Nhọc nhằn cộng tác viên dân số
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:59, 18/08/2011
Công việc khá vất vả, phụ cấp lại thấp nhưng nhiều CTV dân số vẫn làm tốt công việc của mình, góp phần giữ vững công tác dân số địa phương...
Cộng tác viên dân số xã Thanh Xá (Thanh Hà) đến từng gia đình để tuyên truyền
Cách TP Hải Dương hơn 40 km, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) có 4 trong tổng số 8 cộng tác viên (CTV) dân số là đàn ông, ở những nơi khác làm công việc này đều là chị em phụ nữ. Anh Hoàng Đức Chung, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, xã chỉ có 780 hộ dân nằm rải rác trên địa bàn rộng ở 7 thôn. Có lẽ vì vậy chỉ có đàn ông mới đủ sức khỏe đến với các gia đình tuyên truyền về dân số. Đặc biệt, thôn Đồng Châu nằm ở vị trí xa nhất và rộng nhất xã, giáp hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh nên phải bố trí cả 2 CTV đều là đàn ông thì mới vượt qua được những sườn đồi, khe suối để đến được với dân. Chúng tôi đi gần 7 km đường đất gập ghềnh từ UBND xã về đến trung tâm thôn Đồng Châu. Mặc dù là nơi tập trung đông dân nhất của thôn nhưng chúng tôi cũng chỉ thấy có vài ba nóc nhà lấp ló sau những hàng cây. Anh Chung chỉ về hướng những dãy đồi xa xa: “Khoảng 50 hộ nằm rải rác trên các sườn đồi kia. Gọi là "hàng xóm" nhưng có nhà cách xa nhau đến 1 km, các CTV dân số phải đi qua hơn 10 khe suối mới đến nơi. Đi một ngày đường cũng không thể hết các nhà trong thôn. Ở đây loa phát thanh của xã không tới được, sóng điện thoại chập chờn nên việc thông tin liên lạc gặp rất nhiều khó khăn”. Khó khăn như vậy nhưng hai CTV dân số vẫn kiên trì với công việc. Anh Lương Văn Toản, gắn bó với công tác dân số của thôn đã 10 năm nay, cho biết: “Do đặc thù của địa bàn, có hộ cách xa khoảng 3 km đường đồi nên tôi không thể đến các hộ liên tục mà phải chú ý đến những gia đình có ý định sinh con thứ ba, gia đình có con một bề để tuyên truyền có trọng điểm. Có khi mất nửa ngày mới đến gia đình họ nhưng không gặp đành phải nhắn lại hẹn hôm khác lên". Các phương tiện phục vụ công tác truyền thông dân số cũng gặp khó khăn. Đội ngũ làm công tác dân số ở đây thường nhờ loa phát thanh của xã để phát các chuyên đề về dân số. Những khi có việc hay tổ chức các cuộc họp thì người nọ truyền tai người kia, hẹn đi hẹn lại nhiều lần mới tụ họp được đông đủ người. Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ cán bộ, CTV dân số ở xã luôn nhiệt tình với công việc. Đến nay, 5 trong tổng số 8 CTV đã gắn bó với công việc này được 17- 18 năm. Nhờ vậy, nhiều năm nay công tác dân số- KHHGĐ ở xã luôn đạt kết quả cao; xã nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba, tỷ số giới tính khi sinh thấp hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh (112/100), tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 85%...
Xã Thanh Xá (Thanh Hà) có nhiều hộ ở những vùng chuyển đổi kinh tế nên công việc của các CTV dân số cũng không kém nhọc nhằn. Chị Nguyễn Thị Xìm, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: “Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên dân cư trong xã nằm rải rác. Xã có 5 thôn với hơn 1.000 hộ, trong đó có hơn 10 gia đình trẻ ở các vùng chuyển đổi nên công tác tiếp cận, tuyên truyền khó khăn hơn những vùng khác. Đối với các gia đình này, chúng tôi phải tận dụng mọi mối quan hệ, quen biết trong làng xóm để thường xuyên hỏi thăm tình hình và kịp thời truyền thông nâng cao nhận thức cho họ”. Hầu hết các CTV dân số của xã Thanh Xá đều tham gia Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã nên có điều kiện tiếp cận với các chị em để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình. Chị Quách Thị Xuyến làm CTV dân số gần 20 năm nay chia sẻ: “Biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất là đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Quan niệm trọng nam, khinh nữ, gia đình có nếp có tẻ, vẫn còn tiềm ẩn trong nhận thức của nhiều gia đình”. Để làm thay đổi nhận thức này, chị Xuyến nói riêng và các CTV dân số ở xã Thanh Xá nói chung đã dùng uy tín cũng như chính hoàn cảnh của bản thân để tuyên truyền. Những ví dụ sinh động ấy có sức thuyết phục mạnh mẽ nên những năm gần đây tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở xã giảm hẳn.
Tỉnh ta hiện có 265 cán bộ chuyên trách dân số cấp xã và hơn 2.900 CTV dân số. Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số đã được hưởng lương nhưng các CTV dân số chỉ được hưởng phụ cấp quá ít ỏi (70 nghìn đồng/người/tháng) không đủ chi tiêu khi tham gia các hoạt động. Thực tế cho thấy đã có không ít CTV bỏ việc do chế độ đãi ngộ còn hạn hẹp. Những CTV còn trụ lại nhiều năm phần lớn do kinh tế gia đình đã ổn định và có lòng nhiệt tình đối với công tác dân số. Để khuyến khích đội ngũ này tận tâm hơn với công việc, các cấp chính quyền trong tỉnh cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp hơn.
MINH HẠNH