Người dân còn thờ ơ với hàng Việt

Thị trường - Ngày đăng : 08:51, 15/08/2011

Mặc dù việc triển khai CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại tỉnh ta được 2 năm nhưng việc đưa hàng Việt tới người tiêu dùng còn gặp khó...



Trong Hội trợ Xúc tiến thương mại được tổ chức tại Gia Lộc vẫn đầy rẫy
hàng ngoại rẻ tiền. Ảnh tư liệu


Tháng 8-2008, Bộ Chính trị phát động cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng đối với mỗi người dân Việt. Ở tỉnh ta, CVĐ này chính thức được khởi động từ tháng 8-2009. Tuy nhiên, sau hai năm việc đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng (NTD) trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến chợ Đọ, xã Phạm Kha (Thanh Miện), chúng tôi thấy hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú nhưng có nhiều mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Ở một gian hàng bán quần áo, tôi thấy từ áo sơ mi của người lớn, quần áo trẻ em cho tới quần áo lót đều có mác “made in China”. Ở đây các mặt hàng gia dụng quen thuộc hằng ngày như: dao, thìa, muôi, bát ăn cơm, cốc uống nước cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Đỗ Lâm Hạ, khách hàng mua đồ gia dụng tại chợ cho biết: "Hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã lại đa dạng phong phú, biết là không bền nhưng nông dân chúng tôi vẫn mua vì tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Chẳng hạn như: nồi cơm điện Gold sun của Trung Quốc có giá bán chỉ 300-500 nghìn đồng, rẻ gần một nửa so với nồi cơm điện cùng loại được sản xuất tại Việt Nam”.

Ở khu vực nông thôn, nhu cầu mua sắm của người dân rất lớn nhưng thực tế trong 2 năm thực hiện CVĐ, toàn tỉnh mới chỉ có 4 huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành, Kinh Môn tổ chức được các hội chợ kích cầu ở nông thôn, còn lại hầu như "im ắng". Ở những hội chợ tổ chức tại nông thôn, chất lượng hàng Việt còn thấp, chưa phong phú, do đó lượng người dân đến mua sắm chưa nhiều. Đặc biệt, các kỳ hội chợ giới thiệu hàng Việt mới chỉ tập trung tại khu vực thị tứ, thị trấn, chưa đến được các xã vùng xa của tỉnh. Hầu hết các hội chợ này chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh của tỉnh tham gia, do đó chưa tạo được mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu dùng.

Hội chợ “Thương hiệu vàng” tỉnh Hải Dương được tổ chức tháng 3-2011 với mục đích giới thiệu đến NTD những thương hiệu nổi tiếng trong nước nói chung và hàng Hải Dương nói riêng. Tuy nhiên, đến hội chợ này tôi thấy hàng hoá được trưng bày không đúng như người ta đã quảng bá. Tại đây không thấy xuất hiện những mặt hàng Việt Nam như: Việt Tiến, May 10, Nhà Bè và sản phẩm của ngay doanh nghiệp tỉnh nhà như: May I, May II, chỉ thấy những đống quần áo bán một giá như hàng hóa vẫn bày bán ở "siêu thị mặt đất" hay ngoài vỉa hè, nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc hoặc từ những hãng may mặc gia công trong tỉnh.

Nhiều hội chợ chỉ giới thiệu và bán hàng hóa thuần túy mà chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu Việt. Đó là chưa kể đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc đưa hàng Việt về nông thôn để bán trà trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng... ảnh hưởng tới tâm lý người mua, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của CVĐ. Tại khu vực thành phố, hàng Việt cũng đã được quan tâm giới thiệu tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng việc tuyên truyền, quảng bá thương hiệu hàng Việt tại các khu vực này còn khiêm tốn, chủ yếu mới qua hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu...

Ở nhiều địa phương, CVĐ mới hô hào, khẩu hiệu chung chung; việc đôn đốc chỉ đạo thực hiện CVĐ còn lúng túng, chưa thường xuyên và thiếu tính chuyên nghiệp. Một số địa phương nguồn kinh phí dành cho CVĐ còn hạn chế nên công tác tổ chức, xây dựng các chương trình cụ thể cho CVĐ chưa thực hiện được.


Nhiều mặt hàng Việt còn bị lép vế ở các chợ quê

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Mai Văn Hội: “CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở tỉnh ta chưa hiệu quả. Hiện hàng Việt trong các siêu thị chiếm tới 90% nhưng nếu các doanh nghiệp không biết cách quảng bá và nâng cao chất lượng hơn nữa sẽ khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại. Vùng nông thôn chiếm 70% số dân toàn tỉnh nhưng lượng hàng Việt về những nơi này mới chỉ chiếm gần 50%, quá thấp so với nhu cầu thực tế của NTD. Bên cạnh đó, số lượng các hội chợ kích cầu tiêu dùng hàng Việt còn ít và chưa thu hút được người dân”. Thời gian qua, Sở Công thương đã tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng cá nhân. Vận động các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất và tích cực quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới tay NTD. Tuy nhiên, để CVĐ thực sự có hiệu quả, thời gian tới, cùng với Sở Công thương, các cấp, các ngành liên quan cần đóng góp tích cực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng và gây dựng lòng tin của NTD với hàng Việt.

Có thể thấy, chất lượng hàng hóa chưa ổn định là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho NTD còn dè dặt với hàng Việt. Xây dựng lòng tin của NTD đối với sản phẩm là một yếu tố quan trọng để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành công trên địa bàn tỉnh ta. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh mạnh hơn đối với hàng ngoại trên thị trường, nhất là với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, khuyến mãi để thu hút NTD với hàng Việt, từ đó thay đổi thói quen "sính ngoại" của người dân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, coi đây là một giải pháp quan trọng để thay đổi nhận thức của NTD với hàng Việt. Sở Công thương cần tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức các hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao", hội chợ "Kích cầu tiêu dùng" hoặc thực hiện các đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Lực lượng quản lý thị trường phát huy hơn nữa vai trò giám sát, kiểm tra phát hiện những sản phẩm hàng Việt kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường khiến NTD giảm lòng tin đối với hàng Việt; phát huy vai trò của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD. Nhiều thương hiệu trên địa bàn tỉnh ta như bánh đậu xanh, đá mài, sứ, nông sản... từ lâu đã quen thuộc với NTD nên cần được quan tâm hơn nữa trong việc quảng bá và xây dựng hình ảnh trong các kỳ hội chợ, triển lãm và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại cần tăng cường giới thiệu và bán hàng Việt bảo đảm chất lượng...

HẢI MINH