Xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:11, 19/08/2011

Việc thu gom chất thải chăn nuôi rồi xử lý thành phân bón hữu cơ đã hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường...

Xã Lai Vu (Kim Thành) có nghề chăn nuôi khá phát triển. Khi bước chân vào đầu làng, mùi hôi thối bốc lên từ mương nước, từ bùn, cống rãnh do chất thải chăn nuôi trực tiếp thải ra đen ngầu, ứ đọng không lối thoát, ai cũng sợ.

Cựu quân nhân Bùi Bách Chinh nghĩ sao mình không tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để có thể "biến" bùn, chất thải thành phân bón? Nghĩ là làm, ông đã thành lập cơ sở xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ, tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội, làm sạch môi trường.

Sau khi được sự hỗ trợ của người cháu làm ở một công ty phân bón, ông đầu tư bơm hút cát lấp ao nuôi cá xây dựng cơ sở xử lý chất thải chăn nuôi. Lúc đó có người gàn, khuyên ông làm trang trại chăn nuôi còn hơn. Nhưng ông đã quyết tâm làm, bàn với vợ vay vốn đầu tư mua máy trộn, xe kéo, dụng cụ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công việc, rồi thuê công nhân. Nhiều người không dám nhận việc vì họ sợ độc hại và sợ ông không có tiền trả công. Cam kết trả công đầy đủ, có trang bị ủng, găng tay cao su, các vật dụng để làm việc, bước đầu có hai công nhân cùng với vợ chồng ông bắt tay vào làm.

Năm 2008, với số vốn  100 triệu đồng vay mượn được, ông đầu tư hơn 60 triệu đồng mua máy móc thiết bị, số còn lại làm vốn lưu động. Ngày đầu do chưa quen và thiếu kinh nghiệm nên công việc khá vất vả, chất lượng phân không được như mong muốn. Trong quá trình vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, ông dần tìm ra cách làm mới, cách trộn các chất phụ gia, chế phẩm để sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Từ lúc chỉ có 2 công nhân, đến nay cơ sở sản xuất của ông đã có 8 công nhân. Phân tươi, chất thải được thu gom từ các hộ chăn nuôi lớn, các cống rãnh thoát nước, các mương máng để ráo rồi mua phụ gia, thuốc xử lý về trộn: cứ 60% chất thải với 40% phụ gia, mục đích giữ cho phân luôn khô, ủ tơi, đủ nhiệt độ, đủ ngày, dùng máy đóng bao, bán lại cho nhà máy sản xuất phân vi sinh.

Ông Bùi Duy Hường, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương đã có nhiều biện pháp xử lý, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm không đáng kể. Hiện xã đang khuyến khích khắc phục tình trạng trên, gia đình ông Chinh là một điển hình tiêu biểu cho công tác này, cần phổ biến và nhân rộng".

Ông Chinh cho biết: "Mỗi năm, cơ sở sản xuất của ông xuất bán được 250 - 300 tấn phân bón, bình quân ngày công của công nhân từ 80 - 90 nghìn đồng. Tuy nhiên, cơ sở quy mô còn nhỏ, máy móc chưa đủ tốt chỉ có thể thu gom được 50% chất  thải trên địa bàn. Tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về vốn, kỹ thuật để mở rộng sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường".

BÙI THỊ MINH NHÀN