Nghị lực của một chàng trai khuyết tật
Việc tử tế - Ngày đăng : 08:06, 18/08/2011
Vượt qua khó khăn từ chính khiếm khuyết trên cơ thể mình, em Nguyễn Văn Điện đã nỗ lực học tập và thi đỗ Học viện Y dược học cổ truyền...
Điện là con thứ hai của anh Điển, chị Phương. Ngay từ khi Điện chào đời, vợ chồng anh Điển đã nhận thấy sự bất thường ở con. Điện được các bác sĩ chẩn đoán bị liệt dây thần kinh ở tay trái và chân phải, tay phải của em cũng không thể cử động linh hoạt. Đó thực sự là cú sốc lớn đối với vợ chồng anh Điển. Anh chị đã đưa con đi khắp nơi chạy chữa nhưng đều nhận được những cái lắc đầu thất vọng. Năm Điện 3 tuổi, em mới chập chững những bước đi đầu tiên - những bước đi khó nhọc bằng hai mắt cá chân. Bố mẹ em rơi nước mắt khi thấy cậu con trai bé nhỏ phải chịu quá nhiều đau đớn. Khi đến tuổi đi học, bố mẹ Điện đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để em có thể tới trường, đưa đón em trong suốt 3 năm học đầu. Không chỉ đi lại khó khăn, tay phải của em cũng không thể cử động linh hoạt, vì vậy việc cầm bút cũng không hề dễ dàng. Bàn tay của em run rẩy với những nét chữ nguệch ngoạc, nhoè mực, nhưng đằng sau mỗi nét chữ ấy là một sự cố gắng không ngừng. Tới năm lớp 4, Điện đã tự đi học bằng chính đôi chân của mình mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Mọi người ở xóm Bình đã quá quen thuộc với hình ảnh cậu bé Điện khó nhọc đi bằng 2 mắt cá chân nhưng vẫn chăm chỉ cắp sách tới trường. Quãng đường từ nhà tới trường gần 2 cây số đối với Điện là một hành trình dài đầy khó khăn, thử thách. Chị Phương cho biết: "Có những khi thấy quần của con bị rách đầu gối vì ngã nhiều, lòng tôi quặn thắt nhưng phải để cho con tự bước đi, tự cố gắng". Năm 12 tuổi, Điện được bố mẹ đưa lên Hà Nội để điều trị chân, lúc này việc đi lại của em đã bớt khó khăn hơn trước. Không chỉ cố gắng trong học tập, Điện còn tranh thủ làm những việc phù hợp để giúp đỡ bố mẹ. Nhiều khi cơm canh bị đổ nhưng em vẫn cố gắng làm, không muốn mình trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Những năm học THPT, hằng ngày Điện phải đạp xe trên đoạn đường dài 8 - 9 cây số để tới trường. Điều khiển xe một tay, mỗi vòng bánh xe lăn là mỗi vòng đôi chân yếu ớt của em cố hết sức guồng bàn đạp, thân hình gầy gò của em vẹo qua một bên trong cơn mưa tầm tã hay nắng hè gay gắt... Nhưng những khó khăn trở ngại không làm em chùn bước mà đã trở thành động lực thôi thúc em với khát vọng cháy bỏng: phải cố gắng học tập hết sức mình. Bên cạnh em luôn có sự giúp đỡ, động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè. Đặc biệt, thầy Trịnh Văn Tuấn dạy môn sinh học rất quan tâm, khuyến khích em học tập. Chính thầy là người tư vấn cho em thi vào Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Cũng từ đó tình yêu với nghề y lớn dần trong em, tiếp thêm cho em nghị lực để vươn lên, chiến đấu với tật nguyền. Những ngày tháng ôn thi, vượt qua nỗi đau của bệnh tật, Điện miệt mài học, có những hôm em thức tới 1 - 2 giờ sáng. Rồi niềm vui dường như vỡ oà khi em trúng tuyển vào Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam với 21 điểm (thừa 2,5 điểm).
Giờ đây, Điện đang bước những bước vững chãi bằng chính đôi chân của mình trên con đường mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng: con đường mang tên "nghị lực".
PHẠM THỊ HUYỀN TRANG