Trường ca "Ba phần tư trái đất"- Thơ dựng chủ quyền Tổ quốc
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:20, 07/08/2011
Nhà thơ Thi Hoàng có câu thơ có lẽ bất cứ ai yêu thơ từng sống những năm bom đạn Mỹ khốc liệt ném xuống đất này đều nhớ:
Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc.
Nhưng nói tài nghệ thơ Thi Hoàng có lẽ trước hết phải nói tới trường ca, mà “Ba phần tư trái đất” (in trong tập “Tuyển trường ca và thơ Thi Hoàng” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành) là trường ca “nặng ký” nhất của ông. Viết từ thập niên 80 thế kỷ 20, nhưng bây giờ đọc lại nhiều cảm xúc, nghĩ suy, gợi mở của nhà thơ về biển đảo vẫn mang đậm chất thời sự, khiến chúng ta trăn trở về sự vẹn toàn lãnh hải:
Đừng đem tâm địa quắt quay
Bắt biển thế này buộc biển thế kia…
Ở dưới biển có cuốn kinh
Ai đọc một mình không đọc nổi đâu
Cho dù bàn cãi bao nhiêu
Điều lương tâm vẫn thắng điều âm u…
Bởi trên trái đất này biển chiếm tới ba phần tư, và biển ở đâu cũng xanh vời vợi thế, nên dẫu có toan tính gì chăng nữa thì biển vẫn “đồng cảm, điều hòa với tính khí của tình yêu chân thật”, bất chấp mọi mưu toan:
Biển có mặt ở ba phần tư trái đất
Biển chẳng chui vào chiếc túi có âm mưu
Của những kẻ muốn vuốt con cá song dài thành… sợi thép gai
Chẳng cho ai quyền lãnh hải và quyền tài phán
Cãi vã làm gì xem nơ-tơ-rôn là bom sạch hay bom bẩn
Kẻ gieo gió thì đương nhiên phải gặt bão thôi mà.
“Ba phần tư trái đất” là trường ca dài, với bảy chương, không kể phần mở đầu và phần kết, mỗi chương tác giả đều đặt một cái tên khá gợi, chẳng hạn chương I: “Có một con người, có một hòn đảo”. Từ một sự việc rất thật là có vợ chồng ngư dân sinh một đứa con trên biển, sáu tuổi bé đánh vần chữ A, mười tuổi đêm nằm mơ biển thở, mười năm tuổi biết đi ra biển một mình, đến khi mười bảy thì nụ cười trắng xóa trên môi và mỗi khi nhìn con gái lại cứ ngỡ như ánh trăng, như lượn sóng. Và thế là “Đảo thành quả chuông trời vang vọng”. Thế nên:
Biển và đá đảo yêu người
Những gì con người để lại
Góp nhặt lại gìn giữ mãi
Dẫu là chỉ dấu chân thôi.
Đúng là mỗi hải lý biển của ta hôm nay đều in dấu chân bao thế hệ ông cha ta đến trước, và cả những cháu con tiếp bước sau này. Cứ như thế, từ cái cụ thể, giản dị đến cái cao cả, thiêng liêng, dẫu đến bất cứ nơi nào trên biển đảo của chúng ta cũng đều in đậm sự tích, con người Việt Nam ta ở đó. Nhà thơ không ngần ngại dẫn ra cả những con số, từ vị trí địa lý biển của ta: “Ở vùng vĩ tuyến 8 độ 30 đến 23 độ 20 bắc/Và kinh tuyến 102 độ 10 đến 109 độ 30 đông”, rồi đến dung lượng nước trong biển cả mênh mông: “Dẫu một nghìn ba trăm bảy mươi triệu ki-lô-mét khối nước/Dẫu ba trăm sáu mươi mốt triệu ki-lô-mét vuông bề mặt”. Từ đó, nhà thơ thay chúng ta khẳng định sự hiện diện của biển, của mỗi người Việt Nam với biển yêu thương gắn bó đến chừng nào:
Thịt da tôi gửi đất liền
Hồn tôi yêu biển theo thuyền ra khơi.
Chính sự hiện diện của con người Việt Nam ta với biển là sự khẳng định bất di bất dịch chủ quyền lãnh hải, theo cách nói của thi ca:
Có một hàng chữ ở ngoài kia
Hàng chữ chính tay anh đã khắc
Biển có mặt ở ba phần tư trái đất
Hàng chữ hồn con anh nhập vào.
Câu thơ sừng sững như cột mốc dựng trên đại dương, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc chúng ta. Có lẽ với ý nghĩa ấy mà nhà thơ gạch chân như nhấn mạnh câu thơ: “Biển có mặt ở ba phần tư trái đất”, bởi đó là lẽ tự nhiên trên hành tinh này đã kiến tạo ra thế, không ai có thể muốn mà được; không những thế, phần biển đảo ấy lại đã từng thấm hồn cốt, máu xương bao người con đất Việt đổ xuống giữ gìn mới có ngày nay.
Với trường ca “Ba phần tư trái đất”, người đọc có thể thấy tình yêu quê hương, đất nước và ý thức trách nhiệm công dân, cùng một tư duy triết học, tư duy văn hóa và tư duy thi ca hòa quyện trong con người nhà thơ. Cũng vì thế, trường ca “Ba phần tư trái đất” ra đời cách đây hơn 30 năm, nhưng lần tái bản này đọc lại vẫn thấy nhiều điều đáng ngẫm ngợi, suy nghĩ. Bởi những gì nhà thơ nói tới về biển đảo của chúng ta giờ đây vẫn nóng hổi tính thời sự, rất đáng để đọc và suy ngẫm.
CAO NĂM