Giá niêm yết vùn vụt tăng
Liên tục trong mấy tháng trở lại đây, giá niêm yết các mẫu xe máy Honda lần lượt tăng cao. Khởi đầu cho sự 'đột phá' này có thể kể đến sự tăng giá của mẫu tay ga ăn khách nhất đối với phụ nữ: Honda Lead. Ngày 10-3, Honda Việt Nam (VN) đã tung ra Lead phiên bản 2011 với hai cải tiến nhỏ (thêm chân chống phụ, thay đổi kiểu vành đúc) và sự đột biến lớn về giá: giá bán lẻ đề xuất tăng 3 triệu đồng, lên các mức tương ứng 35-35,5 triệu đồng/chiếc tuỳ màu.
Sau đó khoảng 1 tháng, ngày 8-4, Honda VN lại ra mắt Air Blade 2011 với giá bán lẻ đề xuất cũng tăng 3-4 triệu đồng, lên 36-37 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, khác với sự thay đổi nhỏ của Lead, Air Blade 2011 có khá nhiều sự thay đổi, cải tiến về thiết kế, tính năng dù vẫn sử dụng động cơ phun xăng điện tử 110 cc như bản cũ.
Đan xen giữa những lần tăng giá thông qua phiên bản mới nói trên là những đợt tăng giá âm thầm. Điển hình như mẫu xe ăn khách hàng đầu của Honda giai đoạn cuối 2010, đầu 2011 là PCX đã âm thầm đội giá đề xuất thêm 9 triệu đồng, lên 59 triệu đồng kể từ 1/4 mà không có bất kỳ sự thay đổi cải tiến nào. Tới đầu tháng 7, giá niêm yết của Air Blade cũng tịnh tiến thêm 1 triệu đồng, lên 37-38 triệu đồng/chiếc. Đầu tháng 8 vừa qua, Honda VN cũng lặng lẽ tăng giá bán lẻ của 4 mẫu xe số, xe ga lai số, trong đó đa số là các mẫu xe bình dân dành cho người có thu nhập trung bình, thấp, với mức tăng từ 600 nghìn đến 3 triệu đồng/chiếc.
| Giá niêm yết PCX tăng vọt 9 triệu đồng ngày 1/4/2011. ảnh QT |
Lý giải cho sự tăng giá này, Honda VN thường có một câu trả lời chung là chi phí sản xuất tăng cao dưới tác động tăng của tỷ giá VND với USD và một số ngoại tệ khác; giá điện, giá xăng dầu tăng...Đại lý kêu "oan", người tiêu dùng chịu thiệt
Theo giải thích của Honda VN, sự tăng giá niêm yết dường như là việc bất khả kháng. Tuy nhiên, là người chủ động tạo ra sự thay đổi và quyết định mức độ thay đổi, Honda VN được cho là có lợi nhất nếu chỉ nhìn vào sự thay đổi giá trong ngắn hạn. Ngược lại về dài hạn, việc điều chỉnh giá của nhà sản xuất có tính toán tới cả sự bù đắp về sự thiệt thòi trước đó cũng như dự liệu về mức tăng trong tương lai nên việc xác định lợi - thiệt không rõ ràng. Chỉ có điều, theo quy luật của thị trường, sự tăng giá bất hợp lý sẽ gây phản ứng tiêu cực từ phía người tiêu dùng, thậm chí nhiều trường hợp tẩy chay và quay lưng lại, dù đó là thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm có chất lượng...
Về phía các đại lý uỷ nhiệm của Honda (Head), nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá niêm yết của Honda sẽ khiến đại lý tự do đội giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Thực tế điều này không sai. Đa số các trường hợp sau khi Honda VN tăng giá bán lẻ, đại lý cũng tăng giá theo, thậm chí tăng mạnh hơn mức tăng của nhà sản xuất, theo kiểu "nước lên, thuyền lên". Điều gây bức xúc nhất với người tiêu dùng là giá bán thực tế nhiều mẫu xe cao hơn nhiều so với giá đề xuất và phần chênh lệch này đại lý "ôm" trọn mà không phải chịu bất kỳ loại thuế hay chi phí nào khác.
| Air Blade cũng đang được bán dưới giá niêm yết. ảnh QT |
Tuy vậy, nếu xét ở thời điểm hiện tại, một số đại lý Honda cho biết họ đang chịu thiệt đối với mảng xe tay ga, gồm tất cả những mẫu đã từng làm mưa làm gió và gây nhiều điều tiếng trên thị trường thời gian qua như Air Blade, Lead, PCX. Giá niêm yết tăng cao, nguồn cung xe tay ga ồ ạt tăng khiến các đại lý không còn cách nào khác phải đua nhau hạ giá, khuyến mãi và thậm chí bán dưới giá niêm yết. Chẳng hạn hiện các mẫu Air Blade, Lead có mức giá bán lẻ thấp hơn giá đề xuất 500 nghìn đến 1 triệu đồng/chiếc, PCX thậm chí thấp hơn 4-5 triệu đồng/chiếc.
"Giá niêm yết tăng nhưng nhu cầu thị trường đang yếu thì chúng tôi không thể tăng giá theo được. Riêng với PCX hiện nay các đại lý đều chỉ mong bán được hoà vốn" - quản lý một đại lý Honda cho biết - "Hiện các đại lý đang dựa vào kinh doanh xe số đề bù đắp cho phần xe ga. Tuy nhiên thời gian tới, khi nguồn cung xe số tăng trở lại thì không thể nói trước diễn biến thị trường thế nào".
Như đa số các trường hợp và mặt hàng khác, người tiêu dùng cuối cùng luôn là người phải gánh chịu thiệt thòi nếu xét theo tính thời điểm. Sự thay đổi đột ngột, không báo trước của nhà sản xuất đã khiến nhiều người tiêu dùng có cảm giác bị 'móc túi' từ sự chênh lệch giữa giá đề xuất cũ và giá mới, chưa kể mức chênh lệch giá đề xuất và giá bán thực tế.
Dẫu vậy, nhìn tổng thể, mối quan hệ giữa nhà sản xuất, đại lý và người tiêu dùng là mối quan hệ chắt chẽ, nơi người tiêu dùng sẽ có quyền quyết định nếu họ biết tập hợp sức mạnh và "tiêu dùng thông thái" chứ không ở tình trạng thế yếu nhất như hiện nay. Công Thường - Anh Nhi (VnM)
|