Cuộc cách mạng làm thay đổi số phận của cả một dân tộc

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 19/08/2011

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta không chỉ là một cuộc cách mạng giải phóng mà còn là một cuộc cách mạng phát triển.



Ngày 19-8-1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội)


Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã vùng dậy, lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi cùng với bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc đã khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa của Việt Nam.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, từ đây, Tổ quốc được độc lập, dân tộc và nhân dân ta được hưởng quyền tự do, hạnh phúc.

Ngót một thế kỷ với ách thống trị tàn bạo của đế quốc thực dân, nhân dân ta sống trong cảnh bị đọa đầy, đau khổ, bị chìm đắm trong những đêm dài tăm tối... đã chấm dứt.

Là một cuộc cách mạng kiểu mới và điển hình trong một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến, cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam được cổ vũ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và thời đại mới do chính cuộc cách mạng đó sinh thành. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng chống đế quốc thực dân và phong kiến, đập tan mọi xích xiềng nô lệ, khẳng định những quyền cơ bản thiêng liêng của con người - quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Cách mạng đã thực hiện những quyền đó trên nền tảng của quyền tự quyết dân tộc, độc lập chủ quyền của dân tộc là cơ sở để thực hiện các quyền tự do, dân sinh và dân chủ của con người.

Cách mạng Tháng Tám đã dẫn tới Tuyên ngôn độc lập và Tuyên ngôn độc lập đã tổng kết và nâng cao tầm vóc của cuộc Cách mạng vĩ đại này, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn có vị trí và ý nghĩa xứng đáng trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại. Lịch sử càng lùi xa, những tư tưởng, giá trị và những bài học kinh nghiệm của các cuộc cách mạng chân chính do sức mạnh đoàn kết và sáng tạo của nhân dân làm nên càng trở nên sâu sắc và sống động.

Nhớ lại hơn 80 năm về trước, khi Đảng còn chưa ra đời, cách mạng còn đang ấp ủ những mầm mống sinh thành, trong tác phẩm nổi tiếng “Đường Cách Mệnh” (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: Cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển.

Người còn nói rõ, muốn làm cách mệnh xã hội, trước hết phải cách mệnh chính bản thân mình đã.
Bởi thế, muốn cho cách mệnh thắng lợi và đến nơi (tức là triệt để) thì Đảng cách mệnh, người cách mệnh phải có chủ nghĩa làm cốt, phải giữ chủ nghĩa cho vững và phải ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất.

Trong hình thức dung dị của ngôn từ, đây thực sự là những quan niệm, những định nghĩa kinh điển về cách mạng và nhân cách của người cách mạng.

Với tư cách là tư tưởng, đây thực sự là những tư tưởng lớn, những dự cảm sâu sắc ở tầm chiến lược, được vạch ra bởi một thiên tài - kết tinh sâu sắc và tốt đẹp nhất những tinh hoa của dân tộc và thời đại. Thiên tài ấy là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Thế kỷ XX - một thế kỷ anh hùng và bi tráng, thế kỷ đã sản sinh ra những cuộc cách mạng điển hình, mở đầu bằng cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tiếp nối bởi cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, cách mạng 1949 của Trung Quốc cũng như cách mạng Cuba những năm 60 và những cuộc cách mạng khác.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta không chỉ là một cuộc cách mạng giải phóng mà còn là một cuộc cách mạng phát triển.

Lập nên chính quyền cách mạng, làm lọt lòng chính thể dân chủ cộng hòa và nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đó mới chỉ là bước khởi đầu của sự nghiệp dựng xây sáng tạo. Cách mạng Tháng Tám còn tiếp tục biết bao những việc lớn lao khác ngay sau ngày độc lập, tập trung mọi nỗ lực của quốc dân đồng bào trên tư cách những người chủ của xã hội mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của nhà nước, bắt tay ngay vào việc giải quyết những công việc cấp bách. Đó là chống giặc đói, chống giặc dốt, xây dựng chính thể, soạn thảo Hiến pháp, tổng tuyển cử tự do bầu ra quốc hội, gây dựng đời sống văn hóa mới, cải tạo gột rửa những tàn tích thực dân phong kiến, đoàn kết lương giáo, thực hiện tự do tôn giáo và tín ngưỡng, thi hành chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác, là bạn của tất cả các nước dân chủ. Chương trình hành động ấy của Chính phủ và nhân dân ta dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ rệt tính thiết thực, hữu ích, chủ động và sáng tạo của một sự nghiệp xây dựng xã hội dân chủ vì dân. Điều ấy càng cho thấy tính chất phát triển của cuộc cách mạng với sức mạnh và nền tảng dân là gốc của nước, cách mạng là sự nghiệp sáng tạo của quần chúng nhân dân.

Trong những ngày đầu dựng nước, Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh: chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng những quyền tự do dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng. Hơn nữa, dân đã có quyền làm chủ thì dân cũng có nghĩa vụ của người chủ.

Vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đánh bại chủ nghĩa thực dân, cả cũ lẫn mới, hoàn thành sứ mệnh giải phóng đồng thời từng bước xây dựng kiến thiết đất nước trong suốt cuộc hành trình hơn 6 thập kỷ qua - Đó là sự vận động không ngừng không nghỉ của Cách mạng Tháng Tám, của dân tộc Việt Nam trong tiến trình phát triển cách mạng.

Giải phóng để phát triển, đổi mới để phát triển và giờ đây Việt Nam đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, vượt qua những điểm nghẽn của phát triển bằng những đột phá, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiện đại, đẩy mạnh cải cách hành chính và tư pháp, xây dựng xã hội dân chủ với Nhà nước pháp quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng như văn kiện Đại hội XI đã chỉ ra - đó là sự phát triển hợp lôgíc của tinh thần Cách mạng Tháng Tám từ lịch sử đến hiện tại.

GS.TS HOÀNG CHÍ BẢO