Nghệ sĩ nhiếp ảnh của đồng quê
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 07:29, 07/08/2011
Ở tuổi 63, niềm đam mê nghệ thuật trong nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông vẫn chưa cạn. Hằng ngày ông vẫn vác máy tới các vùng quê tìm những khoảnh khắc đẹp để lưu giữ vào ống kính.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Thông xem lại các tác phẩm của mình
Buổi chiều một ngày đầu tháng 8, chúng tôi về thị trấn Cẩm Giàng tìm gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban Nhiếp ảnh Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh. Ở tuổi 63, niềm đam mê nhiếp ảnh trong ông vẫn chưa cạn. Hằng ngày ông vẫn vác máy tới các vùng quê tìm những khoảnh khắc đẹp để lưu giữ vào ống kính.
Trần Quang Thông vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Ngay từ nhỏ ông đã tìm tòi và đến với nghiệp ảnh như là một công việc phụ giúp cha kiếm sống. Năm 1967, nghe theo tiếng gọi của đất nước, chàng thanh niên trẻ Quang Thông lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, ông chụp ảnh phục vụ công tác tuyên huấn, rồi chuyển sang chụp ảnh trinh sát các mục tiêu quân sự của địch. Năm 1971, trong khi làm nhiệm vụ, ông bị thương và được chuyển ra Bắc công tác tại Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Quân khu IV. Năm 1973, ông phục viên về quê mở hiệu ảnh nhỏ tại thị trấn Cẩm Giàng. Ngoài mưu sinh, ông vẫn dành phần lớn thời gian cho niềm đam mê nghệ thuật. Không gian làng quê, những con người bình dị đã trở thành chất liệu sáng tạo vô tận trong những tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Các sáng tác của nghệ sĩ Quang Thông đều có chủ thể là con người, những gì gần gũi, thân thương với chốn thôn quê bình dị. Mỗi tác phẩm là hơi thở cuộc sống mộc mạc, đơn sơ. Điều đó đã tạo nên nét đặc biệt cho các bức ảnh của ông.
Trong cuộc đời cầm máy của mình, Trần Quang Thông đã cống hiến cho đời hàng trăm bức ảnh nghệ thuật giá trị. Ông còn được mọi người biết đến với hàng chục giải thưởng lớn nhỏ trong các kỳ triển lãm ảnh nghệ thuật. Song nhắc đến Trần Quang Thông không thể không nhắc đến hai bức ảnh “Lấp lánh ánh chiều” và bức “Thương nhớ ngày mùa”. “Lấp lánh ánh chiều” đã được chọn đăng trong tập “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX”. Để thực hiện thành công bức ảnh này, ông đã mất hàng tháng trời lặn lội trên các cánh đồng để tìm khoảnh khắc mà ông cảm thấy ấn tượng nhất. Ông kể: “Vào một buổi chiều, tôi đang lang thang trên đồng thì nghe thấy tiếng gọi: "Anh chụp chúng em đi". Tôi quay thì thấy bốn cô gái đang đi trên bờ ruộng. Bất chợt cảm xúc ào đến, thế là ông lia máy ghi lại hình ảnh đó”. Khi bức ảnh được rửa ra, ông không giấu nổi niềm vui. Khi gửi đi dự thi, bức ảnh đã đem về cho ông giải Vàng tại Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1987. Tiếp nối mảng đề tài sở trường, bức ảnh “Thương nhớ ngày mùa” của ông chụp một người phụ nữ đang ngồi nghỉ ngơi sau công việc đồng áng. Trang phục giản dị kết hợp với bối cảnh và nụ cười, ánh mắt mãn nguyện với công việc và cuộc sống lao động nơi thôn quê đã làm nên sức sống cho tác phẩm. Bức ảnh đã đem về cho ông giải Bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2009 và được đồng nghiệp, người xem đánh giá cao.
Một đời lao động, cống hiến cho nghệ thuật, cụm 3 tác phẩm ảnh “Tiếp mùa - Ruộng mật - Lấp lánh ánh chiều” của ông đã vinh dự được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2011.
DƯƠNG TRƯỜNG