tộc phải được thể hiện bằng quyền tự do hạnh phúc của nhân dân, mà theo Người, độc lập dân tộc là "đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế.
Theo Hồ Chí Minh độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Ngay từ khi tiếp cận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Hồ Chí Minh đã hình thành đường lối cứu nước: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, gắn bó thống nhất giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc và CNXH. Người nói: “Cả hai cuộc giải phóng này (dân tộc và giai cấp) chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới.” Tiếp đó, ngay trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1930, Hồ Chí Minh đã xác định cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng (tức cách mạng dân tộc-dân chủ) để đi tới xã hội cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự gắn bó thống nhất giữa độc lập dân tộc và CNXH vừa phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản, vừa phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với mục tiêu giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Xoá bỏ ách áp bức dân tộc mà không xoá bỏ tình trạng bóc lột và áp bức giai cấp thì nhân dân lao động vẫn chưa được giải phóng. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Do đó, giành được độc lập rồi, thì phải tiến lên CNXH, vì mục tiêu của CNXH là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, ở Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước hiện đại, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Là một chiến sĩ quốc tế chân chính, xuất phát từ quan điểm độc lập tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc, Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình mà còn đấu tranh cho độc lập dân tộc của tất cả các dân tộc bị áp bức. Ở Người, chủ nghĩa yêu nước chân chính luôn gắn liền với chủ nghĩa quốc tế cao cả, trong sáng. Người nói: “Chúng ta phải tranh đấu cho tự do độc lập của các dân tộc khác như là tranh đấu cho dân tộc ta vậy". Với Người, phải thông qua thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà đóng góp vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới. Về quan hệ quốc tế, Người tuyên bố với thế giới: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”.
Tựu trung, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vừa mang tính khoa học đúng đắn, vừa có tính chất cách mạng, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, độc lập dân tộc cho mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn đòi hỏi chúng ta phải chủ động đón lấy và sáng suốt vượt qua. Để làm được điều đó chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc và CNXH nhằm tạo ra những nguồn lực mới, đưa sự nghiệp đổi mới vững bước tiến lên, giành những thắng lợi mới.
MINH XUÂN